Phần thịt lợn "quý như nhân sâm" nhưng có rất ít, nếu gặp được nên mua ngay
Thịt lợn từ lâu đã trở thành nguyên liệu quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt, nhưng không phải ai cũng biết tới phần thịt ngon, có số lượng rất ít này.
Thịt lợn - Nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể
Về mặt dinh dưỡng, thịt lợn là nguồn cung cấp dồi dào các chất cần thiết như đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Theo nghiên cứu, mỗi 100g thịt lợn chín chứa khoảng 297 kcal, 26g chất đạm, 21g chất béo, và không có chất xơ, đường hay carbohydrate. Đây cũng là nguồn giàu các vitamin nhóm B (B1, B3, B6, B12), sắt, kẽm, phốt pho, và selen.
Đặc biệt, thịt lợn chứa nhiều vitamin B1, một dưỡng chất quan trọng hỗ trợ nhiều chức năng cơ thể, cao hơn so với các loại thịt đỏ như bò và cừu.Vitamin B6 và B12 cũng giúp hình thành tế bào máu và hỗ trợ chức năng não.
Theo trang WebMD, thịt lợn còn cung cấp sắt dễ hấp thu và selen – một chất hỗ trợ chức năng tuyến giáp. Một khẩu phần 170g thịt lợn có thể đáp ứng đủ lượng selen cần thiết mỗi ngày.
Thịt lợn chứa nhiều vitamin B1, một dưỡng chất quan trọng hỗ trợ nhiều chức năng cơ thể, cao hơn so với các loại thịt đỏ như bò và cừu.
Ngoài ra, protein trong thịt lợn chứa các axit amin thiết yếu, giúp xây dựng cơ bắp. Khi tuổi cao, chúng ta dễ mất đi khối lượng cơ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cơ. Việc bổ sung đạm từ thịt lợn giúp làm chậm hoặc giảm thiểu quá trình mất cơ, góp phần duy trì cơ bắp khỏe mạnh.
Thịt lợn cũng chứa beta-alanine, một axit amin cần thiết cho sự hình thành carnosine – hợp chất quan trọng cho sức mạnh cơ bắp. Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung beta-alanine có thể tăng lượng carnosine trong cơ bắp từ 40-80% chỉ sau 4-10 tuần, giúp giảm mệt mỏi và cải thiện hiệu suất vận động.
Vừa bổ dưỡng, vừa có giá thành hợp lý, người Việt dùng thịt lợn rất nhiều trong các bữa ăn. Thịt lợn có nhiều phần phổ biến như thịt vai, ba chỉ, đùi, sườn, mông. Tuy nhiên, có một phần thịt đặc biệt mà chỉ người đi chợ sớm mới may mắn mua được, đó là thịt má đào, với số lượng ít ỏi chỉ khoảng 200-300 gram trên mỗi con lợn.
Phần thịt ngon hiếm có mà không phải ai cũng biết
Nhiều người chỉ biết đến phần thịt má, nhưng thực tế thịt má có hai loại: má ngoài và má đào. Nếu má ngoài có nhiều mỡ, thì má đào lại là phần thịt độc đáo với lớp gân mềm, xen kẽ giữa thịt và mỡ. Gân của má đào mềm mại, mảnh, không cứng hay dai, tạo nên hương vị đặc biệt mà theo nhận xét của những người bán lâu năm, đây có thể là phần ngon nhất trên con lợn.
Đặc trưng của thịt má đào là lớp gân xen lẫn với thịt, vừa mềm vừa béo nhưng không ngấy. Ở các chợ, má đào là phần thịt hiếm nên thường bị mua hết sớm. Nhiều bà nội trợ chia sẻ, chỉ cần đến muộn sau 7 giờ sáng, rất khó có cơ hội tìm thấy phần thịt hấp dẫn này.
Để mua được phần thịt má đào quý hiếm, người nội trợ nên lưu ý đến thời gian đi chợ. Do số lượng hạn chế, thịt má đào thường hết sớm, vì vậy nhiều người phải đặt trước với người bán để giữ lại phần thịt này.
Đặc trưng của thịt má đào là lớp gân xen lẫn với thịt, vừa mềm vừa béo nhưng không ngấy.
Khi chọn mua, cần chú ý đến một số dấu hiệu nhận biết sau:
Miếng thịt má đào phải khô ráo, không có dấu hiệu ẩm ướt. Nếu thịt có độ ẩm bất thường, rất có thể đã qua xử lý bơm nước hoặc bảo quản đông lạnh.
Màu thịt cần tươi sáng, đỏ hồng tự nhiên, không có dấu hiệu thâm đen.
Thịt không có mùi lạ, không rỉ nước và có độ đàn hồi tốt khi chạm vào.
Những yếu tố này giúp đảm bảo chất lượng thịt má đào, một phần thịt được nhiều bà nội trợ săn đón.
Tham khảo công thức chế biến món thịt má đào chao lá mắc mật
Nguyên liệu chuẩn bị: 500g thịt má đào;Một nắm lá mắc mật; 1 thìa cà phê nước mắm ngon; 1 thìa cà phê hạt nêm hữu cơ; 1 thìa cà phê dầu hào; 3 thìa sữa đặc; 1 thìa phở dầu ăn; 1 củ hành tím băm nhỏ; 1 củ riềng tươi và 2 củ sả đập dập, giã nát và thêm 1 thìa phở nước; 1 thìa phở bột chiên giòn hoặc bột năng.
Bước 1: Sơ chế thịt
Rửa sạch thịt má đào, thái thành từng miếng vuông vừa ăn. Lưu ý, tránh thái quá nhỏ hoặc quá mỏng để thịt không bị quắt lại khi chao.
Bước 2: Ướp thịt
Riềng và sả sau khi giã xong, lấy cả bã và nước trộn đều vào thịt. Thêm vào: 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm hữu cơ, 1 thìa cà phê dầu hào, 3 thìa sữa đặc, 1 thìa phở dầu ăn, hành tím băm nhuyễn. Trộn đều hỗn hợp và để thịt ngấm gia vị trong khoảng 6-8 tiếng (tối thiểu 3 tiếng). Khi ướp lâu, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Lưu ý: Trước khi chao, thêm 1 thìa phở bột chiên giòn hoặc bột năng vào thịt, trộn đều và cho nắm lá mắc mật đã vò nhẹ để tăng hương vị.
Bước 3: Chao thịt với lá mắc mật
Làm nóng chảo, đổ dầu vào và đợi sôi rồi cho thịt vào chao. Chao với lửa lớn, đến khi thịt vàng đều mới lật và đảo mặt. Khi từng miếng thịt đạt độ vàng giòn, thơm ngậy, bạn đã hoàn thành món ăn.
Thành phẩm: Từng miếng thịt má đào dẻo mềm, đậm đà hương vị kết hợp hoàn hảo cùng riềng và lá mắc mật, tạo nên hương vị béo ngậy, thơm phức, hấp dẫn.