Tiếng gọi nửa đêm về sáng

11 giờ đêm, nhịp sống tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) mới bắt đầu sôi động. Một thế giới bán buôn, trao đổi hàng hóa và cửu vạn. Từ xa cổng chợ, mùi tanh của tôm, cá xộc thẳng vào mũi, ám trên quần áo cùng với cái lạnh quyện nhau tạo nên không khí đặc trưng của một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất TP. Hồ Chí Minh.

Từng đoàn xe tải, xe con chở rau củ, cá tôm từ miền Tây, miền Đông và ở khắp nơi đổ về. Bên trong chợ, tại khu vực thủy, hải sản là hàng trăm, hàng ngàn thùng chậu, bể chứa lớn, cá tôm tràn ngập. Trong cái biển người và biển hàng mênh mông ấy là những phận đời mưu sinh với nhiều công việc khác nhau nhưng đông đảo và cực nhọc nhất vẫn là nghề cửu vạn. Công việc kéo xe, bốc vác vốn đòi hỏi sức khỏe của nam giới lại có không ít phụ nữ chân yếu tay mềm lựa chọn gắn bó.

Phận nữ cửu vạn ở chợ đêm Bình Điền - Ảnh 1.

Con dốc kéo xe trơn trượt và đầy hiểm nguy.

Chẳng kể ngày mưa hay nắng, công việc hằng ngày của những nữ cửu vạn thường bắt đầu từ 10 giờ đêm đến rạng sáng ngày hôm sau. Chị Phạm Thị Tươi (quê huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bảo nghề cửu vạn chợ đêm là mình đi làm khi người khác đi ngủ. Mỗi lượt chở hay bốc vác một bao hàng nặng trên 50kg trở lên, chị Tươi được chủ trả 20.000 đồng, nếu may mắn nhận được mối xe, nhận bao sô luôn thì kiếm được hơn 200.000 đồng. 

Công việc tay chân nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải khéo và kỹ để không làm hư hại hàng của chủ, chưa kể lúc kéo xe chẳng may làm rơi rớt còn phải đền số hàng bị mất. Chồng chị Tươi trước cũng vào làm cửu vạn ở chợ nhưng được một thời gian không trụ nổi đành về quê làm công nhân và chăm sóc 3 đứa nhỏ.

Chỉ về phía người phụ nữ đang kéo hàng, chị Tươi cho biết: “Em chồng tôi mới vô làm được ít ngày. Nhìn em ấy gồng mình cõng hàng mà thương đứt ruột, nhưng ở đây phụ nữ nào cũng vậy cả. Chúng tôi tự thương lấy nhau mà sống thôi”. 

Ngày đầu mới vào miền Nam, chị Tươi quay quắt trong nỗi nhớ 3 đứa nhỏ ở nhà, cứ mỗi lần nói chuyện là khóc, riết rồi cũng quen, nhưng vẫn buồn nhiều vì không được gần gũi, chăm sóc bảo ban chúng. Có lẽ, động lực lớn nhất để người phụ nữ bám trụ được với nghề cửu vạn ở chợ trời chính là 3 đứa con. Nhắc đến con, ánh mắt chị sáng rực niềm vui, giúp chị vượt qua bao nỗi vất vả và cả những hiểm nguy trực chờ. 

“Mình đi làm cực nhọc mấy cũng không sao, cố gắng để mấy đứa nhỏ học được cái chữ mà thoát nghèo. Sang tháng sinh nhật con gái út (3 tuổi), mình ráng làm “cày cuốc” thêm mong trời thương cho công việc đều để có thêm chút tiền mua quà tặng con”, chị Tươi tâm sự.

Sau đợt dịch COVID-19, công việc của cửu vạn bị ảnh hưởng nhiều. Người mua ít nên các mối lái quen thân có người bỏ hẳn chợ. Chị em cửu vạn chia sẻ cho nhau công việc, giống như cách họ nhường chén cơm cho người khác.

Phận nữ cửu vạn ở chợ đêm Bình Điền - Ảnh 2.

Những giây phút hiếm hoi nghỉ tay của chị Phạm Thị Tươi.

Những câu chuyện của chị Tươi liên tục bị đứt quãng vì có tiếng gọi kéo hàng. Vừa xong một chuyến, mồ hôi chưa kịp ráo, chị Tươi lại tất tả lao ra ngoài, lẩn khuất trong ánh đèn vàng vọt của vùng trời đêm. Chúng tôi chỉ kịp nhìn thoáng phía sau tấm lưng của chị, cứ thoăn thoắt nhấc từng bao cá nặng chất lên xe, rồi gồng người đẩy hàng trên nền đường trơn trượt tưởng như có thể té ngã bất cứ lúc nào.

Dụng cụ để kéo chở hàng chủ yếu của họ là chiếc xe kéo làm bằng sắt, được thiết kế dài để có thể đựng được nhiều thùng hàng, trên mỗi xe kéo lại có sợi dây quàng qua cổ để mỗi lúc xe leo lên những đoạn đường dốc không bị đổ. Chiếc xe này, các cửu vạn phải sắm hết 3,5 triệu đồng.

Con dốc giữa khu C và đoạn đường ra bãi tập kết có chiều dài khoảng 700m trở thành nỗi ám ảnh của nhiều lao động nữ kéo chở hàng ở chợ đêm Bình Điền. Dốc cao, nhiều lúc kiệt sức không kịp phanh, chiếc xe nặng đổ ập vào người. Các chị dùng chân bấm xuống nền đường để hãm phanh, những ngón chân nhiều lần bong móng, tóe máu. 

