Rau khúc, hay còn được gọi với nhiều loại tên khác như cỏ tai Phật (Phật nhĩ thảo), cỏ tai chuột (Thử nhĩ thảo), rau Thanh minh (Thanh minh thảo),... Chiều cao trung bình của loại cây thân cỏ này chỉ chừng 1 gang tay, lá dài, có lông mịn hai mặt lá, màu xanh bạc rất đặc trưng. Lá rau khúc màu xanh phủ bạc tựa như có lớp sương đọng rất đặc trưng. Loại rau này chẳng ai trồng, chỉ mọc hoang ở bờ ruộng, sườn đồi đất ẩm. Đến khi chúng ngày càng được nhiều người yêu thích, mang chế biến thành nhiều món ăn mới có nhiều nơi trồng để bán.

Loại cỏ tai Phật mọc hoang bờ ruộng, tưởng xa lạ nhưng lại là bảo bối trong mùa xuân, làm bánh pha trà đều tốt cho sức khỏe - Ảnh 1.

Rau khúc - Hương vị mùa xuân

Mặc dù rau khúc không được đánh giá cao về mặt dinh dưỡng nhưng lại là cây dược liệu có nhiều lợi ích với sức khỏe con người. Rau khúc có vị ngọt, hơi đắng, chúng thường được dùng để tiêu đờm, chữa cảm lạnh, đầy bụng,... Theo Sohu, rau khúc có tác dụng hạ huyết áp. Những người bị nóng gan và phổi, ăn rau khúc có thể điều trị hiệu quả tình trạng này. Ngoài ra, rau khúc được cho là có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Chính vì nhiều tác dụng như vậy nên nó cũng trở thành loại thảo dược dân dã được nhiều người ưa chuộng vào mùa xuân.

Thông thường, rau khúc được chia làm hai loại rau khúc tẻ và rau khúc nếp. Mọi người thường chọn rau khúc nếp để chế biến món ăn vì chúng có mùi thơm lẫn hương vị ngon hơn. Rau khúc nếp cũng chính là nguyên liệu thường được dùng để làm món xôi khúc mà chúng ta thường ăn.

Khi mùa xuân đến, ven bờ ruộng mọc rất nhiều rau khúc. Thời điểm này rau khúc non và có hương vị ngon hơn. Cũng chính vì vậy, ở nhiều nơi, rau khúc được dùng để làm nhân bánh cho ngày Tết Thanh minh. 

Ngày Tết Thanh minh, người dân nước ta thường đi tảo mộ và làm mâm cơm cúng đơn giản. Nhưng ở nơi khác, chẳng hạn như Trung Quốc, người dân khá coi trọng ngày Tết này và thường tổ chức lớn. Trong đó, họ cũng thích sử dụng rau khúc để làm bánh Thanh minh. Loại bánh này được làm từ rau khúc xay nhuyễn, ép lấy nước cốt, nhồi với bột nếp, thêm nhân hoặc bánh chay, sau đó hấp hoặc chiên. 

Rau khúc không chỉ để làm bánh, đồ xôi mà còn xào hoặc nấu canh, cũng có thể phơi khô để pha trà uống.

Loại cỏ tai Phật mọc hoang bờ ruộng, tưởng xa lạ nhưng lại là bảo bối trong mùa xuân, làm bánh pha trà đều tốt cho sức khỏe - Ảnh 4.

Nếu như bạn quá bận rộn không có thời gian làm xôi khúc hoặc món xôi khúc không đủ hấp dẫn với bạn, bạn có thể thực hiện các công thức món ăn dễ làm khác từ rau khúc.

Gợi ý món ăn từ rau khúc

Rau khúc chiên trứng

Rau khúc chiên trứng là món ăn rất dễ làm và thơm ngon. Dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm nấu nướng thì việc kết hợp các nguyên liệu đơn giản này cũng giúp bạn tự tin hơn khi vào bếp.

Nguyên liệu cần thiết gồm rau khúc, 2 quả trứng gà, một nhúm nấm hương và tôm khô, nửa bát con bột mì, dầu hào, muối, bột gà.

Loại cỏ tai Phật mọc hoang bờ ruộng, tưởng xa lạ nhưng lại là "bảo bối" trong mùa xuân, làm bánh pha trà đều tốt cho sức khỏe - Ảnh 5.

