Thơm (vợ anh Huy) tình tính vốn bỗ bã, kiểu trẻ con. Mấy hôm trước, nghe tin chị gái bị tai nạn xe máy, anh Huy nhắn vợ đi thăm. Đến nơi, Thơm nhanh miệng “bộp chộp”: “Em vội quá nên chưa có quà gì. Để lần sau bác nhé”. Anh Huy đến xấu hổ, ai đời, chị bị ngã lại bảo “để lần sau”. Nói thế chẳng phải mong chị mình tiếp tục ngã. Anh huých huých vào sườn vợ nhưng vợ anh vẫn chẳng hiểu gì. Cũng may, chị gái dễ tính nên không chấp nhặt.
Lúc về, thấy chồng phân tích thì Thơm “ớ người” ra rồi cười: “Em quên đấy. Thảo nào cứ thấy anh đỏ mặt”.
Có hôm, nhà chồng tiếp anh chị họ dưới quê lên chơi. Thấy có bé trai hiếu động, thích leo trèo, Nhi quát lớn: “Chạy vừa thôi, ngã gãy tay bây giờ”. Chẳng ngờ, một lát sau, em bé bị ngã, trẹo tay thật. Người chị họ chứng kiến cảnh Nhi quát con mình liền phàn nàn với gia đình anh Đăng. Sau đó, anh được bố mẹ giao nhiệm vụ phải “bảo ban” lại vợ. Nhưng khi chia sẻ thì vợ anh lại khăng khăng: “Em không ác như thế”.
Những lúc hai vợ chồng về quê, anh Đăng cũng chẳng thể vui. Nhi vẫn giữ kiểu khen – chê thẳng tính khiến người nghe mất lòng. Gặp người này thì cô chê: “Cháu gái nhà chị gì mà đen lại gầy, không khéo sau này chẳng ‘có ma’ nào rước”. Gặp người khác thì cô nức nở: “Nhà cụ nhiều thóc lúa thế này, có cháy nhà cũng không lo chết đói”. Họ hàng dễ dãi thì không sao. Nếu phải người khó tính, hay để bụng thì hôm sau, anh Đăng lại bị mẹ gọi vào phòng, tế nhị kể chuyện.
Nhắc vợ thì vợ anh cho là chồng khó tính. Có lúc, Nhi cũng biết giữ mồm, giữ miệng. Tuy nhiên, khi hứng lên thì chuyện cũ vẫn y nguyên.
Học ăn, học nói
Những lời nói vô duyên thì ai cũng một vài lần mắc phải. Đó có thể là lời trêu đùa, khen – chê nhưng không được đặt đúng chỗ, đúng lúc. Có điều, hiếm khi mới lỡ lời thì dễ được bỏ qua, không bị “truy cứu”. Nếu nói năng, ứng xử tùy tiện liên tục thì có thể khiến người bạn đời cảm thấy “mất mặt”.
Phụ nữ thường bị đánh giá về lời ăn, tiếng nói hơn so với nam giới. Nhất là khi đã kết hôn thì hay bị nhà chồng, thậm chí cả họ nhà chồng “săm soi”. Khi đó, một câu nói vụng về có thể làm mất thiện cảm của người đối diện. Họ sẽ nghĩ “người phát ngôn” ứng xử kém, vô duyên hoặc có tâm hồn không trong sáng.
Nguyên nhân có thể do tính trẻ con, chưa biết cách ứng xử. Cũng có thể do chịu tác động từ môi trường sống hoặc làm việc. Khi đã thành thói quen và tính cách thì có khi, chính người trong cuộc cũng không biết mình đang vô duyên, làm chồng “mất mặt”. Hơn nữa, ranh giới giữa lời trêu đùa và vô duyên là khá mong manh. Cũng lời nói đó, trong hoàn cảnh này được chấp nhận thì trong hoàn cảnh khác lại bị cấm.
Biết cách ứng xử phải trải quá cả quá trình, không tự nhiên mà có. Quan trọng là khi bị người bạn đời (người thân, người xung quanh) phàn nàn về cách ứng xử thì “người nói” cần nhìn lại bản thân. Góp ý của người ngoài bao giờ cũng khách quan và cần được xem xét. Nếu biết mình hay bị “hớ” chỗ nào thì cần lưu tâm đến chỗ đó.