Jessica Rose-Standafer Owens tìm thấy chiếc răng màu xám lẫn trong cát gần sông Stono, Nam Carolina và nhanh chóng nhận ra nó lớn hơn nhiều so với bình thường.
"Tôi trở nên phấn khích và yêu cầu chồng tôi lấy điện thoại ra quay lại. Tôi thường nghe nhiều người nói về chuyện tìm thấy chúng bằng cách đào hoặc nhặt dưới biển", Jessica nói.
Trong đoạn video đăng tải lên Facebook, Jessica dùng tay gạt phần sỏi dưới đất để lấy ra chiếc răng khổng lồ.
"Tôi thực sự muốn khóc", Jessica nói trong video đăng trên Facebook.
Theo McClatchy News, chiếc răng mà Jessica tìm thấy dài hơn 14 cm và nặng 0.45 kg.
Megalodon có tên khoa học đầy đủ là Carcharodon megalodon. Loài siêu cá mập khổng lồ này sống ở thời tiền sử, cuối kỷ Oligocen (Tiệm Tân) và đầu kỷ Neogen (Tân Cận), cách đây khoảng 23 triệu năm và tuyệt chủng cách đây 1,5 triệu năm.
Sinh vật hung tợn này có thể dài khoảng 20 m và nặng tới 100 tấn. Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy, Megalodon phân bố rộng khắp thế giới và tập trung nhiều nhất ở Thái Bình Dương.
Siêu cá mập Megalodon sở hữu hàng trăm chiếc răng to khỏe và sắc nhọn. Răng của chúng hình tam giác, mỗi chiếc dài trung bình khoảng 18 cm. Bộ hàm khổng lồ này giúp chúng nghiền nát hàng nghìn con cá chỉ trong tích tắc.
Megalodon được xem là sinh vật có bộ hàm lớn bậc nhất thế giới. Chỉ cần há miệng, loài cá mập này có thể nuốt trọn 6 người trưởng thành. Ngoài ra, chúng có thể bơi với vận tốc lên tới 70 km/h và có khả năng săn đuổi con mồi trong thời gian dài.
Sinh vật cổ đại này được cho là có cú cắn mạnh nhất thế giới. Lực cắn của Megalodon rơi vào khoảng 8 tấn, uy lực gấp 6 lần cá mập trắng và gấp 3 lần khủng long bạo chúa T-rex.
Nhờ có hàm răng khổng lồ sắc nhọn, lực cắn mạnh cùng với tốc độ bơi khủng khiếp, Megalodon tiêu thụ hàng tấn cá mỗi ngày, biến chúng thành sát thủ khét tiếng nhất trong lịch sử Trái Đất.