Nhắc đến vùng đất Quảng Nam chắc hẳn phần đông du khách sẽ nghĩ ngay đến Phố cổ Hội An hay Thánh địa Mỹ Sơn - những địa điểm đã quá đỗi nổi tiếng với cả du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nơi đây còn có một địa điểm nữa đậm tính bản địa nhưng chưa thực sự được nhiều du khách biết tới. Đó là làng chài Cửa Khe.
Không nhộn nhịp, đầy sắc màu như phố cổ Hội An, hay quá cổ kính, rêu phong như Thánh địa Mỹ Sơn, làng chài Cửa Khe mang sức hút đặc biệt bởi nếp sống rất đỗi đời thường. Có thể kể tới là vẻ đẹp hoang sơ, êm dịu của thiên nhiên cùng sự thân thiện, thiếu khách chân chất của người dân bản địa.
Làng chài Cửa Khe - Nơi thơ mộng mà dân dã
Làng Cửa Khe có vị trí chính xác là thuộc thôn Duy Hà, xã Bình Dương, nằm ở phía đông của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đây là một vị trí thuận lợi khi nằm trên trục đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Cách phố cổ Hội An khoảng 10km, du khách tới đây có thể tuỳ chọn phương tiện là ô tô hoặc xe máy. Thời gian di chuyển từ từ 15 - 30 phút.
Từ trên cao nhìn xuống, hàng phi lao tự nhiên bên bờ biển ở làng chài Cửa Khe (Ảnh Báo Quảng Nam)
Là một làng chài ven biển, Cửa Khe có đường biển dài khoảng 4,5km. Do chưa bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hoá nên nơi đây còn giữ gần như nguyên vẹn những gì mà tự nhiên ban tặng. Bên cạnh đường bờ biển là bãi cát trắng mịn cùng hàng phi lao tự nhiên. Đi sâu vào trong sẽ là những ngôi nhà nhỏ bình dị của người dân bản địa. Chính những điều này đã khiến Cửa Khe trở nên đặc biệt, tạo ấn tượng sâu sắc với những du khách đã từng ghé thăm.
Đến làng chài Cửa Khe, du khách sẽ được hoà mình vào thiên nhiên đúng nghĩa thay vì những dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí. Nhiều du khách chia sẻ, họ thích trải nghiệm được ngắm bình minh hay hoàng hôn xuống tại làng chài bình dị này, hay chỉ đơn giản là tản bộ quanh con ngõ nhỏ, ngắm nhìn những hoạt động lao động rất đời thường của người dân bản địa.
Bãi biển ở làng Cửa Khê với làn nước trong xanh, bờ cát trắng mịn (Ảnh Báo Hà Nội mới)
Ngắm bình minh trên biển và chứng kiến cuộc sống lao động của người dân bản địa là trải nghiệm rất thú vị theo nhiều du khách (Ảnh IVivu)
“Đây là lần đầu tiên mình được ngắm bình minh ở làng chài, nó thật sự khác với tất cả những lần trước đây. Không tĩnh lặng như mình tưởng, dưới ánh bình minh là tiếng hò kéo lưới của những bác ngư dân hay thậm chí là tiếng cười đùa của các em nhỏ, đang vui đùa, chạy nhảy dọc bờ biển”, du khách Khánh Linh (Hà Nội) nhận xét.
Sở hữu bãi biển trắng mịn, du khách đến với làng chài Cửa Khe cũng có thể tận dụng để làm nơi tổ chức các hoạt động theo nhóm, cắm trại bên bờ biển hay nằm thư giãn. Với những du khách yêu thích những trải nghiệm mang tính vận động nhiều hơn, có thể đi thuyền thúng, được cung cấp bởi chính người bản địa.
Khi trời tối, những món hải sản tươi ngon được đánh bắt trong ngày sẽ được chế biến theo nhiều hình thức khác nhau để phục vụ du khách. Không quá cầu kì, chỉ có một bếp than và hải sản tươi sống, một “nhà hàng BBQ bình dân” sẽ xuất hiện ngay trên bờ biển.
Những món hải sản dân dã được phục vụ tại làng chài Cửa Khe (Ảnh Báo Hà Nội mới)
Trước kia, khi chưa được nhiều người biết tới, du khách đến Cửa Khe chủ yếu chỉ có thể ghé thăm trong ngày bởi nơi đây chưa có các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú bài bản. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, lượng du khách tăng lên, địa phương đã có những phương án để phục vụ nhu cầu của du khách muốn nghỉ qua đêm. Có thể kể tới đó là các homestay bắt đầu xuất hiện.
