Hôn nhân hoàng thất đều lấy lợi ích chính trị làm đầu, nên mới xuất hiện tình trạng kết hôn cận huyết. Hoàng đế lấy chị em họ là chuyện bình thường, phi tử gia nhập hậu cung mới phát hiện gặp người quen.
Song không phải vì là họ hàng thân thích mà Hoàng thượng sẽ trọng dụng, yêu thương hay trao đặc quyền. Đồng thời, chị em thân thuộc cùng lấy một vị Hoàng đế cũng nhận được sủng ái không giống nhau.
Càn Long đế của nhà Thanh sống đến 89 tuổi được xem là vị quân vương có tuổi thọ cao nhất lịch sử Trung Quốc. Bát Kỳ Mãn Châu triều Thanh tổ chức tuyển tú (tuyển phi cho Hoàng đế) mỗi năm một lần. Nữ giới Bát Kỳ tham gia tuyển tú trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi. Do đó có thể hiểu, việc Càn Long lớn tuổi hơn rất nhiều so với phi tử trong hậu cung cũng là chuyện thường tình.
Nguyên phối của Càn Long là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu chỉ nhỏ hơn ông 1 tuổi. Du phi - vị phi tử được Càn Long yêu chiều sủng hạnh nức tiếng cũng chỉ kém 3 tuổi.
Song ít ai biết được, Hoàng đế Càn Long còn có một vị phi tử nhỏ hơn ông đến 75 tuổi. Đó chính là Tấn phi. Điều thú vị là Tấn phi có quan hệ họ hàng với Hoàng hậu, cả hai cùng xuất thân từ tộc Sa Tế Phú Sát thị thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Tính theo quan hệ tôn ti gia đình, Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu chính là bà của Tấn phi.
Có thể vì Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời khi chỉ mới 37 tuổi nên người cháu gái Tấn phi này chưa từng gặp bà bao giờ. Tấn phi Phú Sát thị thật ra chỉ là một nhân vật nhỏ không xuất hiện quá nhiều trong ghi chép lịch sử. Theo một số thông tin, bà là con gái của Chủ sự bổ khuyết của bộ Công - Đức Khắc Tinh Ngạch, cũng là cháu gái đời thứ 5 của Mễ Tư Hàn (đại thần dưới thời Khang Hi).
Trong ghi chép lịch sử cung đình nhà Thanh, tháng 2 năm Gia Khánh thứ 3 (1798), Tấn phi Phú Sát thị vào cung với phân vị là Tấn Quý nhân. Xung quanh thời gian bà nhập cung cũng có rất nhiều tranh cãi. Có thông tin cho rằng Phú Sát thị vào cung theo đợt tuyển tú cuối cùng giai đoạn cuối đời của Càn Long đế. Nhưng theo sử sách lịch sử ghi chép giai đoạn những năm cuối của Càn Long lại không có sự xuất hiện của vị Tấn phi Phú Sát thị này.
Một số thông tin khác thể hiện bà vào cung trong đợt tuyển tú Bát Kỳ năm Gia Khánh thứ 3 vốn để trở thành phi tử của Gia Khánh đế. Thời điểm đó, bà chỉ mới 13 tuổi. Nhưng Gia Khánh đế lại nhường tặng bà cho Càn Long (lúc này đã là Thái Thượng hoàng) trong tiệc đại thọ 88 tuổi.
Tội nghiệp thay, con đường tồn tại trong hậu cung của vị Tấn phi Phú Sát thị này luôn gặp phải muôn trùng khó khăn. Bà được gả cho Càn Long, cũng đồng nghĩa với việc nhảy vào bể sâu cùng cực. Cho dù Càn Long đào hoa phong lưu đến mấy, tài hoa khí phách biết nhường nào, dịu dàng đa tình đến đâu, nhưng lúc bấy giờ ông đã là một ông lão gần đất xa trời. Cô gái chỉ mới 13 tuổi như Phú Sát thị đáng vai cháu gái của Càn Long lại bị “chôn chân” với một ông lão. Tự hỏi cuộc đời làm sao còn ý nghĩa?!
Quả nhiên, năm thứ 2 sau khi Tấn phi Phú Sát thị được gả cho Thái Thượng hoàng, Càn Long băng hà. Thế là bà đã trở thành quả phụ khi tuổi đời còn rất trẻ, sống trong lẻ bóng quạnh hiu nơi cung cấm lạnh lẽo.
Về sau, Gia Khánh đế cũng không hỏi thăm hay quan tâm đến Tấn phi Phú Sát thị, để bà tự sinh tự diệt. May mắn thay, bà vẫn có thể cố gắng sống sót trong cung cấm tranh đấu nhờ tuổi đời trẻ. Sau Gia Khánh, cháu của Càn Long là Đạo Quang đế đăng cơ.
Đạo Quang đế lại vô cùng kính trọng vị phi tử còn sống duy nhất của ông nội Càn Long. Sau khi đăng cơ, ông đã phong Tấn phi Phú Sát thị thành Hoàng tổ Tấn phi. Có thể nói, Tấn phi Phú Sát thị nằm mơ cũng không thể ngờ bản thân có ngày được lên phong phi.
Đáng tiếc, bà vừa mới được làm Tấn phi chỉ 1 năm thì qua đời (năm Đạo Quang thứ 2, tức 1822). Nếu ra đời sớm hơn mười mấy năm, khi Càn Long vẫn còn mạnh khỏe, có thể với thân phận là cháu gái của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, Tấn phi Phú Sát thị có lẽ đã có cuộc đời đầy màu sắc hơn. Hoặc là nhập cung sau khi Càn Long băng hà, khả năng lớn là bà trở thành phi tử của Gia Khánh đế.
Tấn phi Phú Sát thị được an táng vào Phi viên tẩm của Dụ lăng thuộc Thanh Đông lăng. Trong các phi tần của Càn Long Đế, bà là người mất cuối cùng. Bà cũng là vị phi tần cuối cùng được an táng vào Dụ lăng, do đó phần mộ của bà nằm ở vị trí cuối cùng, thuộc hàng cuối cùng của dãy thứ 5 trong Phi viên tẩm.
Nguồn: Sohu, Kknews