Trong mắt những ông bố bà mẹ, con mình luôn là những đứa trẻ ngây thơ, cần che chở. Tuy nhiên, đến một giai đoạn, bạn phải chấp nhận rằng con rồi sẽ lớn, sẽ có những thay đổi cả về sinh lý và tâm lý. Chẳng hạn, con xuất hiện dấu hiệu dậy thì, rồi con có tình cảm với người khác giới. Khi đó, điều con cần không chỉ là sự hướng dẫn, đồng hành mà còn là chia sẻ, thấu hiểu của người lớn. Mỗi một cách ứng xử thiếu tinh tế, thiếu nhạy cảm đều có thể khiến những đứa trẻ bế tắc, rơi vào hoảng loạn, tự ti, có khi ảnh hưởng cả một đời.
Mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM hốt hoảng chia sẻ tình huống của con gái đang học lớp 6. Con đang bước vào giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, có nảy sinh tình cảm yêu mến với bạn trai cùng lớp. Bà mẹ kể, mỗi tối sau khi làm bài tập về nhà xong, chị có cho con chơi điện thoại riêng một lúc. Trong khoảng thời gian này, con có nhắn tin qua lại với một bạn nam, kiểu nói bâng quơ "gà bông" không có nhắn tin gì quá đáng.
Mọi chuyện căng thẳng khi mẹ của nam sinh kia đọc được tin nhắn. Người này vào nhóm chung của lớp, nhắn tìm mẹ nữ sinh nói 1 "tràng": "Là con gái mới lớn đã như vậy, sau lớn nữa rồi đi làm tới gì"… Mẹ em nữ sinh cho biết, chị cũng đã xin lỗi vì tâm sinh lý tuổi dậy thì con chưa kiểm soát được và hứa sẽ dạy lại con. Tuy nhiên, vẫn bị phụ huynh kia mắng không ngừng.
Tưởng thế đã xong, nhưng sau khi nói chuyện và xin lỗi mẹ nam sinh kia, chị vào điện thoại con gái thì phát hiện, phụ huynh nói trên còn vào nhóm học sinh tổ 4 (nơi con chị làm tổ trưởng), chỉ có học sinh, không có phụ huynh và "mạt sát, bôi bác" nữ sinh, kêu gọi các bạn cô lập. Hiện giờ, con gái chị không chịu đến trường do bị bêu xấu.
Trong những đoạn tin nhắn đính kèm, bà mẹ được cho là phụ huynh của em nam sinh kia nhắn: "Cô khuyên các con nên cố gắng học hành để có một tương lai tốt. Khi nào các con trưởng thành mới lập gia đình. Mới lớp 6 mà bạn G.T nói chuyện yêu đương thì nguy hiểm quá. Nên đừng bạn nào học theo bạn này khổ cả đời"; "Cho cô hỏi đạo đức kém thì ai là người bầu bạn làm tổ trưởng vậy?"; "Bạn này mất nết"...
Tuy nhắn tin nặng lời về nữ sinh nhưng bà mẹ của em nam sinh lại không quên yêu cầu các học sinh khác không được bắt nạt con mình.
Câu chuyện của bà mẹ thu hút sự chú ý. Hầu hết đều trách phụ huynh của em học sinh nam kia cư xử quá lỗ mãng, thiếu suy xét.
Người lớn thiếu cẩn trọng, con trẻ ảnh hưởng một đời
Nhiều người cho rằng, ở độ tuổi 12 - 13, chuyện các con có nảy sinh tình cảm khác giới là điều hoàn toàn tự nhiên. Tâm lý của đa phần cha mẹ là không muốn con yêu sớm vì sợ ảnh hưởng đến việc học hoặc sợ con có những hành vi vượt quá lứa tuổi dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vì thế, cha mẹ thường ngăn cấm hoặc dùng các biện pháp mạnh để con chấm dứt tình yêu học trò. Tuy nhiên, cách cư xử thiếu tinh tế của người lớn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Một số phụ huynh khuyên bà mẹ này nên thu thập đủ bằng chứng và làm việc với Ban giám hiệu, thậm chí, trường hợp bên kia không có dấu hiệu dừng lại, có thể lập vi bằng và kiện ra cơ quan có thẩm quyền. Không được để con mình chịu tổn thương, bởi vết thương sẽ hằn lên cả phần đời còn lại.
"Phụ huynh có dấu hiệu bạo lực học đường và lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ dưới tuổi vị thành niên. Trước tiên phụ huynh nên lên gặp nhà trường để yêu cầu làm việc trực tiếp giữa nhà trường - giáo viên chủ nhiệm - phụ huynh học sinh hai bên, nhằm yêu cầu phụ huynh kia đến lớp xin lỗi công khai.
Trường hợp nhà trường và phía kia không đồng tình thì lập vi bằng hết những tin nhắn, làm đơn kiện. Mất thời gian nhưng để con chị yên tâm học hành, tránh ảnh hưởng tâm lý đứa nhỏ về sau", một người nói.
Bên cạnh đó, gia đình cần tâm sự động viên con nhiều hơn. Tâm lý tuổi mới lớn dễ suy nghĩ tiêu cực khi không có định hướng và quan tâm của ba mẹ. Hãy nói với con, có tình cảm với người khác không có gì sai trái, miễn con không làm gì vượt quá giới hạn của mình.
Trên thực tế, ngay từ thời tiểu học, trẻ trai và gái tiếp xúc nhau và bắt đầu cảm nhận được một cảm xúc với bạn khác giới. Kiểu "thích" của trẻ là một điều bình thường của cảm xúc tâm lý. Tuy vậy, các em vẫn rất cần sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ và thầy cô giáo.
Cha mẹ cần chú ý quan tâm nhiều hơn đến các con. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần mạnh dạn trả lời khi các con thắc mắc về những gì con cần được biết về tình yêu nam nữ để có cách ứng xử với bạn khác phái phù hợp lứa tuổi mình.