Nhà văn Phan Ý Yên là một trong những cây bút trẻ giàu nội lực và được phụ nữ yêu mến, bởi những cuốn sách của chị truyền cảm hứng sống mạnh mẽ, giàu nội tâm và rực rỡ. Cô gái với bút danh nghĩa là "tâm ý bình yên" này không chỉ nổi tiếng trong văn chương mà còn nổi tiếng khi điều hành rất nhiều dự án truyền thông cho nhiều thương hiệu cũng như tạo dựng một thương hiệu thời trang của riêng mình. Ở tuổi vừa chạm ngưỡng 30, nữ nhà văn quê Đà Nẵng dường như là hình mẫu phụ nữ hiện đại và khiến không ít bạn trẻ ngưỡng mộ.

nhà văn Phan Ý Yên
Nhà văn Phan Ý Yên vừa bước sang tuổi 30, nhưng với chị, tuổi 30 chỉ như một ngày bình thường

Sau khi bị "vứt ra đường", tôi học được cách sống một mình

Phan Ý Yên là một phụ nữ có đời tư khá bí ẩn, có lẽ vì chị ít kể về bản thân mình. Nhưng ngắm nhìn gương mặt dễ thương, cách nói năng nhẹ nhàng của chị, dễ đoán, chị là một cô gái "sướng từ trong trứng", một tiểu thư được nuôi nấng cẩn thận, chăm chút chỉn chu. Phan Ý Yên bảo, điều đó không sai, nhưng chỉ đúng với 18 năm đầu đời của chị.

Chị tiết lộ, hồi nhỏ, chị được mẹ cưng chiều như công chúa. Chị được mẹ đầu tư học tiếng Anh từ lớp 3, nhà lúc nào cũng đầy sách để đọc, 1 tuần đi học 6 ngày là mặc 6 bộ áo dài khác nhau, có người giặt là thẳng thớm sẵn chỉ việc mặc, cơm có người nấu sẵn... Có cảm giác, chị chỉ có hai việc chính là học và vui chơi. Thế rồi, năm 18 tuổi, chị bị mẹ "vứt ra đường" - theo cách nói hóm hỉnh của Phan Ý Yên. 

nhà văn Phan Ý Yên
Từ một tiểu thư sống trong nhung lụa, 18 tuổi, Phan Ý Yên bắt đầu học cách sống tự lập.

Ngọn nguồn của chuyện đó là thế này. Cùng một lúc, Phan Ý Yên có visa đi Pháp và giấy báo đỗ đại học Quốc gia Hà Nội. Giữa hai cơ hội, hoặc đi du học ở đất nước phù hoa, hoặc ra Hà Nội, mẹ trao cho chị quyền lựa chọn, với điều kiện: nếu ra Hà Nội học, mẹ sẽ nuôi, nếu đi Pháp, mẹ sẽ chỉ cho đúng 1.000 euro và không chu cấp thêm gì hết.

Cả mẹ và Phan Ý Yên đều hiểu, chị sẽ chọn đường du học. Vậy là, 18 tuổi, Phan Ý Yên tách khỏi cuộc sống nhung lụa để chu du sang Pháp học ngành luật, bắt đầu một hành trình mà sau này nhìn lại, chị bảo: "Thực ra không có định hướng, chỉ là sự lựa chọn rất cảm tính. Tôi chọn học luật vì tất cả bạn mình đều học kinh tế, mình không thích giống người khác thôi, chứ cũng chẳng có thông tin, tìm hiểu gì trước. Sau khi sang đó, mình mới thấy không hợp, thấy con đường quá dài, quá vất vả mà mình lại không đủ đam mê với nó". Nhưng thời điểm đó, chị chỉ thấy hơi giận mẹ.

nhà văn Phan Ý Yên
"Tiểu thư" của mẹ đã phải làm việc vất vả ở Pháp để tự chi trả sinh hoạt phí và tiền học.

Với 1.000 euro, sau khi đóng học phí, bảo hiểm ở trường xong, chị chỉ còn 300 euro trong người. Mẹ không chu cấp thêm, vậy là, chỉ phải tính cách đi làm thêm "chui". "Công việc làm thêm đầu tiên của tôi là ở một nhà hàng Việt với lương 20 euro/đêm, dọn rửa liên tục từ 6 giờ tối đến khoảng 1 sáng hôm sau, một mức lương rất bèo bọt so với lương cơ bản của họ: 8 euro/giờ. Tiền kiếm được chỉ đủ ăn và đóng tiền nhà. 

