Theo đó, cặp vợ chồng (ẩn danh) ở Pháp đang kiện người buôn đồ cổ về tội lừa đảo khi người này mua đồ cổ trị giá 4,4 triệu USD của họ với giá rẻ. Đồ cổ này là một chiếc mặt nạ cũ kỹ.
Theo tờ Le Monde, cặp vợ chồng này yêu cầu tòa phúc thẩm ở Nimes xem xét giúp họ được bồi thường.
Người chồng chia sẻ, ông sở hữu chiếc mặt nạ châu Phi do ông nội, thống đốc thuộc địa ở châu Phi, mang tới Pháp từ nhiều năm trước. Đến năm 2021, khi tiến hành dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị bán đồ không dùng tới trong gara, cặp vợ chồng lớn tuổi mới phát hiện ra chiếc mặt nạ. Họ đã bán nó cho một người buôn đồ cổ ở địa phương sau khi hai bên thỏa thuận, với giá 157 USD (khoảng hơn 3,8 triệu đồng) vào tháng 9/2021.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, cặp đôi này đọc được thông tin trên báo rằng chiếc mặt nạ được bán với giá 4,4 triệu USD (hơn 107 tỷ đồng) ở một phiên đấu tại Montpellier. Điều này có nghĩa là họ đã bán chiếc mặt nạ bị hớ tới hơn 28.000 lần.
Đồ vật được tìm thấy trong gara có giá hàng triệu USD
Theo các chuyên gia, đồ cổ có giá trị hàng triệu USD trên chính là mặt nạ Ngil, tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ thời nguyên thủy. Mặt nạ này thuộc văn hóa bộ tộc Fang của Gabon, một quốc gia của châu Phi, được sử dụng trong đám cưới, đám tang và các nghi lễ khác.
Mặt nạ Ngil được làm từ gỗ kết hợp với cao lanh. Trên thực tế, có chưa tới 10 chiếc mặt nạ Ngil được trưng bày trong những viện bảo tàng trên toàn thế giới.
Sau khi nhận được đơn kiện của cặp vợ chồng là chủ nhân của chiếc mặt nạ cổ, ngày 28/6, tòa phúc thẩm đã ra lệnh về việc đóng băng số tiền bán đấu giá cho đến khi sự việc được điều tra, làm sáng tỏ. Theo lập luận của tòa, người buôn đồ cổ có thể đã không trung thực trong quá trình xem xét về giá trị thực của cổ vật.
Mặt khác, sau khi mua mặt nạ từ cặp vợ chồng, thay vì trưng bày cổ vật trong cửa hàng của mình, người buôn đồ cổ lại lập tức liên hệ với ba nhà đấu giá ở Pháp để ước tính về giá trị. Trong đó, người cuối cùng mà anh này liên hệ là một chuyên gia về đồ tạo tác châu Phi. Vị chuyên gia này đã phân tích chiếc mặt nạ bằng phương pháp đo phổ khối, đồng thời xác định niên đại của chiếc mặt nạ này bằng carbon-14. Kết quả chỉ ra rằng chiếc mặt nạ được làm từ thế kỷ 19.
Ngoài ra, một chuyên gia dân tộc học và một người thuộc bộ tộc Fang cũng đã tiến hành xem xét kỹ lưỡng chiếc mặt nạ. Nhà đấu giá đã rao bán chiếc mặt nạ này với giá ước tính từ 300.000 – 400.000 euro. Cuối cùng, nó được rao bán trong phiên đấu giá vào tháng 3/2022.
Đối mặt với những thủ tục pháp lý có thể xảy ra, người buôn bán đồ cổ ban đầu đề nghị bồi thường cho cặp vợ chồng trên khoảng 315.000 USD. Tuy nhiên, con gái của cặp vợ chồng này đã phản đối.
Vụ việc vẫn đang được tòa phúc thẩm ở Nimes xem xét.
Nguồn: Artnews, Informacja-lokalna