Công bố hai bệnh nhân nữ nhiễm virus Zika đầu tiên ở Việt Nam

Theo đó, tại Việt Nam, cuối tháng 3/2016, Bộ Y tế đã nâng mức báo động tình trạng lây nhiễm virus Zika lên cấp 2. Đến ngày 4/4, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm virus Zika tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó đã phát hiện 02 trường hợp dương tính với virus Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP. HCM.

Bộ Y tế chính thức thông báo 2 trường hợp nhiễm virus Zika
Bộ Y tế thông tin về 2 trường hợp nhiễm virus Zika trong nước.

Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, khởi phát ngày 26/03/2016 với các triệu chứng: sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ.

Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ. Đến ngày 28/3/21016, bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 31/3/2016 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với virus Zika. Xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. HCM ngày 4/4/2016 đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika.

Trường hợp thứ 2, bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM, khởi phát ngày 29/3/2016 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 cùng ngày do lo ngại bệnh rubella. Khi nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 01/4/2016 tại Viện Pasteur TP.HCM bệnh nhân này dương tính với virus Zika. Sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 02/4/2016 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4/4/2016 cũng cho kết quả dương tính với virus Zika.

Kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika.

Như vậy, đây là hai trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ghi nhận tại nước ta. Hiện tại, sức khỏe của hai bệnh nhân đều ổn.

Bộ Y tế chính thức thông báo 2 trường hợp nhiễm virus Zika

Bộ Y tế chính thức thông báo 2 trường hợp nhiễm virus Zika
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đang phát biểu.

Trước tình hình dịch bệnh do Virus Zika đã ghi nhận tại nước ta, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tại tỉnh Khánh Hòa và TP. HCM chỉ đạo các địa phương nâng mức cảnh báo, đáp ứng dịch lên mức 2 đối với tình huống đã có trường hợp mắc bệnh. Các Viện Pasteur Nha Trang và TP. HCM đã phối hợp với các địa phương điều tra mở rộng tại khu vực ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika do hiện nay có sự giao lưu đi lại giữa các quốc gia cũng như các địa phương trong cả nước. Đồng thời, Việt Nam có lưu hành muỗi vằn là véc tơ truyền bệnh và chưa có miễn dịch trong cộng đồng.

Bệnh nhân nữ ở TP.HCM có thai 8 tuần

Ông Trần Đắc Phu thông báo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sáng nay đã đi TP.HCM, triển khai các biện pháp chống dịch tại TP.HCM. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trưa nay 5/4 sẽ đi Khánh Hòa để kiểm tra ổ dịch vì đây là địa phương có lượng khách du lịch lớn.

Thứ trưởng Long cho biết: "Chúng tôi đã mở rộng giám sát, triển khai các hoạt động phòng chống từ trước khi có bệnh nhân tại Việt Nam. 

Qua điều tra, bệnh nhân Khánh Hòa không có tiền sử đi nước ngoài. Bệnh nhân nữ ở TP.HCM đang có thai 8 tuần. Chồng bệnh nhân này đang làm việc tại Malaysia, xung quanh gia đình bệnh nhân có người ốm. 

Giải mã trình tự gen phát hiện virus tương đồng chủng Asean và Trung quốc, gần với chủng Trung quốc hơn".

Đại diện WHO, tổ chức y tế thế giới phát biểu tại buổi họp phát biểu: "WHO đánh giá Zika lây lan nhanh từ 2015. Tính từ 2007 có 61 quốc gia công bố có dịch do virus Zika".

Phương án triển khai phòng chống, đối phó dịch

Do đặc điểm của bệnh thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm vi rút Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ đang mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika. Để chủ động phòng chống dịch do vi rút Zika nhằm hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung triển khai các hoạt động sau:

1. Nâng mức cảnh báo và triển khai các hoạt động đáp ứng chống dịch theo tình huống 2 của Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương để phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; tổ chức giám sát véc tơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

2. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”, đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch.   

3. Các địa phương thực hiện việc công bố dịch theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm nếu có dịch xảy ra nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. 

4. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi trong cả nước.

4. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc điều trị bệnh nhân. 

5. Bố trí bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Zika, hướng dẫn chế độ, chính sách cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.

"Về quy luật nhiễm trùng với em bé, nhiễm trùng trong 3 tháng đầu có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi. Chính về thế, phụ nữ trong giai đoạn mang thai này nằm trong vùng dịch cần theo dõi sát sao. Các bước cần làm là siêu âm, đo kích thước đo chu vi đầu. Siêu âm 2 tuần/lần và tiến hành khám thai bình thường. Dựa vào biểu đồ phát triển sẽ phát hiện tốc độ phát triển của đầu. Nếu tốc độ có vấn đề cần làm phương pháp chẩn đoán kịp thời", GS. Trần Danh Cường- Phó giám đốc BV Phụ sản TW phát biểu.