Mùa hè, tôi đi hái hoa quả ở những trang trại trên núi. Những người khác mang lều và vật dụng cơ bản theo, tôi chẳng có gì, phải ngủ nhờ họ và không đủ can đảm tắm ngoài trời, nên 1 tuần tôi tắm 1 lần, sau khi về nhà trọ. Trang trại ở trên núi, thời tiết khắc nghiệt, buổi sáng lạnh ơi là lạnh, trưa thì nóng khủng khiếp. Khi xong việc, rửa tay, tôi mới phát hiện những quả mâm xôi cào xước thành những vết chi chít trên tay mình. Nước vào, tất cả vết xước lộ ra, bỏng rát. Những lúc như thế, tôi xót xa mình lắm nhưng nhất quyết không xin tiền mẹ. Tôi vẫn giận mẹ, vì có lần gọi về nhà, tôi khóc với mẹ là đã hết tiền, mẹ bảo mẹ đã nói từ đầu và tôi tự quyết định nên phải tự chịu".

nhà văn Phan Ý Yên
Sau một lần bị mẹ "phũ", chị không hỏi tiền mẹ nữa, và mẹ cũng không chu cấp thêm tiền.

Sau 4 năm học luật, Phan Ý Yên tiếp tục học thêm một bằng marketing nữa, cũng bằng cách tự đi làm, tự xoay sở học phí và sinh hoạt phí của mình. Sau 8 năm trên đất Pháp, chị phát hiện ra mẹ vẫn âm thầm dõi theo từng bước đi của mình, đã dự phòng phương án khi chị "đuối" thì sẽ ra tay, nhưng chưa bao giờ có trường hợp đó xảy ra. Và cô nàng "công chúa" hiểu, mẹ đã phải nén xót xa để thấy mình trưởng thành.

"Thời gian dài ở Pháp khiến tôi quen và rất thích ở một mình. Tôi thậm chí còn không hiểu nổi mọi người sao thích tụ tập, gặp gỡ đến thế. Cá nhân tôi không ở một mình là không chịu nổi. Tôi nghĩ, ai cũng cần có thời gian ở một mình, đặc biệt là phụ nữ. Phụ nữ phải chịu được cảm giác ở một mình, phải tách khỏi ý nghĩ cần có ai đó để bấu víu, phải có ai đó để dựa vào, tự làm những việc nho nhỏ để nuôi dưỡng cảm xúc của mình thì mới mạnh mẽ được. Khi ở một mình, người ta làm được rất nhiều việc, học hỏi được nhiều thứ. 

Tôi nghĩ, ngay cả khi đã có chồng, sinh con, phụ nữ vẫn nên cho mình những khoảnh khắc một mình như thế. Tôi đang độc thân, nên khi một mình, đó là khi tôi để những thứ thú vị tôi đọc được thấm vào mình, như một cách tích lũy ý tưởng. Còn khi có chồng, tôi sẽ lựa chọn người hợp với lối sống, quan điểm; cả khi có con, tôi nghĩ mình vẫn cần có thời gian để làm việc này, việc nọ chứ không phải lúc nào cũng kè kè với con" - chị chia sẻ.

nhà văn Phan Ý Yên
Phụ nữ phải tự tách mình khỏi ý nghĩ cần có ai đó để bấu víu, phải có ai đó để dựa vào.

Ai cũng chỉ có 24 giờ như nhau, "có thời gian" hay không là do mình

Nhà văn Phan Ý Yên
cho rằng, điều đáng sợ nhất trong cuộc sống của nhiều phụ nữ là họ không vui với cuộc sống của mình, thấy nó quẩn quanh, nhàm chán, nó lặp lại như vòng xoáy mà không thoát ra được. Không cho rằng điều đó là "bản chất" của cuộc sống, chị nghĩ rằng, đó là sự lựa chọn và tự thỏa hiệp của phụ nữ với cuộc sống. Hoặc là, họ phải chịu, phải chấp nhận cuộc sống quẩn quanh đó, vì đó là lựa chọn của họ, hoặc họ phải nghĩ ra cách và dám hành động để thay đổi, chứ ngồi than vãn thì chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. 

"Tất cả do bản thân mình thôi. Phải thử xông ra đi tìm mới thấy có cơ hội khác, phải chấp nhận có thể sẽ có thiệt thòi, và sự thay đổi có thể sai lầm, nhưng ít ra, trong một khoảnh khắc, họ sẽ thoát được sự bức bối khi cứ phải gắn bó với thứ mình không thích. May mắn và cơ hội không thuần túy từ trên trời rơi xuống. Nếu ai đó cho rằng, họ không tìm thấy cơ hội để thay đổi, tôi nghĩ, có lẽ họ tìm chưa đủ. Nếu tự bản thân mình không cho mình cơ hội thì không bao giờ có cơ hội.