Làng nghề làm mắm có tuổi đời hàng trăm năm
Với những du khách không chỉ yêu thích mà còn hứng thú với những nét văn hóa cổ truyền thì Cửa Khe là một vùng đất lý tưởng. Bởi bên cạnh bãi biển xanh, bờ cát trắng, du khách sẽ thấy rõ nét đặc trưng của một làng chài miền biển, từ đời sống lao động đời thường hay những hoạt động tín ngưỡng, văn hoá như lễ cầu ngư, lễ cúng tổ nghề… Làng Cửa Khe còn nổi tiếng gần xa với nghề làm mắm, tuổi đời lên đến hàng trăm năm.
Có câu ca dao: “Nhất mắm Cửa Khe - Nhì chè An Phú”, câu ca dao này đã nói lên phần nào sự nổi tiếng cũng như chất lượng của loại nước mắm được làm từ Cửa Khe. Người đại diện làng nghề hé lộ về bí quyết khiến nước mắm Cửa Khe trở nên đặc biệt: “Nước mắm hoàn toàn nguyên chất được làm từ cá cơm và muối. Cá dùng để sản xuất là cá cơm thuần không lẫn với các loài cá và hải sản khác như nhiều nơi trên thị trường. Chỗ chúng tôi nổi bật nhất là loại mắm từ cá cơm than và sọc tiêu. Nó cho ra hương vị thơm ngon nhất”.
Cửa Khe được công nhận là làng nghề truyền thống với nghề làm nước mắm (Ảnh Môi trường du lịch Việt Nam)
Chính vì vậy, tham quan các hộ gia đình hay xưởng nước mắm chính là trải nghiệm mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến với làng chài nhỏ. Không chỉ được tận mắt quan sát quá trình làm nước mắm của người dân, du khách cũng có thể trực tiếp tham gia vào một số bước như chiết rút nước mắm hay nếm thử. Cuối cùng trước khi ra về, nhiều du khách còn lựa chọn mua nước mắm, mang về làm quà cho bạn bè và người thân như một thức quà dân dã nơi Cửa Khe.
Đặc biệt vào 20/2 âm lịch hằng năm, người dân Cửa Khe còn tổ chức Lễ cúng tổ nghề mắm mà rất hiếm nơi nào còn gìn giữ. Lễ giỗ được tổ chức long trọng với sự tham gia của đông đảo người dân, thậm chí cả các ban ngành từ tỉnh, huyện, đến địa phương.
Mọi người trong làng dâng hương với tâm niệm cầu mong mưa thuận gió hòa, nghề mắm truyền thống của làng sẽ ngày càng phát triển thịnh vượng. Tiếp đến là các hoạt động văn nghệ chào mừng, giới thiệu về lịch sử của làng mắm Cửa Khe. Tất cả tạo nên một bầu không khí rất nhộn nhịp tại làng chài nhỏ.
Du khách thích thú trải nghiệm tham quan, tìm hiểu nghề làm mắm trứ danh tại làng Cửa Khe (Ảnh Báo Quảng Nam)
Du khách có thể tận mắt chứng kiến rồi mua nước mắm về làm quà (Ảnh Nước mắm Cửa Khe)
Năm 2014, làng nghề làm mắm Cửa Khe được UBND tỉnh Quảng Nam chính thức công nhận và trở thành một trong 67 tài nguyên du lịch văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh. Như đã nói ở trên, sở hữu lợi thế được thiên nhiên ban tặng, cùng với bề dày văn hoá với nghề làm mắm truyền thống, Cửa Khe đang ngày một hướng tới mục tiêu trở thành địa điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách biết tới và ghé tăm hơn nữa.
Hiện nay trên địa bàn làng có tổng cộng 8 cơ sở lưu trú, chủ yếu là do bà con bản địa kinh doanh, vận hành. Một số điểm đến nổi bật nữa trong khu vực có thể kể tới như di tích đền Lăng Ông, Nhà thờ tổ nghề mắm,...
Lễ cúng tổ nghề mắm được tổ chức hàng năm tại làng Cửa Khe (Ảnh Báo Quảng Nam)
Thời gian lý tưởng ghé thăm Cửa Khe
Tuỳ vào điều kiện và nhu cầu mà du khách có thể lựa chọn thời gian làng chài Cửa Khe vào mọi thời gian trong năm. Tuy nhiên trước khi bắt đầu hành trình, du khách nên kiểm tra trước tình hình thời tiết. Bởi nếu vào đúng giai đoạn mưa bão, chuyến đi sẽ không được trọn vẹn.
Trong đó, khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau được xem là lý tưởng hơn cả. Lúc này thời tiết ít mưa, mát mẻ, nắng không quá gay gắt, thích hợp cho mọi trải nghiệm từ ngắm biển đến tham quan làng nghề.