Tôm khô và nấm hương ngâm nở, sau đó băm nhỏ. Rau khúc nhặt rửa sạch cũng thái nhỏ. Trộn tôm khô, nấm hương, rau khúc, trứng gà, bột mì, thêm 1 thìa dầu hào, 1/2 thìa cà phê muối. Đổ một lượng nước thích hợp vào, khuấy thành hỗn hợp sền sệt là được. Ngoài ra, bạn có thể dùng tôm khô và nấm hương xào chín trước, nêm nếm cho vừa miệng rồi trộn vào cùng trứng và rau khúc sau.

Đổ một lớp dầu mỏng vào chảo, đợi dầu nóng rồi múc từng thìa bột vào, dàn phẳng và chiên vàng hai mặt là được. Tùy sở thích bạn ăn chín mềm hoặc cháy cạnh nâu cánh gián thì để thời gian lâu thêm một chút.

Bánh nếp rau khúc

Nguyên liệu cần thiết gồm 500g bột nếp, rau khúc, 100g dầu ăn, phần nhân gồm lạc đã rang chín bóc vỏ, vừng rang chín, đường.

Rau khúc mang rửa sạch. Đun sôi nước, chần rau khúc rồi vớt ra ngâm vào nước lạnh để giữ được màu xanh đẹp. Tiếp đó, chuẩn bị phần nhân bánh bằng cách giã nát lạc, vừng, đường và cho một ít dầu ăn rồi để riêng. Rau khúc mang cắt nhỏ, cho vào máy xay cùng một ít nước xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Đun sôi phần nước cốt này lên. 

Tiếp đó, cho bột vào bát lớn, thêm nước cốt rau khúc vào, nhào đến khi thành khối bột mịn. Lấy một miếng bột gạo nếp nhào thành từng viên tròn, dùng ngón tay tạo thành cái hố. Cho phần nhân vào, và vê tròn lại, cho vào khuôn để tạo hình. Sau khi tạo hình tất cả bánh, cho vào hấp chín trên lửa lớn khoảng 20 phút. 

Bánh khúc hình mai rùa (bánh khúc trường thọ)

Nguyên liệu cần thiết làm bánh khúc trường thọ gồm phần vỏ (560g nước, 200g rau khúc đã chần, 440g bột nếp, 40g bột tẻ, 60g đường, 20g dầu), phần nhân (60g củ cải khô thái sợi, 25g tôm khô, 25g nấm, 250g thịt lợn băm, tiêu, nước tương, dầu hào, muối, đường, một ít hành lá).

Rau khúc bỏ phần lá và cọng già, rửa sạch, chần cho đến khi mềm, vớt ra, vắt kiệt nước. Tôm khô rửa sạch, thêm chút rượu nấu ăn để khử mùi tanh rồi để bên, có thể ngâm nước để mềm. Nấm hương ngâm nở, để ráo, cắt thành miếng nhỏ. Đun nóng dầu trong chảo, cho tôm và nấm vào xào thơm, thêm thịt băm vào xào cho đến khi thịt chuyển màu, có mùi thơm là được. Tiếp đó, cho củ cải thái sợi vào xào cho đến khi có mùi thơm. Sau đó, cho dầu hào, muối, đường, nước tương, tiêu và chút hành lá vào nêm nếm cho vừa miệng.

Rau khúc mang xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt. Thêm bột và đường, dầu ăn vào nhào đều thành khối bột mịn. Chia đều bột thành các phần bằng nhau. Mỗi viên khoảng 60g (viên nhỏ) và 100g (viên lớn). Bọc phần nhân lại và vê thành hình tròn. Cho vào khuôn để tạo hình, hình con rùa hoặc hình lá liễu đều được. 

Với phiên bản bánh hấp, bạn có thể đặt lót lá chuối hoặc giấy chuyên dụng trước khi hấp để bánh dễ lấy ra. Thêm vào đó, bánh không bị hấp hơi nước. Với phiên bản bánh chiên, bạn chỉ cần cho vào dầu chiên chín là được.

Chúc bạn thực hiện những món ngon từ rau khúc thành công!