Mọi người sợ chữ ích kỷ, những tôi cho rằng, phụ nữ nên có quyền ích kỷ, có quyền nghĩ cho mình và yêu thương mình. Phụ nữ cũng hay thích những thứ nho nhỏ, và có những cách nho nhỏ để cuộc sống lấp lánh hơn một chút, ví dụ trồng một cái cây và chăm cho nó ra hoa, làm trang sức cho mình... Cái khó nhất là rơi vào tình trạng lười và mệt, và không ai khác, chính họ phải tự vượt qua thôi
".

nhà văn Phan Ý Yên
"Phụ nữ nên cho mình quyền ích kỷ".

Chị cũng cho rằng, việc nhiều phụ nữ bảo họ "không có thời gian" nên không thể làm đẹp, không thể làm cái này cái kia mình yêu thích, đó chỉ là cái cớ. "Chẳng ai có thời gian hết. Ai cũng có 24 giờ giống y như nhau. Mọi người có thể lấy cớ có chồng, có con. Tôi không có chồng con nhưng có những công việc bận rộn. Tôi làm báo - một công việc tốn rất nhiều giờ, cùng một lúc, tôi viết sách và ra được 4 cuốn sách trong năm nay, số lựợng copywrite mà tôi làm có thể in được 5 cuốn sách nữa, chưa kể rất nhiều dự án truyền thông, làm cửa hàng thời trang tự thiết kế nữa, không lẽ tôi có 36 giờ? 

Có con chỉ là một cái cớ, vì ai cũng có công việc ngốn nhiều thời gian tương đương. Người ta chọn có con và đó được coi là một công việc, còn tôi thì không chọn việc có con, nên có vẻ tôi làm được nhiều hơn. Tôi nghĩ, điều khác biệt nhất là do cách sắp xếp và tâm lý không cho phép mình buông xuôi. Ví dụ, thay vì nằm vật ra khi quá mệt mỏi, ta ngồi dậy lấy một miếng đường men quẹt lên mặt rồi nằm tiếp. Động tác ngồi dậy để lấy miếng đường men chắc mất khoảng 5 phút thôi, nhưng động lực bật dậy và tiêu tốn 5 phút đó sẽ tạo khác biệt lớn".

nhà văn Phan Ý Yên
Phan Ý Yên say mê cái đẹp và cho rằng, dù bận rộn cỡ nào, phụ nữ cũng nên chăm chút cho vẻ ngoài.

Điều quan trọng nhất, Phan Ý Yên nhấn mạnh, dù có bị ám ảnh "không đủ thời gian" đến đâu, phụ nữ cũng cần biết chăm chút cho vẻ ngoài. Chị bảo: "Mình là người bị bệnh nghiện đẹp từ nhỏ. Một phần chắc do thừa hưởng gen của má ở nhà. Má mình á, tới hồi nhiều chục tuổi, đi vô bệnh viện khám bệnh mà cũng vẫn chỉn chu áo váy túi son. Bạn bè thắc mắc thì má mình kêu "ủa chớ lỡ có ốm bệnh đi đời cũng phải coi cho được mắt chớ sao phải đi đời mà xấu?"

Đó, vậy đó, nên mình có phần còn mê đẹp hơn cả má mình. Nhiều khi, mình chỉ nghĩ đơn giản vầy nè: một ngày có 24 giờ, buồn cũng hết ngày, mà vui cũng hết ngày. Xấu cũng hết ngày, mà đẹp thì cũng hết ngày. Nhưng mà nếu chọn vui với chọn đẹp thì cái ngày đó biết đâu chừng sẽ dẫn tới rất nhiều những ngày hên và không có gì hối tiếc sau đó. Mình có quen rất nhiều chị bạn. Một số thì lúc nào cũng ngời ngời rạng rỡ nên mình thích lại gần họ ghê lắm. Bởi vì cứ ở gần thì cảm thấy ngập tràn sức sống theo. 

Còn một số chị khác, lúc nào cũng có đủ các lí do để biện minh cho cơ thể cùng thần sắc xuống cấp của mình, rồi đủ các loại vấn đề chồng trai đi theo nên thương thì cũng thương mà rất mệt, không được thêm gì tích cực. Vậy nên, mình lại càng quyết không thể trở thành một "cục đầy muộn phiền và bê bết" với bất kì ai. Nên mình luôn cố dành thời gian tự chăm sóc bằng cách này hay cách nọ. Chung quy lại, người ta nói phụ nữ xấu thì không có quà cũng chẳng phải là vô lý. Mình sửa chút mà mình nghĩ là hợp lý hơn "Phụ nữ bỏ bê bản thân thì không có quà!" Câu này bao đúng”.