Theo một nghiên cứu mới, tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ và đồ uống có đường có thể là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng bệnh ung thư đại trực tràng ở người trẻ Mỹ, tờ Daily Mail đưa tin.
Theo các dự báo gần đây, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng ở những người dưới 40 tuổi dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Và căn bệnh này được dự đoán là nguyên nhân số 1 gây tử vong do ung thư ở người trẻ vào cuối thập kỷ này.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Cleveland Clinic, Mỹ. Những kết luận của nghiên cứu vừa được trình bày vào đầu tháng 6 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ ở Chicago, Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 170 bệnh nhân ung thư đại trực tràng, trong đó 66 người là bệnh nhân khởi phát bệnh khi còn trẻ (dưới 50 tuổi).
Các nhà nghiên cứu phân loại bệnh nhân thành hai nhóm dựa trên độ tuổi: những người dưới 50 tuổi và những người trên 60 tuổi.
Thông qua các phân tích liên kết, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số chất chuyển hóa có mức độ khác nhau giữa hai nhóm, bao gồm citrate và cholesterol.
Họ đã quan sát thấy những khác biệt đáng kể trong quá trình trao đổi chất liên quan đến chuyển hóa carbohydrate và protein ở bệnh ung thư đại trực tràng khởi phát sớm so với ung thư đại trực tràng khởi phát ở độ tuổi trung bình.
Tóm lại, nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố như tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường hoặc thịt đỏ, béo phì (những thứ góp phần làm dư thừa năng lượng) có thể là những yếu tố nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng ở nhóm tuổi trẻ hơn.
Tiến sĩ Suneel Kamath, bác sĩ chuyên khoa ung thư đường tiêu hóa tại Cleveland Clinic và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Cách chúng ta sử dụng carbohydrate để tạo ra năng lượng; cách chúng ta sử dụng protein và axit amin từ chế độ ăn uống và các phơi nhiễm khác, chúng thực sự có mối quan hệ rất chặt chẽ với tỷ lệ mắc bệnh ung thư".
"Đó là điều chưa từng được mô tả trước đây về bệnh ung thư đại trực tràng".
Tiến sĩ Kamath lưu ý rằng "những phát hiện này hơi sơ bộ và cần được nghiên cứu thêm, cho thấy giảm tỷ lệ béo phì, giảm tiêu thụ thịt đỏ và đường trong chế độ ăn uống có thể giúp ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng."
Tiến sĩ Kamath giải thích: "Điều quan trọng cần lưu ý là điều này không có nghĩa là 'đường nuôi ung thư' ở những người đã bị ung thư, nhưng việc giảm tiêu thụ đường ở những người khỏe mạnh không bị ung thư có thể giúp ngăn ngừa ung thư xảy ra ngay từ đầu".
Tiến sĩ Tejasav Sehrawat, bác sĩ nội trú tại Đại học Yale, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, chỉ ra rằng "hầu hết các hướng dẫn về chế độ ăn uống đều khuyến nghị hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đặc biệt nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư. Hơn nữa, rượu là chất gây ung thư đường tiêu hóa chính và cũng cần phải tránh uống càng nhiều càng tốt".
Tiến sĩ Sehrawat giải thích: "Một số nghiên cứu cho thấy có một mối tương quan giữa bệnh béo phì với việc gia tăng tỷ lệ ung thư đại trực tràng, vì vậy một chế độ ăn uống cân bằng nói chung là một ý tưởng tốt".
Ung thư đại trực tràng trẻ hóa
Nghiên cứu này được công bố vào thời điểm các trường hợp ung thư đại trực tràng đang gia tăng ở những người trẻ tuổi.
Ung thư đại trực tràng hiện là loại ung thư phổ biến thứ ba ở Mỹ và là nguyên nhân gây tử vong thứ ba ở cả nam và nữ.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính khoảng 153.000 ca ung thư đại trực tràng sẽ được phát hiện trong năm nay ở Mỹ, trong đó có 19.500 ca ở những người dưới 50 tuổi. Dự kiến có 52.550 ca tử vong.
Trong một báo cáo tháng 3, các nhà khoa học cảnh báo rằng tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở những người từ 50 đến 54 tuổi trên toàn nước Mỹ là gần 60/100.000.
Để so sánh, từ năm 1975 đến năm 1979, tỷ lệ này là khoảng 40/100.000 – điều này cho thấy mức tăng 50% trong khoảng 45 năm.
Khoảng 43% ca bệnh là ở những người từ 45 đến 49 tuổi.
Một nghiên cứu khác gần đây cũng đã liên kết những thực phẩm nhiều đường với việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Cụ thể, nghiên cứu năm 2021 cho thấy tiêu thụ thực phẩm và đồ uống nhiều đường quá mức sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh ung thư này.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét thói quen ăn uống của hơn 95.000 y tá tham gia Nghiên cứu Sức khỏe Y tá mở rộng II từ năm 1991 đến 2015.
Họ cũng xem xét chế độ ăn của khoảng 41.000 phụ nữ khi họ còn là thanh thiếu niên.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ trưởng thành uống hai loại đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gấp đôi so với những phụ nữ uống ít hơn một đồ uống có đường mỗi tuần.
Và đối với mỗi đồ uống có đường tiêu thụ mỗi ngày khi còn là thiếu niên, người phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng khởi phát sớm cao hơn 32% khi trưởng thành.
(Nguồn: Daily Mail)