Từ lâu, đốt pháo trong dịp Tết Nguyên Đán là một hoạt động không thể thiếu, nhất là ở Trung Quốc. Nguyên nhân xuất phát từ niềm tin của người xưa, họ cho rằng rằng đốt pháo có thể trừ tà, phòng ngừa ôn dịch, phù hộ người nhà bình an may mắn. Ngoài ngày Tết, ngời Trung Quốc cũng đốt pháo trong các dịp trọng đại như lễ thành hôn, khai trường, khánh thành một tòa nhà hay khai trương nhà hàng...
Dân gian Trung Quốc truyền tai nhau một truyền thuyết thế này: Mỗi năm vào đêm giao thừa âm lịch thường xuất hiện một con dã thú tên là "Niên". Để dọa con thú này, người dân đã đốt tre trước cửa. Sự giãn nở do nhiệt và khoang tre vỡ ra tạo nên tiếng động lớn xua đuổi con thú kia
Gần 1400 năm trước, vào thời Đường, pháo xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam. Từ đó trở đi, nơi này trở thành thủ phủ của pháo, có hàng trăm nơi sản xuất pháo tại đây, cung cấp 2/3 pháo cho cả nước Trung Quốc. Theo chính quyền thành phố Lưu Dương, cuối năm 2015 có 946 doanh nghiệp sản xuất pháo tại đây và hiện chỉ còn khoảng trên dưới 500.
Vào thời kỳ phát triển nhất, có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất pháo đạt doanh thu hàng trăm triệu nhân dân tệ và tổng cộng có hơn 300 nghìn người đang lao động trong ngành này.
Ngoài thành phố Lưu Dương (tỉnh Hồ Nam), thành phố Phật Sơn, thành phố Đông Nghiêu (tỉnh Quảng Đông), thành phố Nghi Xuân, thành phố Bình Hương (tỉnh Giang Tây) và thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) là những "thị trấn pháo hoa" ở Trung Quốc.
Trung Quốc là đất nước xuất khẩu pháo và pháo hoa lớn nhất thế giới, đáp ứng gần 90% nhu cầu của thế giới. Một số doanh nghiệp tại Lưu Dương đã tìm cách "lách luật", né tránh tác động của lệnh cấm pháo bằng cách bán ra nước ngoài. Trong 11 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu pháo và pháo hoa của Trung Quốc đã lên đến con số 681 triệu USD
Mặc dù công nghệ đã phát triển nhưng phần lớn sản xuất pháo đều là thủ công. Người lao động chủ yếu là phụ nữ và họ phải đối mặt với nguy hiểm hàng ngày vì không được trang bị các trang thiết bị bảo hộ.
Mặc dù nghề làm pháo không mang lại thu nhập quá lớn nhưng nó vẫn tạo ra cơ hội việc làm cho rất nhiều người vùng thôn quê, giúp giảm tỷ lệ tội phạm. Tuy nhiên, những năm gần đây, người trẻ đã chọn đến các thành phố lớn để tìm công việc có mức thu nhập tốt hơn. Điều này buộc các nhà sản xuất pháo phải đầu tư vào công nghệ khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Mỗi máy có thể đảm nhận khối lượng việc của 6, 7 người công nhân. Thậm chí, nhiều nơi còn cải tiến máy móc để có thể hoạt động nhanh hơn, dẫn đến mức độ nguy hiểm cao hơn so với sản xuất pháo thủ công.
Thành phố đầu tiên cấm pháo là Thiên Tân và bắt đầu cấm từ ngày 3/2/1970. Lệnh cấm pháo quy mô lớn đợt 2 là vào năm 1993, và áp dụng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và hơn 280 thành phố lớn khác. Lệnh cấm pháo hoa đã tác động xấu đến nghề làm pháo, hoạt động kinh doanh ngành pháo hoa tụt giảm, gần 60% doanh nghiệp đóng cửa.
Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng thiếu tiếng pháo sẽ không còn ra được "hương vị" của mùa xuân vì đó là di sản văn hóa và phong tục truyền thống của đất nước này. Nếu không bảo vệ văn hóa dân gian thì nó sẽ mất đi và không thể phục hồi. Với quan điểm này, chính quyền Thiên Tân, nơi đầu tiên cấm pháo đã "bỏ" lệnh cấm pháo từ năm 1990. Năm 2005, theo ý kiến của công chúng, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi lệnh "cấm" thành "hạn chế", nghĩa là pháo chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định ở khu vực được quy định. Sau nhiều năm, hoạt động "đốt pháo" đã trở thành hợp pháp.
Nguồn: The Paper, Baidu, NPR