Tính kiên trì, khả năng tự kiểm soát bản thân là một trong những đức tính quan trọng nhất để trở thành người thành công trong cuộc sống. Để có được đức tính đó, trẻ em cần được giáo dục và rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ, và cha mẹ chính là những người đóng vai trò lớn nhất trong quá trình xây dựng tính cách của trẻ. Thí nghiệm kẹo dẻo nổi tiếng năm nào chắc chắn vẫn là một lời nhắc nhở, lời gợi ý giá trị dành cho cha mẹ khi dạy con bài học quan trọng này.

Video phản ứng của trẻ khi được cho kẹo dẻo.

Thí nghiệm kẹo dẻo kinh điển của Mischel

Tiến sĩ tâm lý học Walter Mischel, trường đại học Stanford, Mỹ đã tiến hành một thí nghiệm rất nổi tiếng có tên “Bài kiểm tra kẹo dẻo” (Marshmallow Test) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thí nghiệm này rất đơn giản: những đứa trẻ trong độ tuổi mầm non sẽ được đưa vào ngồi trong căn phòng trống và lựa chọn 1 trong 2 khả năng. Với một viên kẹo dẻo, trẻ có thể chọn ăn ngay, hoặc chờ đợi trong 15 phút và phần thưởng sẽ là viên kẹo thứ 2. 

Các bé đã trải qua quá trình “giằng xé nội tâm” giữa việc ăn hay không ăn, với những biểu cảm rất ngộ nghĩnh. Có bé quyết định ăn ngay, có bé kiên nhẫn chờ đợi với cái nhìn “day dứt”, có bé vò đầu bứt tai, có bé quay mặt đi nơi khác, chỉ dám cầm lên rồi lại bỏ xuống, có bé không kìm lòng được bèn véo một miếng nhỏ,… Thí nghiệm tuy đơn giản nhưng đã phần nào cho thấy tính cách cũng như khả năng kiềm chế, kiểm soát bản thân của mỗi bé.
 
Muôn vàn biểu cảm "đấu tranh nội tâm" xem ăn hay không ăn.
 
Theo kết quả của nghiên cứu này, trong 600 trẻ tham gia, một số ít trẻ chọn cách ăn ngay, rất ít trẻ có thể để nguyên viên kẹo trong suốt 15 phút, 1/3 trẻ được nhận thêm viên kẹo thứ 2.

Vì sao việc dạy cách tự kiểm soát lại quan trọng?

Đây chỉ là kết quả ban đầu của thí nghiệm này. Những kết quả nghiên cứu của Mischel trong suốt 50 năm sau đó mới thực sự khiến mọi người giật mình. Bài kiểm tra kẹo dẻo năm nào thực sự có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của đứa trẻ trong tương lai. Mischel tiết lộ những kết quả nghiên cứu sâu hơn của cuộc thí nghiệm trong cuốn sách “Bài kiểm tra kẹo dẻo” (The marshmallow test: Mastering self-control), những đứa trẻ có thể nhận được viên kẹo thứ 2 có điểm thi SAT cao hơn, tỉ lệ nghiện ngập thấp hơn, ly hôn thấp hơn, béo phì thấp hơn,…Đó cũng là những người thành công hơn trong cuộc sống.

Mischel cũng để ý rằng, trong suốt cuộc thí nghiệm, những đứa trẻ vượt qua bài kiểm tra và nhận chiếc kẹo thứ 2 có rất nhiều cách sáng tạo để chế ngự cảm giác thèm muốn chiếc kẹo dẻo, chúng “có nhiều khả năng nỗ lực và kìm nén cơn giận hơn”.
 
Những đứa trẻ biết tự kiểm soát có kết quả học tập và sức khỏe tốt hơn.

Theo một số nghiên cứu khác, những trẻ có khả năng tự kiểm soát kém thường dễ nổi nóng, hay lo lắng, sợ hãi. Về lâu dài, chúng dễ nghiện rượu, đồ uống có cồn, thuốc hơn, nguy cơ béo phì cao hơn, nói chung là sức khỏe kém hơn. Chúng cũng dễ mắc phải các tệ nạn xã hội và tỷ lệ phạm tội lớn hơn.

Một nghiên cứu khác của Megan McClelland năm 2007 chỉ ra rằng những trẻ có khả năng tự kiểm soát cao hơn có điểm số các bài thi toán và văn cao hơn những trẻ khác.

Dạy trẻ cách kiên trì để đạt được mục tiêu ngay từ khi còn nhỏ là cách để trẻ tự xây dựng thói quen tốt, là nền tảng ban đầu để rèn luyện các kĩ năng khác như khả năng giải quyết vấn đề, vượt qua thử thách hay đưa ra quyết định.

Làm thế nào để dạy trẻ bài học tự kiểm soát

Mischel từng viết trong cuốn sách của mình, tự kiểm soát và sức mạnh ý chí là “có thể dạy được”. Tuy nhiên, nhiều khi chính cha mẹ cũng chưa đủ kiên nhẫn để dạy cho con mình. Do vậy, trước hết, bố mẹ cần là những người làm gương cho con. Có ý kiến cho rằng, lỗ hổng trong thí nghiệm của Mischel chính là lòng tin, những đứa trẻ không vượt qua thử thách chưa chắc là những người không có sức mạnh ý chí, mà đơn giản chúng có rất ít lòng tin về việc người lớn sẽ làm những gì họ nói. Cha mẹ cần xây dựng một môi trường mà ở đó, tự kiểm soát và tính kiên trì được đề cao, cho con thấy được giá trị của sự chờ đợi, bỏ qua lợi ích trước mắt để đạt được mục tiêu lớn hơn.
 
Bài học chờ đợi có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống sau này của trẻ.

Bố mẹ có thể dạy con cách chờ đợi và hiểu rằng mọi thứ đều có giá của nó. Ví dụ, con muốn ăn kem nhiều hơn, hãy đưa ra điều kiện như để con làm việc nhà, hoặc nếu muốn xem ti vi, thì phải làm xong bài tập. Hãy đặt thời gian để trẻ chờ đợi, ví dụ như trong thí nghiệm trên. Bạn cũng có thể dạy trẻ tận dụng khoảng thời gian chờ đợi để làm một công việc khác. Mỗi khi trẻ làm tốt, hãy động viên trẻ và có thể thưởng cho trẻ một phần quà xứng đáng. 

Ngoài ra, trẻ cũng có thể tham gia tập luyện hay chơi trò chơi để rèn luyện tính kiên trì và kiểm soát bản thân. Ví dụ như chơi một loại nhạc cụ, tập một môn thể thao vừa sức. Cũng có rất nhiều trò chơi vận động ngoài trời giúp trẻ rèn luyện như “Đèn đỏ, đèn xanh”,  bé sẽ phải dừng lại chờ khi đèn đỏ, hay tập xếp hình, giải ô chữ,…. Hãy để ý đến độ tuổi, tầm hiểu biết cũng như sở thích của trẻ để chọn trò chơi cho phù hợp.

Trẻ con là độ tuổi hiếu động, ưa khám phá, hay tò mò và khó kiềm chế bản thân. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đừng biến bài học tự kiểm soát thành một mớ giáo điều nặng nề, cứng nhắc. Hãy chỉ cho trẻ hiểu bằng những cách linh hoạt và thực tế bằng cách lồng ghép điều bạn muốn nói vào những hoạt động thường ngày, hãy biến những điều trẻ phải làm thành những điều chúng muốn làm.
 
(Nguồn: CNN, Bloomberg, Parentingscience)