Nổi tiếng với những đợt bùng phát lịch sử như "Cái chết đen" (đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV) giết chết nhanh chóng khoảng một nửa dân số châu Âu vào những năm 1300, bệnh dịch hạch đến nay vẫn tàn phá các khu vực của châu Phi và thỉnh thoảng lại bùng dịch ở những vùng khác. Tuần trước, một bé trai 10 tuổi ở Mỹ đã tử vong vì biến chứng của bệnh dịch hạch.

Bệnh dịch hạch do vi khuẩn hình que Yersinia pestis gây ra, có thể được truyền từ động vật sang người qua bọ chét và sau đó lây lan qua dịch cơ thể người bị nhiễm bệnh hoặc các con đường khác. Nếu không được điều trị, căn bệnh nguy hiểm này có thể gây tử vong nhanh chóng, với tỷ lệ tử vong lên tới 100% tùy thuộc vào cách nó lây nhiễm vào cơ thể.

Dịch hạch có thể bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm gồm sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Ở dạng phổ biến nhất, dịch hạch tiến triển thành các hạch bạch huyết bị viêm và đau, được gọi là hạch. Đây chính là nguồn gốc dẫn đến thuật ngữ "bệnh dịch hạch".

Nếu vi khuẩn phát triển theo cấp số nhân trong máu của bạn, nó sẽ gây nhiễm trùng huyết, triệu chứng có thể bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết và hoại tử.

Dạng dịch hạch ít phổ biến nhất là bệnh dịch hạch thể phổi. Khi đó, vi khuẩn Yersinia xâm nhập vào phổi của vật chủ, gây ra tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm nhất, có thể phát triển thành suy hô hấp nhanh chóng và gây sốc trong vòng 2 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Số trường hợp mắc bệnh dịch hạch đã tăng lên ở 25 quốc gia kể từ những năm 1990. Trên toàn cầu, có 3.248 trường hợp nhiễm dịch hạch được ghi nhận, trong đó có 584 ca tử vong được báo cáo từ năm 2010 đến năm 2015. Trong vụ bùng phát dịch vào năm 2017 ở Madagascar, 2.119 trường hợp bệnh nhân được xác nhận, trong đó có 171 người tử vong.

 - Ảnh 1.

Vi khuẩn dịch hạch (màu vàng) trên hệ tiêu hóa có gai của bọ chét chuột (màu tím). (Ảnh: NIAID)

Cách hiệu quả nhất để điều trị bệnh dịch hạch là sử dụng thuốc kháng sinh. Do đó, việc chẩn đoán nhanh chóng, kịp thời là rất quan trọng, đặc biệt đối với dịch hạch thể phổi. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Nhà tiêm chủng học Christine Rollier thuộc Đại học Oxford giải thích: "Mặc dù thuốc kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị bệnh dịch hạch, nhưng nhiều vùng đang bùng phát dịch lại ở những khu vực rất xa xôi. Ở những khu vực như vậy, một loại vaccine hiệu quả có thể hỗ trợ chiến lược phòng chống căn bệnh này thành công".

Oxford đã phát triển một loại vaccine tiêm bắp, sử dụng virus gây bệnh cảm lạnh đã biến đổi (adenovirus) không thể nhân lên ở người, tương tự như loại được sử dụng trong vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Virus sẽ được sử dụng để cung cấp mã gene cho một protein từ Yersinia pestis cần thiết, qua đó có khả năng lây nhiễm cho người, giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta nhận ra nó là "kẻ xâm lược", giống như cách mà nhiều loại vaccine COVID-19 hoạt động.

Cho đến nay, vaccine bệnh dịch hạch mới chỉ được thử nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm, nhưng cho kết quả đầy hứa hẹn.

Như với bất kỳ loại vaccine nào, các tác dụng phụ của vaccine dịch hạch có thể từ đau cục bộ đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn nhưng hiếm gặp. Tất cả những người tham gia thử nghiệm lâm sàng sẽ được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là trong tuần đầu tiên sau khi tiêm chủng.

Hầu hết các tác dụng phụ chỉ là tạm thời, nhưng trong "một số trường hợp hiếm gặp, các tác dụng phụ có thể nghiêm trọng hoặc kéo dài, mặc dù không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận trong những thử nghiệm trên người đối với các loại vaccine hoạt động theo mô hình tương tự", nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhóm nghiên cứu cũng đề cập đến khả năng xuất hiện các cục máu đông hiếm gặp, vấn đề đã được báo cáo liên quan đến vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Tình trạng này đang được các cơ quan y tế trên toàn thế giới theo dõi chặt chẽ, xảy ra ở 5 trong số 1 triệu người được tiêm chủng.

(Theo Science Alert)