Đó cũng là lý do tại sao xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống" trong mùa dịch COVID-19.
Theo bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ Melissa Doft làm việc tại Manhattan, New York (Mỹ), trước khi dịch COVID bùng phát, thời gian luôn là một vấn đề khi mọi người nghĩ tới việc phẫu thuật thẩm mỹ vì họ sẽ phải sắp xếp để xin nghỉ làm một thời gian. Sự bùng phát của dịch COVID-19 cùng quy định phải đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng và nhiều người đang làm việc từ xa đã khiến nhu cầu đối với các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ tăng mạnh.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, thành phố New York đã rơi vào tình trạng bị phong tỏa do số ca mắc COVID tăng cao. Giống như phần lớn người dân ở thành phố này, nữ diễn viên 25 tuổi có tên Jocelyn đã trải qua gần ba tháng dịch bệnh ở giai đoạn cao điểm khiến cuộc sống ngày càng tù túng. Sau khi các quy định phong tỏa được nới lỏng, cô nhận thấy không chỉ trọng lượng cơ thể gia tăng mà dường như bản thân còn “quên” mất cách tiêu tiền. Jocelyn thừa nhận rằng việc ăn quá nhiều và nằm dài trên ghế sofa chỉ để xem các bộ phim và chương trình truyền hình trên Netflix khiến cơ thể trì trệ trông thấy.
Jocelyn cho biết trước đây mặc dù là một người phụ nữ nhỏ nhắn song cô vẫn cảm thấy chưa hài lòng về một số điểm trên cơ thể mà ngay cả chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn vẫn không thể khắc phục được. Vì vậy, với số cân nặng vượt tầm kiểm soát trong khi số dư trong tài khoản ngân hàng gia tăng, Jocelyn đã tìm đến vào phẫu thuật thẩm mỹ ngay khi có thể. Jocelyn đã sử dụng loại hình phẫu thuật thẩm mỹ bằng AirSculpt, một phương pháp tạo đường nét cơ thể thay thế cho việc hút mỡ. Sau khi trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, Jocelyn đã có thể đi quay một quảng cáo hai ngày và có cuộc hẹn với "người ấy" vì cô đã cảm thấy tự tin hơn nhiều vào vẻ ngoài của bản thân.
Khi lệnh phong tỏa được áp dụng tại phần lớn các bang của nước Mỹ vào đầu năm 2020, các dịch vụ không thiết yếu thuộc nhóm lĩnh vực đầu tiên phải đóng cửa bao gồm cả dịch vụ thẩm mỹ và điều trị da liễu. Vào giữa tháng 3/2020, tại các thành phố trung tâm như New York và Los Angeles, các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp từ bơm Botox để xóa nếp nhăn, thu gọn khuôn mặt cho đến nâng mông đều bị gián đoạn. Vì vậy, khi các thẩm mỹ viện dần dần được cho phép mở cửa trở lại sau đó 3 tháng, nhu cầu làm đẹp của các khách hàng đã tăng mạnh sau khi bị "dồn nén" trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa.
Tiến sỹ Aaron Rollins hiện đang điều hành một mạng lưới các cơ sở thẩm mỹ trên khắp nước Mỹ có thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như Jocelyn đã trải qua. Tiến sỹ Rollins cho biết nhu cầu đối với các dịch vụ thẩm mỹ tại hệ thống cơ sở chăm sóc sắc đẹp của ông trong tháng 7/2020 cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chi nhánh đầu tiên trong hệ thống các cơ sở thẩm mỹ của ông được mở cửa trở lại là tại bang Atlanta và Texas vào cuối tháng 4/2020 trong khi chi nhánh cuối cùng được hoạt động trở lại là ở New York. Rollins thậm chí phải thuê thêm nhân viên hành chính để giúp xử lý lượng hồ sơ chất đống của các khách hàng đăng ký tư vấn về phẫu thuật thẩm mỹ. Ông cho biết tháng 7 vừa qua là tháng bận rộn nhất trong lịch sử 9 năm hoạt động của công ty.
Trong khi đó, Tiến sỹ Tracy Pfeifer, một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ làm việc ở Manhattan và Long Island, New York, nhận thấy sự gia tăng đặc biệt về nhu cầu thu nhỏ ngực, nhất là ở những phụ nữ trẻ. Theo ước tính của Tiến sỹ Pfeifer, lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ làm đẹp này hiện cao hơn khoảng 25% so với một năm trước đó.
Ngoài ra, không phải mọi bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ trong giai đoạn dịch COVID-19 đều là những người nổi tiếng với tài chính dư dả. Kelly, một nhân viên lễ tân 42 tuổi ở Rockland County, New York, đã trải qua nhiều thủ thuật thẩm mỹ ngay khi các phòng khám mở cửa trở lại, bao gồm phẫu thuật căng da bụng, cắt bỏ da thừa, hút mỡ và nâng ngực. Kelly cho hay đã tiết kiệm được tiền trong giai đoạn dịch bệnh vì không thể đi du lịch và chi tiêu. Chính số tiền để dành và trợ cấp thất nghiệp đã giúp Kelly đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ thẩm mỹ mà cô sử dụng.
Sự gia tăng về nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tại Mỹ là điều rất bất ngờ giữa bối cảnh tình hình kinh tế của nước này gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II/2020 giảm 32,9%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1947, gấp gần bốn lần so với quý tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tuy nhiên, một số bác sỹ làm việc trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ cho rằng thời gian còn lại của năm 2020 có thể sẽ còn chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ hơn nữa của nhu cầu làm đẹp bản thân của người dân tại "xứ Cờ hoa".
(Theo Bloomberg)