Nhóm nghiên cứu do nhà virus học Yoshihiro Kawaoka, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến, Nhiễm khuẩn và Phòng ngừa đại dịch Tokyo dẫn đầu, đã công bố phát hiện của trên trong ấn bản trực tuyến của tạp chí Nature vào tuần này.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thụ thể trong tế bào hô hấp của con người để thí nghiệm phản ứng với virus H5N1 từ 2 vật chủ mang mầm bệnh này là bò và gia cầm. Qua đó, họ nhận thấy virus trên bò bám dính mạnh hơn so với virus có nguồn gốc từ gia cầm, khiến chủng cúm này dễ lây lan hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng virus có nguồn gốc từ bò có khả năng gây bệnh cao đối với chuột và chồn sương. Khi chồn sương và chuột nhiễm virus H5N1 có nguồn gốc từ bò, virus này sẽ nhân lên khắp cơ thể, bao gồm cả não và cơ, đồng thời có độc lực cao.
Nhà virus học Kawaoka cho biết thêm có ý kiến cho rằng, bản chất của virus có thể đã biến đổi. Không loại trừ khả năng virus này có thể lây truyền từ người sang người trong tương lai.
H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm. Dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu bắt đầu từ những năm 2000, khiến gà chết hàng loạt ở nhiều khu vực. Theo nhật báo Mainichi Shimbun, một loạt trường hợp mắc bệnh ở nhiều loài động vật có vú đã được phát hiện kể từ năm 2020. Đáng chú ý, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiếp nhận báo cáo 28 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trên người, song chưa ghi nhận ca bệnh nào lây truyền từ người sang người.
Khi nhiễm cúm A/H5N1, các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ, đau ngực... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nhanh, gây các biến chứng hô hấp nguy hiểm (như Hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính – khó thở, thở gấp, viêm phổi) hoặc gây ra những tác động thần kinh như co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường...