Nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ rằng con còn quá nhỏ để biết yêu. Nhưng các cha mẹ đừng quên, tuổi dậy thì ở bé gái là trong khoảng từ 10 – 16 tuổi, bé trai là 10 – 18 tuổi. Khi dậy thì, con sẽ khó tránh khỏi những cảm xúc xao xuyến, tình cảm khác giới, thậm chí là ham muốn.

Đây là chuyện bình thường nhưng nhiều cha mẹ khi biết con yêu lại cuống cuồng, có những lời lẽ nặng nề, tiêu cực, thậm chí là đánh đòn. Rất tiếc là trong nhiều trường hợp, phản ứng cực đoan này chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến trẻ chống đối và không muốn chia sẻ bất kỳ điều gì với cha mẹ nữa. 

Biết con trai có người yêu, mẹ Hà Nội ứng xử cực hay khiến con vừa nể vừa sợ - Phụ huynh khác nên tham khảo - Ảnh 1.

Chị Trần Linh chia sẻ cách đối mặt với chuyện con yêu sớm.

Với vấn đề con yêu sớm, chị Trần Linh, 43 tuổi (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đã có cách dạy con cực tinh tế, được nhiều người dành lời khen.

Chị Linh có 2 con trai, con cả học đại học, con út đang học lớp 10. Về chuyện tình cảm của các con, chưa bao giờ chị Linh cấm đoán hay làm ầm ĩ. Chị luôn chọn cách làm bạn đồng hành cùng con, sẵn sàng lắng nghe mọi tâm sự. Thậm chí, chị còn thoải mái đưa con trai cùng bạn gái của con đi uống trà sữa, đi xem phim…

Vì thế, các con của chị tuy lớn nhưng vẫn tình cảm với mẹ. Để duy trì mối quan hệ thân thiết, gắn bó với con, chị Linh đã áp dụng những cách dưới đây.

4 điều áp dụng khi thấy con yêu sớm

1. Bình tĩnh và chấp nhận chuyện tình cảm của con

Nhiều bố mẹ khó giữ được bình tĩnh khi biết con có người yêu. Họ không chấp nhận và nổi đóa với con. Một số dùng đủ lời lẽ trách móc, cấm đoán, ngăn cản chuyện tình cảm của con. Cách làm cực đoan này khiến trẻ sợ hãi và vẫn tiếp tục lén lút yêu đương sau lưng cha mẹ. 

Chị Linh khuyên các phụ huynh nên bình tĩnh và chấp nhận chuyện tình cảm của con một cách nhẹ nhàng. Cha mẹ cần lùi một bước, đừng nên khắt khe quá. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng, tâm lý trẻ ở độ tuổi dậy thì khá nổi loạn. Cha mẹ càng cấm đoán, trẻ càng trở nên chống đối.

Thế nên, khi được giáo viên chủ nhiệm thông báo con trai thứ hai đang trong mối quan hệ tình cảm với một bạn nữ lớp bên cạnh, chị Linh không hề… sốc như nhiều phụ huynh khác. Chị coi đây là chuyện bình thường và trao đổi với giáo viên để tìm cách giúp con không bị chểnh mảng học tập. 

2. Trở thành người bạn đặc biệt của con

Chị Linh chia sẻ, quan điểm giáo dục của chị từ trước đến nay là làm bạn cùng con. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chị sẽ cùng hai con trai tâm sự mọi chuyện diễn ra trong ngày như: "Tâm trạng hôm nay của con thế nào?", "Con có gặp vướng mắc, hay khó khăn gì không?", "Môn học nào khiến con cảm thấy khó hiểu?"… Vì thế, hai con trai của chị rất thoải mái trong việc chia sẻ với mẹ.

Biết con trai có người yêu, mẹ Hà Nội ứng xử cực hay khiến con vừa nể vừa sợ - Phụ huynh khác nên tham khảo - Ảnh 2.

Hai con trai của chị Linh.

