Các chuyên gia y tế cảnh báo việc cho sử dụng lại vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib vẫn có thể phát sinh các phản ứng nặng sau tiêm. Do đó, công tác an toàn tiêm chủng cần được tăng cường.

Hai triệu trẻ chờ tiêm Quinvaxem

Quinvaxem được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6-2010 do Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Vào tháng 5-2013, Bộ Y tế đã tạm dừng sử dụng vắc-xin này do chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 11-2012 đến 4-2013), đã có 9 trẻ tử vong sau tiêm. Hầu hết các ca tử vong đều có tiền sử khỏe mạnh, tử vong đột ngột sau tiêm tại nhà và không có hồ sơ y khoa về diễn biến bệnh cảnh trước đó.

Phập phồng tiêm vắc-xin Quinvaxem! 1
Vắc-xin Quinvaxem sẽ được tiêm trở lại từ tháng 10-2013

Ngày 24-9, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết 1,5 triệu liều vắc-xin Quinvaxem sẽ được cấp phục vụ cho việc triển khai tiêm chủng trở lại. Hiện có gần 1,4 triệu liều hoàn tất kiểm định trước lưu hành. Số vắc-xin này vẫn do GAVI viện trợ.

“Quyết định đưa Quinvaxem vào tiêm chủng trở lại được Bộ Y tế cân nhắc, đánh giá rất kỹ lưỡng sau khi có những kết quả điều tra cẩn thận về chất lượng vắc-xin. Các tổ chức trong và ngoài nước đều khẳng định vắc-xin này an toàn” - ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình ước tính có khoảng 2 triệu trường hợp “tồn đọng” sau 5 tháng tạm ngưng vắc-xin. Do đó, các điểm tiêm chủng có thể quá tải nên cần dự trù chính xác lượng vắc-xin để đảm bảo an toàn và đầy đủ cho trẻ .

Theo ông Bình, ngành y tế rất lo ngại số lượng Quinvaxem sắp triển khai có thể kéo theo nhiều phản ứng nặng sau tiêm. Vì thế, công tác sàng lọc, phát hiện các trường hợp bệnh càng được chú trọng. Các địa phương sẽ tăng cường bác sĩ tuyến tỉnh và huyện về hỗ trợ trong những ngày tiêm chủng tại xã, phường.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định quy trình và kỹ thuật tiêm chủng không có gì mới. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ thời gian khám sàng lọc, tư vấn về an toàn tiêm chủng, chăm sóc trẻ sau tiêm cho các gia đình, Bộ Y tế quy định mỗi điểm tiêm không được nhận quá 50 trẻ/ngày. Nếu như trước đây, các xã, phường chỉ tổ chức tiêm chủng 1 ngày/tháng thì sắp tới, tùy vào số lượng trẻ mà các điểm sẽ tăng thời gian tiêm.

“Tôi đã trực tiếp đi kiểm tra và thấy một điểm tiêm đến 200 trẻ/buổi. Với tình trạng đông đúc, ồn ào, trẻ khóc, cha mẹ lo dỗ con thì không thể nghe được hết các hướng dẫn” - ông Bình lo ngại.

Không có vắc-xin an toàn tuyệt đối

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho rằng không loại trừ khả năng xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng. Ngay cả khi sàng lọc tốt, vẫn có những bệnh lý như bệnh tim bẩm sinh, rất khó phát hiện.

Phập phồng tiêm vắc-xin Quinvaxem! 2
Vắc-xin Quinvaxem sẽ được tiêm trở lại từ tháng 10-2013. Ảnh: Ngọc Dung


Ông Hiển dẫn chứng Sri Lanka đã từng dừng sử dụng Quivaxem trong 2 năm khi ghi nhận 5 ca tử vong sau tiêm. Trong suốt thời gian đó, cơ quan chuyên môn đã điều tra kỹ lưỡng và đưa ra kết luận vắc-xin không liên quan đến các ca tai biến này nên đã cho sử dụng lại. Sau đó, các phản ứng không giảm mà tăng lên nhưng tiếp tục điều tra kỹ các trường hợp này thì cho thấy phần lớn trẻ gặp tai biến nặng là trẻ mắc bệnh tim, cơ địa yếu, nhẹ cân…

“Không vắc-xin nào an toàn 100%. Tiêm vắc-xin tức là đưa vào cơ thể một kháng nguyên lạ, cơ thể sản xuất kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, vì hiệu quả trong phòng bệnh vượt trội hơn nguy cơ tai biến nên Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến cáo đưa Quinvaxem vào sử dụng” - GS Hiển nhấn mạnh.

Theo GS Hiển, trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước ghi nhận 22 trẻ gặp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin (phần lớn là vắc-xin viêm gan B và Quinvaxem). 13 trẻ trong số này đã tử vong. Tuy nhiên, GS Hiển nhận định cho đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp tai biến nào do chất lượng vắc-xin. Đáng chú ý, 40% ca tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Việc trậm trễ hoặc không xác định chính xác nguyên nhân tử vong sau tiêm vắc-xin đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội. Ngay cả nhân viên y tế cũng lo ngại về chất lượng vắc-xin.

“Khó nhất hiện nay là năng lực của các hội đồng giám sát tai biến sau tiêm chủng. Nhiều trường hợp hội đồng họp xong mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân, tìm ra bằng chứng gây sự cố” - ông Hiển băn khoăn.



Đau đầu ở trẻ em: Cha mẹ chớ chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm như u não, tăng áp lực sọ não, dị dạng mạch máu, thần kinh...
Phập phồng tiêm vắc-xin Quinvaxem! 3