Khi con cái bước vào tuổi dậy thì, tính cách thay đổi sớm nắng chiều mưa, nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy lúng túng. Các bậc phụ huynh nổi tiếng cũng phải vượt qua giai đoạn khó khăn, nhạy cảm này.

NSND Lê Khanh khóc khi con đến tuổi dậy thì

"Khi con đến tuổi dậy thì, tôi cảm thấy không gia đình nào không có sự 'sóng gió' nhất định", Lê Khanh nói. "Rất nhiều cháu đến tuổi này tuy có nhu cầu tâm sự nhưng không chọn bố mẹ bởi sợ nếu có điều gì không phải sẽ bị nhắc nhở, giáo huấn. Tôi nhớ mãi khi con gái bắt đầu bước vào dậy thì, cả đêm hôm đó tôi đã khóc và nghĩ, thế là con mình đã hết tuổi thơ. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần và tư thế để đối mặt với tuổi dậy thì của con. Ở lứa tuổi này, quan điểm của con hoàn toàn khác mình, nó khát vọng được tự do, không bị bố mẹ kìm kẹp".
Gia đình NSND Lê Khanh.

Lê Khanh cố tìm cách làm bạn thân nhất của con. Chị luôn nói với các con: "Mẹ luôn là người bạn thân nhất và nếu các con gặp vấn đề nào đó cần hỏi, mẹ sẵn sàng trả lời, kể cả những cái đó sai, mẹ cũng không bao giờ mắng. Nếu mẹ không giải thích được thì sẽ nhờ người khác giải thích hộ”. Chị cho rằng cách này sẽ giúp rút ngắn hoảng cách giữa con với cha mẹ. Chị tận dụng mọi thời gian, bất kể lúc nào, để tâm sự với con.

Khi tâm sự, chị  tỏ ra hết sức bình đẳng và tình cảm. Ở tuổi này, trẻ mặc dù rất thích làm người lớn nhưng cũng rất thích được nâng niu, vuốt ve. Đôi khi có những chuyện trẻ ngại nói với bố mẹ, Lê Khanh thường nhờ những người mà con quý như bạn bè của chị hoặc những người thân mà con tin tưởng tâm sự với con, đưa ra lời khuyên... Với cách đó, chị cũng biết được con mình cần gì.

"Có một kỷ niệm mà mỗi khi nhớ đến, tôi lại buồn cười và cũng thấy tủi thân, đó là gần đây tôi muốn sắp xếp cho con gái một phòng riêng nho nhỏ, nhưng vẫn thấy buồn và nhớ dù vẫn sống cùng một mái nhà. Nghĩ mãi tôi mới nảy ra một giải pháp. Tôi vội vàng khoe với con rằng mẹ sẽ làm một phòng cho con mà đầu giường con nhìn thẳng  với đầu giường của mẹ qua ô của sổ, tối đến mẹ có thể kéo rèm ra chúc con ngủ ngon. Tôi đang bay bổng tưởng con hào hứng lắm  thì con bé bỗng nói: 'Ối giời ơi, sợ thế hả mẹ, thế con không thoát được hả, lúc nào cũng bị kiểm soát à?'. Nghe con nói, tôi vừa buồn cười vừa hụt hẫng, nó đã bắt đầu muốn tự do".

NSƯT Chí Trung để con phát triển tự nhiên, tự lập

Quan điểm giáo dục của Chí Trung là cứ để con tự phát triển. "Mình đã gieo mầm nó thành cây non thì phải để nó tự lớn lên. Nếu thấy nó có cành cong, không đẹp thì uốn nắn lại, nhưng phải để nó tự vấp ngã. Rất ít khi tôi phê phán con, chỉ nhắc nhở vòng ngoài. Chẳng hạn, thấy ngoài ngõ có viên gạch, tôi về nhắc nhở là 'ngoài ngõ có viên gạch đấy, các con cẩn thận không có vấp phải'. Ngược lại, Ngọc Huyền vợ tôi rất bám sát con, cứ giục tắm đi, ăn thêm vào...". Chí Trung cho biết cả hai con anh đều rất tự lập bởi từ bé, bố mẹ đã phải đi công tác thường xuyên, có đợt vài tháng, hai chị em ở nhà tự nuôi nhau, đi họp phụ huynh cho nhau. 

