Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức hôm nay (28/5).
Theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), 66,1% trẻ em có cơ hội tiếp cận với thiết bị có kết nối internet. Trong đó có 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng trong ngày. Trong năm 2018, Việt Nam có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia.
Thông tin tại hội thảo, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin ( Bộ TTTT) cho rằng, thế giới nói chung và Việt Nam đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp. Sự đa dạng của các thiết bị kết nối, nền tảng xã hội và ứng dụng di động đã tạo nên sự thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của con người, trong đó có trẻ em. Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với những rủi ro về bắt nạt, nội dung, ứng xử không phù hợp, nguy cơ xâm hại tình dục...
Dẫn chứng cụ thể, ông Hoàng Minh Tiến cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội, khi trẻ em phải ở nhà và truy cập internet nhiều, Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em (111) nhận phản ánh của nhiều phụ huynh về việc con họ nhận được tin nhắn mời tham dự các cuộc thi sắc đẹp trẻ em. Khi tham dự cuộc thi này, các đối tượng xấu sẽ yêu cầu trẻ gửi ảnh khỏa thân hoặc bán khỏa thân để kiểm tra trên cơ thể có vết sẹo gì hay không. Nhiều trẻ em không biết, chia sẻ hình ảnh sẽ rất nguy hiểm. Hay gần đây, trên youtube, có nhiều phong trào nổi lên như “cá voi xanh” khuyến khích các em nhỏ tự làm hại chính mình và lôi kéo những người khác cùng làm”.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, hiện nay hoạt động bảo vệ trẻ em bước đầu đã ghi nhận được những kết quả tích cực, song vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể như quy định việc nhận dạng dẫn đến khó khăn trong quán lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa rõ ràng, cụ thể...
Còn tồn tại nhiều thông tin, hình ảnh, video clip xấu, độc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em trên môi trường mạng.
Phương thức thực hiện chưa phù hợp, thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành. Thiếu nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao cung cấp cho trẻ em truy cập phục vụ hoạt động học tập, sinh hoạt cà giải trí, thiếu các chương trình dạy kỹ năng công nghệ số, ứng dụng dạy học tương tác, thông minh, nội dung số bổ ích để trẻ có thông tin, được tham gia an toàn trên môi trường mạng.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công an xây dựng đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025”.
Đề án được xây dựng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng); hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Đề xuất đến giải pháp bảo vệ trẻ em trên mạng internet, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin chia sẻ về 5 yếu tố cơ bản gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý của Việt Nam; phương pháp hiệu quả để giáo dục, tuyên truyền cho trẻ thanh thiếu niên; sử dụng công nghệ để hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao năng lực sử dụng internet của toàn xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề dành cho trẻ em trên môi trường mạng.
Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội thì cần sớm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, trong đó, nòng cốt là các doanh nghiệp công nghệ Việt tham tham gia xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng.