Dân tỉnh lẻ là khái niệm để chỉ những người không có gốc gác, quê quán ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng. Xét cho cùng, dù là người nơi đâu thì chúng ta không khác nhau lắm, có chăng thì là về giọng nói, tiếng địa phương, tập tục ăn uống... Và dù là dân tỉnh lẻ hay "tỉnh chẵn" thì cũng đều phải cố gắng trở thành người lương thiện và cống hiến hết mình cho xã hội, cho mọi người xung quanh.
Ấy vậy mà trong đời sống nói chung và chốn công sở nói riêng vẫn thường tồn tại kiểu miệt thị, khinh ghét ra mặt đối với dân tỉnh lẻ. Hiện trạng này giờ đây cũng được xóa bỏ đi phần nào, nhưng không phải là không còn. Vậy trước những sóng gió nơi làm việc, các chị em tỉnh lẻ nên ứng xử, đương đầu như thế nào cho hợp tình hợp lý?
Ở doanh nghiệp A nọ, trụ sở của công ty được đặt ở trung tâm Hà Nội. Và hơn cả là hầu hết nhân viên trong công ty cũng là người con của thủ đô. Thu Anh - một cô sinh viên chân ướt chân ráo mới ra trường đã nộp đơn ứng tuyển vào công ty A và trúng tuyển ngay sau vòng phỏng vấn. Cũng bởi cô có tấm bằng Đại học N.T xuất sắc đáng mơ ước. Thu Anh còn là "dân tỉnh lẻ", tự mình lên Hà Nội học tập và mưu sinh.
Cứ ngỡ vào công ty sẽ yên ổn, nhưng Thu Anh thực sự sốc khi cô nghe thấy những lời nói chỉ trích không hay về mình, đặc biệt là nhắm vào gốc gác của cô. Mọi người còn có vẻ như xa lánh Thu Anh và cô lập cô, không cho cô tiến sâu vào nội bộ công ty. Thậm chí có lần Thu Anh ngồi trong nhà vệ sinh và nghe đồng nghiệp nói xấu mình: "Cái con bé Thu Anh mới vào ấy phèn ghê gớm, đúng là dân XX có khác!"
Mỗi ngày đi làm thật nặng nề với cô gái tỉnh lẻ này. Thu Anh chẳng biết phải làm sao để hòa nhập. Mọi thứ đổ dồn vào và làm suy sụp cô gái bé nhỏ. Thu Anh quyết định rằng cô nên có một buổi nói chuyện với trưởng phòng quản lý cô, để trình bày hết mọi khúc mắc bấy lâu của đôi bên.
Với một thái độ gay gắt và có chút "khó ở", Thu Anh tiến thẳng vào phòng làm việc của sếp. Trong phòng lúc ấy có anh leader quản lý Thu Anh và cả trợ lý của giám đốc. Cô cũng nói rõ vấn đề của mình cho hai người nghe, rằng em đang rất khổ sở này nọ, vì sao mọi người lại phân biệt kỳ thị em như thế, rồi thì sao các anh chị xấu tính quá, chèn ép nhân viên mới...
Chị trợ lý giám đốc cười mỉm, nhíu mày rồi bảo anh leader "Anh để em!". Dường như ba chữ đó báo hiệu sắp có một cơn "giông bão" xảy đến với Thu Anh. Và đúng thật. Chị trợ lý giám đốc nói một tràng dài với Thu Anh:
"Em à, thứ nhất chị sẽ nói nhanh cho nó vuông nhé! Ở công ty này chẳng ai phân biệt kỳ thị vùng miền cả. Chỉ là mọi người có thể không ưa em, nhưng điều đấy không đồng nghĩa với việc mọi người miệt thị vì em từ dưới quê lên Hà Nội. Bản thân chị cũng là dân tỉnh lẻ đây, chị có phải gái thủ đô đâu! Mà như em thấy ai cũng kính nể chị. Vậy mấu chốt ở đây là gì?
Là em còn phèn lắm cô gái ạ!
Chị nghĩ là em cần thay đổi giọng nói của mình trước tiên. Ừ thì chẳng ai có quyền bắt em phải nói tiếng Hà Nội chuẩn chỉnh nhưng cần phải dễ nghe. Mà còn chưa kể em là một telesales, một người chào hàng, phải gặp đối tác thường xuyên. Em nói cái giọng của địa phương em thì ai nghe nổi? Nhập gia phải tùy tục, em lên Hà Nội làm việc thì nên biết chấp nhận mà thay đổi đi!
Cái điều tiếp theo là về phong cách ăn mặc lẫn tính cách của mình. Cùng là dân tỉnh lẻ như nhau nhưng em nhìn chị mà xem! Chị ăn mặc chỉn chu, gọn gàng thơm tho sạch sẽ. Còn em đi làm mà ăn mặc... Nói thật em đừng tự ái, nhìn em như một đứa "nhà quê" chính hiệu! Đi làm môi trường văn phòng công sở, nhất là với doanh nghiệp về mảng xuất nhập khẩu như ở đây, thì phải biết chăm chút ngoại hình chút chứ! Thiết nghĩ, em có thể dành tiền từ mấy cái cốc trà sữa rẻ mạt độc hại của em để cho một thỏi son hợp lý hơn!
Và cuối cùng là tính cách của em. Chị nghe các anh chị ở văn phòng bảo em hơi... bủn xỉn! Cái gì em cũng tính toán để có lợi cho mình. Chị không cần biết hoàn cảnh của em ra sao, với cả mức lương công ty trả cho em không thấp. Thế nên hãy liệu liệu cư xử sao cho để không ai khinh ghét mình, Thu Anh nhé! Anh chị không có vấn đề gì về việc em xuất thân từ đâu, anh chị chỉ cần quan tâm cách em làm việc và đối nhân xử thế ra sao mà thôi.
Nếu còn phèn, thì gột sạch đi rồi hẵng đi làm! Nghe đau lòng vậy chứ ngày xưa chị cũng từng như em. Điều quan trọng là hãy rút được kinh nghiệm em ạ. Chúc em cố gắng!"
Nói đoạn, chị trợ lý giám đốc xin phép anh leader về phòng, để lại cô gái Thu Anh mắt ngấn lệ. Thu Anh thực sự tủi thân, hóa ra, bấy lâu nay mình có nhiều thiếu sót đến vậy. Không được, phải thay đổi, phải thay đổi thôi!
Vậy đấy các chị em công sở mà là dân "tỉnh lẻ" ạ. Thời bây giờ, mọi người văn minh hơn, không còn quá săm soi một cách quá đáng. Điều quan trọng mà cần để ý, chính là việc chúng ta phải thực sự sống sao cho tử tế nhất, cho lịch sự và chuyên nghiệp nhất.
Đến khi gột sạch bùn rồi, hãy tỏa sáng, hãy ngát thơm như một đóa hoa giữa rừng công sở nhé các nàng!