Không chỉ thường xuyên tâm sự cùng con, chị Linh còn có hành động thể hiện sự tâm lý, tinh tế. Chị Linh cho biết: "Tôi bảo con trai mời bạn gái về nhà chơi để mẹ gặp mặt, trò chuyện. Tôi luôn giữ thái độ thoải mái, không hề cấm cản, miễn các con phải gìn giữ sự trong sáng và không để việc học bị ảnh hưởng.

Thi thoảng, tôi còn dẫn con trai và bạn gái của con đi ăn uống, xem phim, chụp ảnh… Các con rất hào hứng, hạnh phúc, có chuyện gì cũng tỉ tê với mẹ. Thậm chí, bạn gái của con còn chủ động nhắn tin cho tôi để chia sẻ những chuyện khó nói hay đơn giản là những khi hai đứa giận hờn. Nhờ phương pháp làm bạn với con nên tôi biết được mọi chuyện con gặp phải, từ đó đưa ra định hướng và cách giải quyết giúp con".

3. Hướng con đến tương lai

Chị Linh chia sẻ, có thời gian con trai chị học hành chểnh mảng, thường xuyên bị điểm kém. Không tuần nào chị không nhận được tin nhắn nhắc nhở từ cô giáo chủ nhiệm. Khi thì con ngủ gật trong giờ, nói chuyện riêng, khi thì con không làm bài tập về nhà hay đi học muộn. Đỉnh điểm chị Linh phát hiện con trốn tiết học Thể dục vào buổi sáng để đi chơi. 

Nhớ lại câu chuyện, chị Linh bày tỏ: "Cũng như bao phụ huynh khác, lúc đó tôi "nóng mặt" và muốn cho con một trận đòn. Vừa bực mình, tôi vừa xấu hổ với cô giáo chủ nhiệm khi tiếp nhận thông tin. Vào buổi tối hôm ấy, tôi nói chuyện với con và cuối cùng con thú nhận là hẹn bạn gái đi chơi. 

Nghe xong chuyện, tôi bực lắm nhưng vẫn cố kiềm chế cảm xúc. Sau đó, tôi thỏa thuận với con rằng con được phép có tình cảm với bạn và đi chơi cùng nhau. Tuy nhiên, con chỉ được dành ra nửa buổi cuối tuần để đi chơi, những ngày trong tuần thì tuyệt đối không. Bởi nếu con dành quá nhiều thời gian gặp gỡ sẽ ảnh hưởng đến việc học và cả sức khỏe. Tôi thoải mái nhưng đồng thời vẫn nghiêm khắc đặt ra một số nguyên tắc cho con. Nếu không nghiêm chỉnh thực hiện, con sẽ phải chịu hình phạt như: Bị thu điện thoại, không được đi chơi cuối tuần, không được mua món đồ bản thân yêu thích"...

Tất cả những điều chị làm đều hướng con đến một tương lai tươi sáng. Chị giảng giải cho con hiểu nếu muốn chuyện tình cảm bền đẹp, có thể đến được với nhau, con cần vượt qua thời gian thử thách tính bằng số năm học cộng với một hoặc vài năm đi làm kiếm sống. Như vậy, con sẽ hiểu vấn đề và bảo ban nhau cùng cố gắng trong học tập. Dĩ nhiên chuyện "vượt rào" có lẽ sẽ khó xảy ra hơn.

4. Dạy con về một số điều luật 

Có kiến thức và sự chuẩn bị mới là sức mạnh, chứ không bao giờ sự ngăn cấm của cha mẹ là đủ vững chãi để bảo vệ con. Hiểu rõ điều ấy, chị Linh luôn nói cho con nghe về những quy định trong pháp luật và hậu quả nếu con làm điều gì dại dột. 

Chẳng hạn chị sẽ giảng giải: Độ tuổi hợp pháp để bắt đầu quan hệ tình dục, những hình phạt khi giao phối với trẻ vị thành niên, độ tuổi kết hôn hợp pháp… Như vậy, con sẽ ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề và không có quyết định bồng bột làm hủy hoại tương lai.