Phần lớn người Việt không đồng tình với việc buôn bán thịt chó, mèo
Khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật, đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo.
Ngày 8-12, tại Hà Nội, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS đã tổ chức buổi đối thoại về các tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khoẻ cộng đồng, phúc lợi động vật và ngành du lịch. Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, UBND TP Hội An, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam… cùng các chuyên gia của Hội Thú y Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển...
Các đại biểu đối thoại về tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo
Bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho hay đây là lần đầu tiên có một cuộc đối thoại về việc buôn bán thịt chó, mèo.
"Các bài tham luận và thảo luận cho thấy đang có làn sóng quay lưng lại với việc buôn bán thịt chó và mèo ở Việt Nam" - Bác sĩ Karan Kukreja nói.
Bà Phan Thanh Dung, Chuyên viên tư vấn chiến dịch tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết thêm hàng trăm ngàn người dân đã thể hiện quan điểm phản đối buôn bán thịt chó mèo, trong đó 95% người dân được hỏi trong một cuộc khảo sát tại các tỉnh thành đã cho biết đây không phải là một phần trong văn hoá Việt Nam. Việc buôn bán này chỉ mang lợi cho một số ít người nhưng gây rủi ro cho nhiều người.
Người Việt Nam hiện nay, nhất là thế hệ trẻ, không ủng hộ việc tiêu thụ thịt chó, mèo vì ngày càng có nhiều người nuôi thú cưng, và coi chó, mèo như thành viên không thể thiếu trong gia đình. Những chủ nuôi thú cưng hết sức đau lòng khi biết chó, mèo của họ bị trộm cướp và giết hại dã man trong các lò mổ.
Bác sĩ Karan Kukreja cho hay đang có làn sóng quay lưng lại với việc buôn bán thịt chó và mèo ở Việt Nam
"Chúng tôi liên tục nhận được thông tin từ phía người dân yêu cầu hành động, cùng với hàng chục ngàn lá thư tâm huyết được gửi đến Chính phủ với mong muốn chấm dứt nạn buôn bán này. Công cụ báo cáo về buôn bán thịt chó mèo của chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh sau chưa đầy một tháng ra mắt. Điều này minh chứng rằng đại đa số người Việt Nam không đồng tình với việc buôn bán thịt chó, mèo" - bà Phan Thanh Dung nhấn mạnh.
Tại đối thoại, các chuyên gia cũng chỉ ra những tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khoẻ cộng đồng và ngành du lịch, cũng như những hoạt động ở cấp địa phương và khu vực phản đối vấn nạn buôn bán này. Bên cạnh đó, sự kiện còn đưa ra các thông tin liên quan đến dự án phối hợp giữa chính quyền TP Hội An và FOUR PAWS nhằm từng bước loại bỏ việc buôn bán thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.
Nhiều công ty lữ hành và khách du lịch cũng bày tỏ quan điểm phản đối hoạt động buôn bán này.
Ông Robert Rankin, Giám đốc quốc gia Công ty du lịch và lữ hành Abercrombie and Kent Việt Nam, nhấn mạnh khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật, và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo.
"Việc buôn bán thịt chó, mèo và những tác động đã được chứng minh đối với việc gia tăng dịch bệnh, khiến các nhà điều hành du lịch gặp khó khăn hơn trong việc quảng bá Việt Nam như một điểm đến du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và hiện đại. Abercrombie and Kent Việt Nam ủng hộ lệnh cấm buôn bán thịt chó mèo và cùng với nhiều công ty du lịch đã ký cam kết ủng hộ chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo của FOUR PAWS"- ông Robert Rankin nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 12-2021, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và tổ chức FOUR PAWS đã ký thỏa thuận. Theo đó, Hội An trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo và hướng tới hình ảnh thành phố du lịch thân thiện.
Hội An trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo
Năm 2021, FOUR PAWS đã ủy thác thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết ở Việt Nam về một số chủ đề, trong đó bao gồm cảm nhận của người dân về nạn buôn bán thịt chó, mèo. Theo đó, ước tính mỗi năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị giết hại dã man để lấy thịt ở Việt Nam, nhưng chỉ để phục vụ cho lợi ích của một số ít cá nhân.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng chỉ có 6,3% người Việt Nam tiêu thụ thịt chó, mèo nhưng có đến 88% công chúng ủng hộ chính phủ ban hành lệnh cấm buôn bán thịt chó, mèo. Điều đó cho thấy nạn buôn bán thịt chó, mèo không phải là điều mà đa số người dân mong muốn và nó không đại diện cho đất nước Việt Nam.