Con trai Chí Trung rất ngoan nên anh muốn cậu "gấu" hơn một chút: "Con trai tôi không ham chơi bời, không biết đi xe máy, không biết tiêu tiền, thỉnh thoảng bố mẹ phải mở ví ra kiểm tra xem trong ví có tiền không. Nó cũng không biết uống bia, rượu. Nhiều khi đến bữa ăn, nhân uống chai bia tôi cũng ép con trai 'uống đi con, uống cho ra dáng đàn ông chứ con'. Ép thì ép nhưng cũng phải trong vòng kiểm soát, không phải là để cho con tu ừng ực".

Gia đình NSƯT Chí Trung.

"Sắp tới, cả hai đứa sẽ đi du học ở Mỹ và Australia, nhưng tôi rất yên tâm, bởi tự tin rằng với cách giáo dục của mình, tôi đã tạo cho con tính tự lập cao. Chúng có thể đối mặt với mọi khó khăn và tự tìm ra hướng giải quyết tốt nhất”.

Nhà văn Võ Thị Hảo: “Dạy con tuổi dậy thì phải rất thận trọng”

Theo nữ sĩ, tuổi dậy thì là thời kỳ khủng hoảng: "Đứa con như một cái mầm tách vỏ. Đây là lần tách vỏ rất quan trọng, lại một lần nữa chúng học cách để hòa nhập với thế giới. Bởi vậy, thời kỳ này trẻ khủng hoảng về mặt tâm lý, trong bản năng sống thường có sự chống lại những lề luật, chống lại môi trường mà chính trẻ phải làm quen, và nhiều khi rất khó chịu phải làm quen với thế giới mà người lớn đang sống" Do đó, Võ Thị Hảo thường nghiên cứu từng đặc điểm, tính cách, hoàn cảnh tại thời điểm con dậy thì để có phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ.

"Tùy từng hoàn cảnh khác nhau, dạy con phải có võ 'tùy phong', tức là phải mềm mại, uyển chuyển. Ngày xưa các cụ có thể đặt tay đứa trẻ lên bàn đánh cho chảy máu vì chữ viết xấu; người cha có thể đánh con bất tỉnh, tóe máu cũng không coi là quá khủng khiếp. Nhưng bây giờ thì không thể như thế được, mỗi đứa trẻ sinh ra được bảo vệ bằng nhân quyền, bố mẹ không thể coi con là là sở hữu của mình. Bởi vậy, phải hết sức trân trọng con, coi con là bè bạn, hướng dẫn, chăm sóc và yêu thương".

Ba mẹ con nhà văn Võ Thị Hảo.

"Dạy con thời này rất phải tế nhị, nhiều đứa trẻ bị bố mẹ mắng là đồ vô dụng hoặc bị tát một cái, lập tức đi tự tử ngay. Phản ứng này là dễ hiểu, vì trẻ là một con người, biết đau khổ khi bị đối xử bất công hay thiếu tôn trọng. Dạy con tuổi dậy thì khó vì thời điểm này, con đã biết thế nào là tự tôn, là ánh hào quang, là bóng tối, vì thế bố mẹ phải hết sức thận trọng. Hiện nhiều người hay có những hành động, lời nói thô bạo khiến con đi tiếp vào con đường xấu, trong khi lúc đầu nó chỉ định làm thế để dọa hoặc để đạt đến sự thích thú, lãng mạn nào đó".

"Với tôi, mỗi đứa con là một chuỗi kỷ niệm. Chẳng hạn, Hạnh Ly ngày bé đã tuyên bố 'sau này con sẽ đi bụi đời',  tôi biết nó không hiểu đi bụi đời là như thế nào. Vì vậy, tôi luôn gần gũi, chia sẻ để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của con. Với quan điểm tôn trọng và coi con như bè bạn, tôi và hai cô con gái rất hay chia sẻ với nhau mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống, công việc".
 
Theo Gia Anh
Đất Việt