Người mẹ của 4 đứa con tật nguyền kể về chuyện tìm bà hai cho chồng.

Con đường dẫn vào thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội những ngày cuối tháng 5 ngập đầy rơm rạ. Đang vào mùa gặt, mùi rạ nếp mới lan tỏa trong nắng gắt hè.

Người đàn bà ngoài 60 tuổi nhưng khuôn mặt già nua, khắc khổ đang oằn lưng xảy thóc trong sân. Thấy khách, bà Trương Thị Bích lật đật ra mở cửa. Tấm lưng còng đè nặng lên mảnh thân gày guộc. Nỗi vất vả hằn lên trên gương mặt sạm đen. Bà đang nuôi 4 đứa con tật nguyền do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Lấy chồng khi 21 tuổi, cả 4 lần sinh nở, con của bà Bích đều không lành lặn, đứa thứ hai mất khi vừa chào đời. Những đứa trẻ còn lại lớn lên không cất nổi bước đi và chẳng bao giờ gọi được tiếng mẹ. Chúng ngơ ngơ ngác ngác trong nỗi buồn của bà.

Bà Bích
Đi gần hết một đời người, bà Bích chưa lúc nào hết nỗi vất vả vì phải chăm những đứa con tật nguyền. Ảnh: Anh Thư.

Ngày ấy, sau khi cưới, người chồng biền biệt suốt vì làm lái xe trong quân đội, thỉnh thoảng mới về, bà một mình nuôi con. Đã bao đêm, bà Bích nằm ôm con, nuốt nước mắt trước những lời cay nghiệt của gia đình chồng, những lời bàn ra tán vào của hàng xóm.

Mãi sau này, khi chiến tranh kết thúc, mọi người mới vỡ lẽ những đứa con bị nhiễm chất độc da cam khi nghe ông Thư (chồng bà) kể về những lần hành quân qua những rừng cây trụi lá, không bóng chim. Thương con tật nguyền, nhưng bà cũng thương ông vì thấy nhiều đêm ông trăn trở, buồn bã vì không có được những đứa con lành lặn.

Nén nỗi đớn đau, bà gửi đứa con nhỏ cho mẹ đẻ rồi đi tìm vợ hai cho chồng khắp làng trên, xóm dưới với hy vọng sẽ có những những đứa con lành lặn. Đó là năm 1986. "Tôi cũng đã chuẩn bị trầu cau, lễ lạt đầy đủ, nhưng hôm đi đón dâu, ông ấy một mực không đi, cứ nằm ôm con khóc trong nhà. Tôi lại lọ mọ sang đón bà ấy về", bà Bích kể.

Người vợ hai của ông Thư là một người phụ nữ đã ở lứa tuổi nhỡ nhàng. Khi về làm dâu, bà Dương Thị Duệ đã gần 40. Rồi bà cũng lần lượt sinh được 3 người con. May mắn, đến giờ đứa nào cũng lành lặn, không ngơ ngác như các anh chị cùng cha khác mẹ. Đứa con trai đầu, ông bà đặt tên là Được, tiếp đó là 2 cô con gái cũng lành lặn, khỏe khoắn.

Cũng từ ngày về làm dâu, hàng xóm chưa nghe bất kỳ lời cãi vã nào của hai bà. Cùng là phận đàn bà, họ hiểu được những nỗi đau khổ, mất mát và thiệt thòi của nhau.

Mọi việc đồng áng trong nhà, một tay bà Duệ chăm nom không một lời oán trách. Ảnh: Anh Thư
Mọi việc đồng áng trong nhà, một tay bà Duệ chăm nom không một lời oán trách. Ảnh: Anh Thư.

"Bà ấy chấp nhận về làm hai cũng đã là thiệt thòi lắm rồi. Từ ngày về đây, có việc gì mà không đến tay bà ấy, tôi thì ốm yếu chỉ loanh quanh những việc trong nhà. Còn việc cấy cầy, đồng áng, một tay bà ấy làm...", bà Bích buông tiếng thở dài.

Từ khi người chồng ra đi vì bệnh tật, hai người đàn bà dựa dẫm vào nhau mà sống. Sự hy sinh, nhẫn nhịn của những người phụ nữ này dường như vượt lên mọi nhỏ nhen, ích kỷ của cuộc đời.

Rồi cách đây 5 năm, đứa con gái đầu tiên cũng ra đi. Còn lại người con trai Nguyễn Văn Thu, 34 tuổi và Nguyễn Thị Tĩnh, 26 tuổi vẫn chẳng biết nói, cứ ngây ngây, ngô ngô, oặt oẹo trước hiên nhà. Mọi việc từ ăn uống, vệ sinh đều một tay người mẹ già chăm sóc. Mỗi ngày, bà Bích đều phải kéo lê những đứa con ra ngoài hiên để tắm nắng.

"Những hôm tối ốm mệt, mọi việc chăm sóc con đều một tay bà Duệ làm. Bà ấy coi chúng như những đứa con ruột", bà Bích vừa kể, vừa lau mặt cho con. Những đứa con của bà Duệ đều gọi bà Bích là mẹ. Thằng lớn vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng nông nghiệp, còn 2 đứa em gái vẫn đang học.

Xế chiều, bà Duệ quần ống thấp ống cao, vác chiếc cuốc trên vai tất tả về nhà. Bà tranh thủ đảo lại đám thóc trên sân rồi quay sang nói với khách: "Cả nhà 7 miệng ăn trông vào 7 sào ruộng. Năm nay cũng được mùa, thóc đầy sân rồi, không sợ đói", nụ cười ánh lên trên gương mặt của người đàn bà quê mùa, chất phác.

Ngoài sân, hai đứa con tật nguyền của hai bà mẹ vẫn lơ ngơ, cười cười trong nắng chiều hoe hoắt.
 
Theo Anh Thư
Vnexpress