Ông Bruno Druchen, giám đốc của Liên đoàn Cộng đồng Khiếm thính Nam Phi, cho biết người đàn ông đứng bên cạnh tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo khác "chỉ di chuyển bàn tay của mình một cách vô nghĩa theo ý thích” mà không hề khớp với lời nói của các vị nguyên thủ quốc gia.

Bà Cara Loening, Giám đốc tổ chức Giáo dục và phát triển Ngôn ngữ ký hiệu của thành phố Cape Town - Nam Phi, cũng lên án cách làm việc vô trách nhiệm không thể hiểu nổi của người phiên dịch. Bà bức xúc: “Ông ta thậm chí không làm bất cứ điều gì ngoài việc vỗ tay”.

Phiên dịch vô trách nhiệm trong lễ tưởng niệm ông Mandela 1
Người phiên dịch (phải) bị tố cáo chẳng hề "dịch" lời các nguyên thủ quốc gia. Ảnh: AP

Trong khi hàng triệu người trên thế giới đang bày tỏ lòng tiếc thương tới cố Tổng thống Nelson Mandela thì việc làm của người phiên dịch này tại Johannesburg gây ra một cảnh tượng đáng xấu hổ.

Cô Nicole Du Toit, một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu lâu năm, sau khi xem truyền hình trực tiếp đã phải thốt lên rằng: “Thật là kinh khủng, đây thực sự là một rạp xiếc tồi tệ. Chỉ có mỗi ông ta hiểu mình đang làm gì".

Nghị sĩ Nam Phi Wilma Newhoudt-Druchen, một thành viên khiếm thính của đảng cầm quyền, cũng nhận xét người phiên dịch chỉ quơ cánh tay cho có lệ mà không hề có bất kỳ ý nghĩa cụ thể nào.

Sau sự việc kể trên, phát ngôn viên Jackson Mthembu của Quốc hội Nam Phi từ chối bình luận và cho biết chính phủ đang chuẩn bị đưa ra một tuyên bố để giải thích vụ việc.

Tại Nam Phi, ngôn ngữ ký hiệu chuyển tải tất cả 11 ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi ở quốc gia này.

Phiên dịch vô trách nhiệm trong lễ tưởng niệm ông Mandela 2
Bà Obama không hề vui vẻ như 3 vị kế bên: Thủ tướng Anh, thủ tướng Đan Mạch và tổng thống Mỹ (từ trái qua). Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron hôm 11-12 đã lên tiếng bảo vệ hành động chụp ảnh "tự sướng" của mình tại lễ tưởng niệm ông Mandela cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt. Cả ba người bị chê trách là thiếu tôn trọng người đã khuất trong khi Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama tỏ rõ vẻ khó chịu trên khuôn mặt.

Phát biểu trước quốc hội, ông Cameron biện bạch: "Ông Nelson Mandela đóng một vai trò hết sức to lớn và sự ra đi của ông đã đem mọi người lại gần nhau". Khi bị hỏi vì sao lại có nữ thủ tướng Đan Mạch trong hình, ông Cameron nói làm thế vì phép lịch sự bởi bà Thorning-Schmidt kết hôn với con trai của một cựu lãnh đạo Công đảng của Anh.

Ngoài ra, người phát ngôn của ông Cameron cũng nhấn mạnh sự kiện ngày 10-12 là lễ tưởng niệm cuộc đời ông Mandela, còn tang lễ phải đến ngày 15-12 mới diễn ra. Trong khi đó, tờ New York Daily News đưa tin ông Obama thừa nhận đã "hớ hênh" khi có mặt trong tấm hình trên.

Phiên dịch vô trách nhiệm trong lễ tưởng niệm ông Mandela 3
Nhà cựu Tổng Giám mục Desmond Tutu mới bị trộm viếng. Ảnh: Reuters

Trong một vụ việc khác, cảnh sát Nam Phi cho biết ngôi nhà của cựu Tổng Giám mục Desmond Tutu ở Cape Town vừa bị bọn trộm ghé thăm tối 18-12 trong khi ông dự lễ tưởng niệm của ông Mandela tại Johannesburg. Hiện chưa có thông tin về tài sản bị mất cắp và cảnh sát vẫn đang tiến hành cuộc điều tra.