lợn
Nhân viên Thú y kiểm tra sản phẩm thịt lợn tại một hộ kinh doanh ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, Phú Yên. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Mặc dù, các cơ quan chức năng đã vào cuộc với quy mô lớn, tăng cường kiểm tra giám sát, cũng như ban hành các chế tài xử lý mạnh mẽ nhưng dường như vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa thể loại trừ.

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của chúng ta hiện đang được thực hiện ra sao?

Ông Hoàng Thanh Vân: Là cơ quan tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chúng tôi đã đề xuất và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đầu tiên là rà soát lại các thể chế, chính sách và đặc biệt về mặt quản lý chất cấm trong chăn nuôi.

Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành kịp thời thông tư đáp ứng tình hình mới, đồng thời rà soát chế độ xử phạt hành chính theo Nghị định 119/NĐ-CP quy định việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với các mức phạt khác nhau để nghiên cứu đề xuất với các mức phạt phù hợp với tình hình hiện nay, có tính chất răn đe đối với người sử dụng chất cấm thì phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Ngoài ra, Cục cũng đã phối hợp với một số đơn vị khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất với Chính phủ và Quốc hội rà soát lại luật hình sự, đưa hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào Luật và đảm bảo nâng mức hình phạt áp dụng với những đối tượng có các hành vi đó.

Hiện, cả ba việc đó đã được chúng tôi thực hiện xong trong tháng Ba vừa rồi và đặc biệt là từ 1/7 năm nay thì một số điều trong Bộ Luật hình sự sửa đổi sẽ được thực thi theo hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất.

Trang trại nuôi lợn hợp đồng nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Thời điểm trước khi triển khai đợt cao điểm chống sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thì tỷ lệ đàn gia súc, đặc biệt là con lợn có chứa chất cấm trong cơ thể là tương đối cao, có những nơi số lợn nhiễm chất cấm lên tới 30% trong tổng số mẫu lấy.

Đây là một thực trạng hết sức nguy hiểm trong quá trình phát triển chăn nuôi. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quán triệt việc ngăn cấm và hạn chế sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2015 đến nay.

- Hầu hết tại các địa phương, các cơ sở chăn nuôi thường được thực hiện theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ dẫn tới công tác quản lý, kiểm soát rất khó khăn. Liệu có hiện tượng bỏ sót, không kiểm tra hết đối với nguồn hàng thực phẩm từ các hộ nhỏ lẻ này không, thưa ông?

Ông Hoàng Thanh Vân: Thông qua quá trình triển khai chương trình chống sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chúng tôi chia làm bốn nhóm đối tượng.

Nhóm đối tượng thứ nhất là những công ty và cơ quan lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, nhóm thứ hai là các công ty chăn nuôi lớn theo chuỗi, thứ ba là các trang trại có quy mô từ khoảng độ 100 con đến 200 con đến hàng chục ngàn con và nhóm thứ tư là chăn nuôi nông hộ.

Trong bốn nhóm này, nhóm các hộ chăn nuôi nông hộ đang là vấn đề đáng quan tâm nhất vì cả nước hiện có hơn 8 triệu hộ chăn nuôi; trong đó khoảng 4,5 triệu đến 5 triệu hộ chăn nuôi nằm rải rác kể cả ở vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, cũng rất là đáng mừng là trong đợt cao điểm triển khai kiểm tra vừa qua, nhóm chăn nuôi nông hộ thì lại rất ít nguy cơ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiến hành những giải pháp rất cụ thể về thông tin truyền thông, tập huấn… Vừa qua, chúng tôi cũng đã triển khai chương trình ký cam kết không sử dụng chất cấm trong các hộ chăn nuôi ở nông hộ, đây là giải pháp rất có ý nghĩa.

- Với việc Bộ Luật Hình sự được sửa đổi và từ 1/7 tới có hiệu lực thì hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Thanh Vân: Trước đây, theo Nghị định 119/NĐ-CP, việc phạt tiền đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ ở mức 15-20 triệu/hộ, nhưng sắp tới đây thì ngoài việc phạt tiền như vậy còn có hình thức xử phạt bổ sung và hình thức này có thể lên tới 100-200 triệu thậm chí nếu còn có tình tiết tăng nặng, tái phạm nhiều lần thì có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng.

chất cấm
Kiểm tra chất vàng ô trong măng tại chợ Đông Hà, Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Từ 1/7 tới đây khi Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực, liên quan tới những hành vi kể trên thì người sử dụng những chất này có thể sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 3 năm, nếu có tình tiết tăng nặng thì từ 3-7 năm. Mức phạt tù có thể lên tới 20 năm thậm chí có thể cao hơn.

Chúng tôi cho rằng đây là hình thức cực kỳ nặng và có tính răn đe cao. Tới đây, nếu tiếp tục phát hiện có hành vi đó và xử lý đúng theo pháp luật quy định thì tôi tin chắc là việc sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi sẽ tiến tới chấm dứt hoàn toàn.

- Theo báo cáo từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hiện có hơn 6 tấn Sabultamol (hay còn được gọi là chất tạo nạc) nhập lậu, nhập không chính ngạch… lưu hành trên thị trường không có khả năng thu hồi. Vấn đề này sẽ phải xử lý như thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Thanh Vân: Trước hết, việc quản lý Salbutamol trong lĩnh vực dược y tế là thuộc về ngành y tế, được dùng để sản xuất ra các loại thuốc dành cho con người, còn việc có bao nhiêu tấn hiện lưu hành ra thị trường mà không được kiểm soát thì đã có các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát và làm rõ.

Về phía ngành chăn nuôi của chúng tôi, công tác kiểm tra, kiểm soát Salbutamol đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện nay, nguồn Salbutamol có ở Việt Nam đang được các cơ quan chức năng kiểm tra rất chặt chẽ và chúng tôi cũng rất hoan nghênh Bộ Y tế đã đưa chất nào vào danh sách kiểm soát đặc biệt và kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Sau khi chất này được đưa vào danh sách chất cấm thì hoạt chất của nó dưới bất cứ hình thức gì, dạng nước, bột hay viên dù bất cứ dạng gì khi dùng trong chăn nuôi cũng bị coi là vi phạm pháp luật.

- Hiện nay cũng đã có nhiều mô hình sản xuất thực phẩm sạch và an toàn. Theo ông, đâu là những giải pháp để hỗ trợ mô hình sản xuất thực phẩm sạch an toàn phát triển?

Ông Hoàng Thanh Vân: Cho tới thời điểm hiện nay chúng ta có rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn, thậm chí là các mô hình chăn nuôi hữu cơ. Việc người dân không tiếp cận được với các sản phẩm này đúng là có lỗi của các cơ quan quản lý.

Trong thời gian tới ngành chăn nuôi chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa tuyên truyền rộng rãi và đưa lên mạng thông tin điện tử những quy trình mới, những mô hình VietGap mới theo hướng tiếp cận ASEAN. Đây là mô hình chăn nuôi đảm bảo toàn bộ quy trình kiểm soát sẽ được thực hiện từ đầu vào cho đến đầu ra.

- Xin cám ơn ông./.