Mới đây, đại biểu Quốc hội đề xuất giảm tỷ lệ phân luồng học sinh học nghề sau bậc THCS để các em được quyền bình đẳng về học tập trong nhà trường. Hiện nay các địa phương áp chỉ tiêu 40% học sinh tốt nghiệp THCS, phân luồng học nghề để xây ít trường công lập ở bậc THPT dẫn tới áp lực lớn cho học sinh trong kỳ thi vượt cấp.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) nói rằng, nhiều năm nay kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội gây áp lực lớn cho học sinh và nhà trường bởi lẽ chỉ có khoảng 60% em đỗ vào THPT công lập. 60% là chỉ tiêu của toàn thành phố, thực tế ở các trường nội đô tỉ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập ít hơn. Số còn lại, học sinh có nhiều lựa chọn khác như: đi học nghề, học trường tư thục, trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp…
“Nhiều năm làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS có thể thấy, tỷ lệ học sinh đi học nghề có cải thiện nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 10-17%. Nhiều em khác vẫn tiếp tục học lên THPT”, hiệu trưởng này nói.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần xây dựng thêm trường công lập ở bậc THPT nhằm giảm áp lực kinh tế, áp lực thi cử đối với học sinh là cần thiết.
Tư vấn theo hướng áp đặt, khó hiệu quả
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho rằng, theo Nghị quyết 06 của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Giáo dục nghề nghiệp cho người học cũng là một nội dung rất quan trọng tuy nhiên nói hiệu quả chưa thì câu trả lời là chưa vì lâu nay, cách triển khai định hướng, phân luồng trong trường học mang tính chất áp đặt, khô cứng theo hướng những em không học tốt mới đi học nghề.
Hằng năm, vẫn có những trường hợp giáo viên chủ nhiệm, nhà trường ở bậc THCS tư vấn kiểu “cấm” thi vào lớp 10 vì năng lực học sinh yếu kém. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội và một số thành phố lớn rất khó khăn, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh. Thậm chí, cuộc thi này còn được ví là khó hơn thi vào ĐH.
“Đẩy học sinh đi học nghề như là con đường cuối cùng , khi không thể thi vào THPT là cách làm chưa khoa học. Việc tư vấn chọn ngành nghề để học cũng không vì năng lực, sở thích của học sinh nên công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả”, theo ông Ngọc.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, việc điều chỉnh tỷ lệ học sinh vào trường nghề không quan trọng bằng việc tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu và lựa chọn hướng đi nào đúng đắn, phù hợp với năng lực, hoàn cảnh thực tế. Bởi nếu học sinh không thích học nghề sau THCS, các em vẫn có thể lựa chọn học trường tư, hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên… thay vì chọn nghề.
“Công tác truyền thông làm sao để thay đổi nhận thức, tránh tình trạng bằng mọi giá lên THPT và vào ĐH xong vẫn thất nghiệp trong khi nhiều em học nghề tốt nghiệp có việc làm với thu nhập khá tốt”, ông Ngọc nói.
Cần phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, làm tốt đầu ra để phụ huynh hiểu, học sinh vào trường nghề có thể vừa học nghề vừa học văn hóa cũng là một con đường tốt chứ không phải yếu kém, không biết học gì mới đi học nghề.
Một số trường nghề khác chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT vì các em đủ 18 tuổi, có nhận thức để lựa chọn ngành nghề học phù hợp, thuận lợi cho thực hành, thực tập ở các doanh nghiệp.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS đã được các địa phương làm cơ sở để xây dựng hệ thống trường công lập.
Tuy nhiên, thực tế qua các năm cho thấy, nhu cầu học THPT của học sinh cao hơn so với khả năng đáp ứng của hệ thống trường, lớp hiện tại, gây ra nhiều căng thẳng trong quá trình lựa chọn. Một số nơi, học sinh phải đối mặt với sức ép rất lớn khi thi tuyển vào lớp 10. Do vậy, cần phải đánh giá một cách đầy đủ về mức độ phù hợp trong việc phân luồng, hướng nghiệp.