Bắt đầu từ ngày 15/5, thành phố Hội An tổ chức lại việc kiểm soát vé tham quan khu phố cổ. Câu chuyện nhận được sự quan tâm của dư luận khi kế hoạch ban hành cách đây hơi 1 tháng với những ý kiến trái chiều. Việc thu phí di sản sao cho hợp lý để phục vụ tốt cho cộng đồng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, danh thắng cảnh là chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 24/5.

Việc siết chặt thu phí tham quan khu phố cổ Hội An là loại thu phí dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được luật pháp cho phép để có thêm nguồn lực bảo tồn, trùng tu di tích, cải tạo hạ tầng khu phố cổ, tổ chức các sự kiện du lịch cũng như hỗ trợ người dân trùng tu, cải tạo nhà cổ. Tất cả kinh phí triển khai công tác này đều lấy từ nguồn vé thăm quan. Hiện Hội An có khoảng 155 di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, chiếm 14% tổng di tích của khu di sản. Trong đó, có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão. Chi phí trùng tu nhà cổ rất lớn. Việc thu phí của Hội An để lấy di tích nuôi di tích. Đây là câu chuyện không mới ở Việt Nam. Việc thu phí tham quan di sản thế giới đang được một số nơi thực hiện như Tràng An (Ninh Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), Đại nội Huế (Thừa Thiên Huế), Đường Lâm (Hà Nội)…

Cục Di sản văn hóa cho biết, trong những năm qua, nguồn thu từ phí tham quan di tích đã được địa phương đầu tư ngược trở lại cho quản lý, bảo vệ, tu bổ và phát huy các giá trị di tích. Theo các chuyên gia di sản, thu phí về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích là điều hợp lý, thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm với di sản.

"Từ trước đến giờ, chúng ta vẫn có luật phí và lệ phí, có các mức phí thu rất đầy đủ" – GS.TS Từ Thị Loan, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ - "Việc chúng ta thu phí để quay lại tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản hoàn toàn phù hợp với các Công ước của UNESCO, như trên thế giới có khoảng 300 nước có các thành phố di sản hay đô thị di sản đều có hình thức thu phí vào khu vực lõi di sản, lấy di tích nuôi di tích, hay như hiện gọi là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Khai thác nguồn vốn văn hóa vẫn phải hướng đến giá trị kinh tế, có lợi nhuận và giá trị gia tăng, khi đó mới có nguồn thu để quay lại nuôi di tích".

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ai cũng có ý thức thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, tâm lý của xã hội là thích được sử dụng dịch vụ miễn phí là dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, nếu điều gì cũng miễn phí thì sẽ không có nguồn lực để chăm lo cho di sản, tài sản chung của cộng động. Cộng đồng được hưởng thụ giá trị của di sản thì việc chung tay đóng góp bảo tồn di sản vừa là trách nhiệm vừa là niềm tự hào. Điều quan trọng là trách nhiệm của cơ quan quản lý các khu di sản cần có trách nhiệm minh bạch thông tin doanh thu từ giá vé, thu phí hàng năm cũng như khoản trích cho công tác trùng tu, vận hành và quản lý di sản, các hoạt động kích cầu du lịch. Càng rõ ràng, minh bạch thì người dân, du khách càng tin tưởng và đồng thuật với chính quyền để chung tay gìn giữ di sản.