Cửu vạn ở chợ đêm không hề có khái niệm nam hay nữ, đã khoác trên mình tấm áo cửu vạn thì phải tự chấp nhận công việc, làm nhiều thì hưởng nhiều. Bởi vậy, sức kéo của các nữ cửu vạn cũng không hề thua kém cánh mày râu. Họ đã quen với công việc này nên dù kéo hàng nặng, chân vẫn bước thoăn thoắt. Kéo xe liên tục xuyên đêm, ngày này qua tháng khác khiến đôi bàn tay của họ dần trở nên chai sần, đầy vết bầm xước.

“Áo ướt thì no...”

Hơn 10 năm gắn bó với công việc bốc vác thuê ở khu chợ này, chị Nguyễn Thị Lành (quê Nghệ An) chưa từng nghĩ đến ngày chuyển nghề. Ở quê, nhà chị Lành thuộc diện nghèo khó, cả nhà đành dắt díu nhau vào Nam kiếm sống và kiếm được một chân cửu vạn. Dáng hao gầy, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, nhưng người phụ nữ này luôn toát lên vẻ nhanh nhẹn và dẻo dai. 

Vợ chồng chị Lành bắt đầu công việc từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Hai đứa con nhỏ ở nhà trọ chăm nhau. Chị Lành ban đầu cũng lo lắng bất an, sau thì quen, cũng phải mặc kệ thôi, ở nhà ôm nhau thì lấy gì sống. Hướng mắt về phía một nhóm nữ cửu vạn đang ngồi ở góc chợ, chị thở một hơi thật dài, nói: “Hễ nhìn áo là biết ai đã trúng mánh kéo được nhiều hàng đêm nay. Áo ướt thì no, còn áo khô thì đói”.

Phận nữ cửu vạn ở chợ đêm Bình Điền - Ảnh 3.

Công việc hằng đêm của nữ cửu vạn ở chợ Bình Điền.

Đi sâu hơn vào trong chợ, chúng tôi gặp em Lê Thị Hiền, năm nay mới 19 tuổi, lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người, nhưng trông em có vẻ già hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Nước da ngăm đen, cùng những nếp nhăn của sự khó nhọc thể hiện rõ trên khuôn mặt em. Đang ăn vội ổ bánh mì trước khi vào làm tiếp, Hiền kể: 

“Em ở quê không có tiền ăn học, vào đây chẳng biết làm việc gì, được người quen ở xóm trọ chỉ cho vào xin làm bốc xếp ở chợ Bình Điền. Những ngày đầu đi làm khổ cực lắm và còn gặp rắc rối nữa. Bữa đó em đang loay hoay đẩy xe cá ra ngoài bãi xe, gần đến nơi thì bị một tên thanh niên ở đâu chạy đến giật trộm mất một khay cá, vậy là phải đền tiền cho chủ sạp, không biết kêu ai”. Hiền ngơ ngác giữa chợ đêm, mà cũng là chợ đời.

Không chỉ nhọc nhằn khổ cực, để kiếm tiền trang trải cuộc sống, những người phụ nữ làm nghề cửu vạn đã và đang phải đánh đổi cả thanh xuân, sức khỏe của chính mình. Bởi, bất cứ ai trong số họ cũng thừa hiểu rằng, xác định bước chân vào nghề bốc vác thuê này việc chấn thương vùng lưng, xương khớp là điều không thể tránh. Kéo hàng lâu năm, người bị vẹo cổ, người bị đau nhức xương khớp cũng là chuyện như cơm bữa đối với họ.

Phận nữ cửu vạn ở chợ đêm Bình Điền - Ảnh 4.

Xen giữa cảnh buôn bán nhộn nhịp tại chợ đầu mối là những phận đời cửu vạn đầy nhọc nhằn.

42 tuổi đời, 11 năm tuổi nghề cũng là chừng ấy thời gian chị Nguyễn Thị Thắm phải sống chung với bệnh đau lưng, những ngày trái gió trở trời chỉ có thể nằm nhà. Nói về những lần đau ốm, chị buồn rầu tâm sự: “Không dám đi bác sĩ, chỉ ra tiệm thuốc Tây mua vài viên thuốc giảm đau về uống, hôm sau lại vận đai, ủng, trùm áo mưa tiếp tục lao vào công việc, nằm nhà lấy gì ăn”.

Bao nhiêu cay đắng, ngọt bùi đã từng nếm trải, thế mà khi nhắc đến bản thân, chị Thắm vẫn rơm rớm nước mắt: “Là phụ nữ, ai chẳng muốn có công việc thơm tho, sạch sẽ chứ đâu ai muốn lúc nào cũng hôi tanh mùi cá”. 

Dẫu vậy, người phụ nữ ấy vẫn chưa có ý định bỏ nghề. Cuộc sống dù còn nhiều vất vả, đôi tay phồng rộp, chai sạn vì kéo chở những thùng hàng nặng, lưng sáng nào về cũng nhức và nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực, họ cũng không dám nghĩ xa hơn cho bản thân.

Phận nữ cửu vạn ở chợ đêm Bình Điền - Ảnh 5.

Nhịp sống về đêm của đời cửu vạn luôn mướt mải mồ hôi và nước mắt.

Một đêm theo chân những phận đời nữ cửu vạn nhọc nhằn mưu sinh ở khu chợ đầu mối Bình Điền, mới thấy câu chuyện đời, chuyện nghề về những người phụ nữ làm nghề bốc xếp thuê như chị Tươi, Lành, Thắm hay em Hiền chỉ là số ít trong hàng trăm mảnh đời mưu sinh tại đây. 

Hầu hết trong số họ bước vào nghề một cách vô định như không còn được lựa chọn. Những lo toan hằng ngày cứ dai dẳng, bám riết trên đôi vai chai sần, trên làn da nứt nẻ, trên những bàn tay đã rạn nứt. Và, cứ thế, những đêm dài bạc mắt, họ vẫn miệt mài với cuộc mưu sinh.