Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 21/9 đưa tin, một vụ sự cố khác xảy ra xung quanh vụ tai nạn hạt nhân Fukushima, khi các công nhân xây dựng chịu trách nhiệm phá dỡ và dọn dẹp ở thị trấn Okuma (tỉnh Fukushima, Nhật Bản) đã bí mật bán phế liệu có thể bị nhiễm phóng xạ hạt nhân để lấy tiền.
Tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản dẫn lời một nhân chứng giấu tên, cho biết từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, một số công nhân tại công trường đã không vận chuyển sắt vụn và dây đồng phế liệu từ địa điểm phá dỡ đến điểm lưu trữ được chỉ định. Thay vào đó, họ đã ít nhất 7 lần bán những loại phế liệu chưa được kiểm tra nồng độ phóng xạ này, thu lời khoảng 900.000 yên (khoảng 147,4 triệu đồng).
"Luật về các biện pháp đặc biệt xử lý ô nhiễm chất phóng xạ" do Bộ Môi trường Nhật Bản ban hành quy định rằng, khi xử lý chất thải phóng xạ, việc kiểm tra nồng độ phóng xạ trước tiên phải được thực hiện tại điểm lưu trữ tạm thời được chỉ định.
Chất thải vượt quá 100.000 becquerel/kg phải được vận chuyển đến các cơ sở lưu trữ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Chất thải có nồng độ phóng xạ dưới 100.000 becquerel/kg phải được lưu giữ tại địa điểm xử lý chuyên dụng ở tỉnh Fukushima.
Tờ Nihon Keizai Shimbun cho biết, việc vận chuyển chất thải chưa được kiểm nghiệm ra khỏi công trường và bán nó có thể vi phạm pháp luật. Giá sắt phế liệu tăng cao được cho là một trong những nguyên nhân gây ra sự việc này. Theo các nhóm ngành, sắt phế liệu Nhật Bản được bán với giá khoảng 50.000 yên/tấn (khoảng 8,1 triệu đồng) trong tháng 8, cao gấp đôi so với tháng 8/2019.
Theo tờ Fukushima Minyou Shimbun , hiện cuộc điều tra về hàm lượng chất phóng xạ trong phế liệu sắt và người mua đang được tiến hành. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shintaro Ito nói rằng sự việc này là "đáng tiếc" và cam kết "sẽ hướng dẫn và giám sát mạnh mẽ để đảm bảo rằng sự việc được xử lý đúng cách."
Da Zhigang, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Đông Bắc Á của Trung Quốc, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn Cầu: "Thật khó tin! Những người công nhân xây dựng biết mức độ nghiêm trọng của sự việc mà vẫn thực hiện hành vi trộm cắp".
Ông nói thêm: "Dây sắt, đồng phế liệu chưa được kiểm tra nồng độ phóng xạ có khả năng gây phát tán chất phóng xạ trong quá trình vận chuyển. Sự cố cho thấy có những vấn đề trong việc xử lý các vụ tai nạn hạt nhân và các vấn đề liên quan của Nhật Bản".
Năm 2011, Nhật Bản hứng chịu một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử. Hậu quả khiến gần 20.000 chết và mất tích, trên 6.000 người bị thương và nhiều thị trấn bị xóa sổ khỏi bản đồ.
Đặc biệt, trận động đất đã tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm họa nghiêm trọng.
Từ đó đến nay, Nhật Bản đã phải bơm nước vào các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima để làm mát các thanh nhiên liệu. Lượng nước này sau đó được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến và đang được chứa trong các bồn chứa thuộc khuôn viên nhà máy trên.
Lượng nước này đến nay vẫn được tích trữ trong hơn 1.000 bể chứa khổng lồ nhưng chúng sắp được lấp đầy trong khi diện tích để xây bể mới đã đạt giới hạn. Do đó, cuối tháng 8 vừa qua, Nhật Bản quyết định xả 1,3 triệu nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển.
Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định nước thải sẽ dưới giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 Bq/l đối với nước uống.
Dù vậy, đánh giá trên vẫn gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia, đồng thời vấp phải sự phản đối của một số quốc gia láng giếng, trong đó Trung Quốc là nước phản ứng mạnh mẽ nhất.
Bắc Kinh chỉ trích hành động này "cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm, gây rủi ro toàn cầu, ảnh hưởng thế hệ tương lai", đồng thời đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản với lý do "đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc".
(Nguồn: Global Times)