Giống như hầu hết các ông bố bà mẹ trẻ, chị Wendy (tên nhân vật đã được thay đổi) đã rất vui mừng khi con trai bắt đầu biết đi ngay khi vừa tròn 1 tuổi. Nhưng không giống như hầu hết các em bé khác, Jake (tên đã được thay đổi) đã "trốn bò" mà đứng lên đi luôn.

"Tôi đã rất phấn khích khi con bắt đầu biết đi", bà mẹ chia sẻ. "Thật sự, tôi không muốn con học bò nên tôi không hề lo lắng khi con bỏ qua giai đoạn này. Tôi chỉ mong con biết đi càng sớm càng tốt". Vì vậy, chị Wendy đã vô cùng sửng sốt khi một nhà trị liệu cho biết nguyên nhân khiến con trai chị gặp phải một số vấn đề trong học tập như khó đọc là bởi vì Jake không biết bò lúc còn bé.

 - Ảnh 1.

Jake gặp một số vấn đề trong học tập vì đã bỏ qua giai đoạn bò khi còn bé (Ảnh minh họa).

Lần đầu tiên chị Wendy nghi ngờ "có gì đó không đúng" với Jake từ khi đứa trẻ còn học mẫu giáo. Nhưng bà mẹ 3 con đã không cho con đi khám ngay từ lúc đó. "Jake không nhớ mặt chữ cái, không thể đọc và không thể đánh vần nhiều. Tôi đã hy vọng khi lớn hơn chút nữa thì con sẽ bắt kịp các bạn cùng trang lứa, nhưng Jake đã không làm được điều đó".

"Giữa Jake với các anh chị em của mình – những đứa trẻ biết bò – có một sự khác biệt lớn trong sự phát triển", chị Wendy cho biết.

Phấn khởi vì con "trốn bò" đứng dậy đi luôn, bà mẹ sốc nặng khi nghe bác sĩ nói đó là nguyên nhân khiến con học kém - Ảnh 2.

Hành động bò chéo sẽ giúp trẻ phát triển sự phối hợp song phương, từ đó thúc đẩy các vận động tinh phát triển (Ảnh minh họa).

Lý giải về điều này, cô Yael Sasson, thạc sĩ tâm lý giáo dục, kiêm Giám đốc của Trung tâm trị liệu động lực học (Singapore), cho biết hành động bò chéo - di chuyển cánh tay phải với chân trái, tiếp theo là cánh tay trái với chân phải – sẽ giúp trẻ phát triển sự phối hợp song phương.

Cô Yael nói: "Vận động bò giúp tăng cường sức mạnh cho phần thân trên của trẻ. Điều này rất quan trọng, nó giúp các con phát triển các kỹ năng vận động tinh, chẳng hạn như viết. Động tác bò cũng thúc đẩy các cơ phát triển để trẻ kiểm soát cổ và tư thế tốt hơn".

Chưa hết, "vận động bò còn giúp bé tăng cường khả năng vận động, từ đó bé sẽ có thể khám phá môi trường xung quanh nhiều hơn. Điều này giúp các con tích lũy kinh nghiệm học tập của mình", Tiến sĩ Chong Shang Chee, người đứng đầu Khoa Phát triển Trẻ em của Viện Y học Trẻ em thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho biết thêm.

Mỗi ngày, cha mẹ nên dành thời gian cho con nằm sấp

Phấn khởi vì con "trốn bò" đứng dậy đi luôn, bà mẹ sửng sốt khi nghe bác sĩ nói đó là nguyên nhân khiến con học kém - Ảnh 3.

Cha mẹ nên cho con nằm sấp mỗi ngày một vài phút ngay từ khi con còn là trẻ sơ sinh để giúp con học cách bò (Ảnh minh họa).

Tại Trung tâm trị liệu động lực học, mỗi ngày, cô Yael đều phải điều trị cho những đứa trẻ bị chậm phát triển, hầu hết các bé đều có vấn đề về phối hợp tay chân, rối loạn chức năng thị giác và chữ viết. Tuy bản thân thông minh hơn các bạn trong lớp, nhưng trẻ vẫn phải vật lộn với chương trình giảng dạy ở trường. "Nhóm trẻ này thường bỏ qua giai đoạn bò khi còn bé", cô Yael nói. "Các ông bố bà mẹ sợ con bị ngạt thở nên luôn luôn đặt con trong tư thế nằm ngửa. Điều này khiến các bé không có cơ hội được nằm sấp, không có cơ hội được học bò".

Vì vậy, cô Yael khuyến nghị các cha mẹ mỗi ngày nên cho con nằm sấp một vài phút ngay từ khi con còn là trẻ sơ sinh. "Ban đầu, cha mẹ chỉ cần cho con nằm sấp từ 1 đến 2 phút, sau đó tăng lên 5 phút, rồi 10 phút. Khoảng thời gian tập thể dục này được thực hiện khi bé tỉnh táo, và có cha mẹ ở bên giám sát".

Phấn khởi vì con "trốn bò" đứng dậy đi luôn, bà mẹ sốc nặng khi nghe bác sĩ nói đó là nguyên nhân khiến con học kém - Ảnh 5.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng khi con mình trốn bò vì Tiến sĩ Chong chia sẻ thêm rằng trên thực tế, có những đứa trẻ bỏ qua giai đoạn bò nhưng vẫn phát triển bình thường: "Các cha mẹ nên yên tâm nếu con bạn vẫn tỉnh táo, tò mò và muốn di chuyển theo những cách khác như ngồi và lết mông chẳng hạn".

Theo Tiến sĩ Chong, hầu hết các bé sẽ bắt đầu bò khi được 7 đến 10 tháng tuổi. Trẻ bắt đầu tự bám vịn đứng lên khi đạt mốc 8 đến 9 tháng tháng tuổi, và đi men vào khoảng 10 đến 12 tháng. Từ một năm trở đi, trẻ đã có thể đi được. "Nếu cha mẹ thấy con mình không đạt được các cột mốc phát triển này, hãy đưa con đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra xem sự chậm trễ này có xuất phát từ vấn đề thần kinh hay không", Tiến sĩ Chong nói.

Hiện tại, Jake vẫn đi trị liệu thường xuyên. Mặc dù kết quả học tập của cậu bé đã "được cải thiện một chút", nhưng chị Wendy nói rằng con trai chị vẫn không thể bắt kịp các bạn của mình. "Hồi đó, tôi đã không nhận ra việc bò trườn quan trọng như thế nào. Tôi đã sợ con dơ nên không muốn con học bò. Đó là một sai lầm", bà mẹ hối hận cho biết.

Nguồn: Asia One