* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Nếu hỏi bộ phim Việt nào đang gây chú ý nhiều nhất ở thời điểm hiện tại, tất nhiên không thể bỏ qua Bố Già. Nhiều người cho rằng không quá ngạc nhiên khi bộ phim điện ảnh của Trấn Thành lại lấy đi nhiều nước mắt của khán giả đến vậy. Phim đi vào từng lát cắt của cuộc sống gia đình với niềm vui, nỗi buồn và cả đau đớn.

Thông qua bộ phim này, những vấn đề khúc mắc giữa cha và con, giữa sự khác biệt về tư tưởng của 2 thế hệ cũng được mổ xẻ. Nhiều bài học qua đó cũng được rút ra, bàn luận.

Nhà văn trẻ Lê Thanh Ngân cũng đã có những trải nghiệm của riêng mình sau khi xem bộ phim. Cô cho rằng: "Xem phim để suy ngẫm, để chiêm nghiệm về cuộc đời, về những mối quan hệ xung quanh mình, về tình cảm gia đình. Và xem phim để học cách làm cha mẹ, gạt bỏ tâm tham, trút xuống những oán hận và yêu thương con đúng cách".

"Bố già" tưởng nghèo mà rất giàu và câu hỏi: Những đứa con bất hiếu với bố mẹ, bạn nghĩ rằng đó là do bản thân trẻ hay là do cách giáo dục của gia đình? - Ảnh 1.

Nhà văn trẻ Lê Thanh Ngân.

Xin được trích dẫn lại bài viết đang được nhiều người đồng tình của cô:

"BỐ GIÀ" TƯỞNG NGHÈO MÀ RẤT GIÀU

Đi xem phim chiếu rạp hầu hết là những người trẻ, những người chưa lập gia đình hoặc đã lập gia đình và có con còn nhỏ. Cách tiếp nhận Bố Già của họ đa phần sẽ từ vị thế của những người con nhiều hơn là từ vị thế của những người làm cha mẹ.

Cả bộ phim thỉnh thoảng khóe mắt mình lại cay cay. Nhưng mãi tới khi những dòng thông điệp cuối cùng bộ phim hiện lên, khán giả lục đục đứng dậy ra về, cảm xúc của mình mới thực sự vỡ òa.

Bạn có tin không, suy cho cùng con cái ai cũng thương bố mẹ mình cả. Những đứa con bất hiếu với bố mẹ chúng, bạn nghĩ rằng đó là do bản thân đứa trẻ hay là do cách giáo dục của gia đình? Không một đứa trẻ nào có quyền được lựa chọn cha mẹ. Nhưng giữa một gia đình nghèo tình thương và một gia đình nghèo vật chất thì bên nào đáng sợ hơn?

"Bố Già" có rất nhiều phân cảnh cự cãi giữa hai cha con, nhưng nhìn tổng thể giữa họ lại chẳng có bất kỳ xung đột nào. Trong gia đình tồn tại hai kiểu tranh cãi điển hình nhất:

- Một là kiểu vì yêu nhau, muốn tốt cho nhau mà cãi nhau.

- Hai là kiểu vì yêu bản thân mình, muốn bảo vệ quyền lợi của mình mà cãi nhau.

Kiểu một, càng cãi nhau, càng hiểu nhau lại càng yêu nhau nhiều hơn. Kiểu hai, càng cãi nhau, càng hiểu nhau lại càng đẩy nhau ra xa hơn.

"Bố già" tưởng nghèo mà rất giàu và câu hỏi: Những đứa con bất hiếu với bố mẹ, bạn nghĩ rằng đó là do bản thân trẻ hay là do cách giáo dục của gia đình? - Ảnh 2.

"Bố Già" có rất nhiều phân cảnh cự cãi giữa hai cha con.

Mâu thuẫn giữa cặp cha con trong Bố Già chính là kiểu một. Bởi vậy, mâu thuẫn nhưng lại không hề mâu thuẫn. Ngoài đời, nhìn nhận một cách khách quan thì không có nhiều cặp bố con được như vậy.

"Vì yêu con, muốn tốt cho con" là lý do muôn thuở mà mọi ông bố bà mẹ đưa ra để biện minh cho những việc làm của mình. Nhưng có bao nhiêu người trong số họ thực sự vì con thì lại là một câu hỏi khó có được đáp án chính xác. Có điều tôi dám khẳng định rằng con số đó không phải là 100%.

Cùng là có con bị điểm kém ở lớp, một người cha nói: "Tao ngày xưa học giỏi như thế sao lại đẻ ra cái thằng dốt nát như mày nhỉ. Mày có biết mỗi lần đi họp phụ huynh, tao mất mặt với người ta thế nào không? Tao bỏ tiền ra để nuôi mày ăn học mà mày học hành không tới nơi tới chốn thì sau này đừng trách tao. Chưa báo hiếu được ngày nào chỉ lo ăn với học mà cũng không nên hồn. Người ta thì tự hào vì con, mát mặt vì con, mình thì xấu hố vì con. Sao tao làm gì nên tội mà lại đẻ ra thằng con như mày cơ chứ?".

Người cha khác lại nói: "Với bố điểm số vốn không quan trọng, nhưng bố mong rằng dù con làm bất cứ việc gì cũng nên cố gắng bằng 100% nỗ lực. Dồn tâm huyết cho nó ắt sẽ gặt được thành quả tốt. Điểm số không phải là tất cả nhưng nó sẽ giúp con có được sự tín nhiệm của bạn bè, sự tin tưởng của thầy cô giáo, giúp con dễ dàng tới với những cơ hội tốt hơn để phát triển bản thân. 

Bố chẳng mong sau này con lớn sẽ làm gì cho bố mẹ, chỉ cần con mạnh khoẻ, vui vẻ và làm được những điều mà con muốn là bố mẹ vui lắm rồi. Nhưng để có thể thực hiện được ước mơ của con, trước mắt hãy cố gắng học tốt con nhé".

Theo đánh giá của cá nhân bạn, cách nói của ông bố nào có tính chất khích lệ, cổ vũ tinh thần cao hơn? Đôi khi chỉ vì tức giận mà ta lỡ nặng lời với con cái. Nhưng lời nói vốn là biểu hiện của tư duy. Nếu bạn không nghĩ vậy, bạn sẽ không nói vậy. Ông bố nào trong hai ông bố trên mới thực sự là vì con đây?

"Bố già" tưởng nghèo mà rất giàu và câu hỏi: Những đứa con bất hiếu với bố mẹ, bạn nghĩ rằng đó là do bản thân trẻ hay là do cách giáo dục của gia đình? - Ảnh 3.

Con người có một khả năng đặc biệt. Ngoài giao tiếp bằng lời nói, chúng ta còn có thể cảm nhận được người khác thông qua trực giác. Bạn yêu con hay không yêu con? Yêu con nhiều hay ít? Vì con hay vì bản thân mình? Xuất phát từ tình yêu hay xuất phát từ kỳ vọng, sĩ diện? Theo bạn, đứa trẻ có thể cảm nhận được hay không?

Có! Chúng đều cảm nhận được cả.

Cha mẹ bảo thủ, ích kỷ, thật khó để có được người con rộng lượng.

Cha mẹ nóng nảy, cục cằn thật khó để có được người con từ tốn.

Cha mẹ nhẫn tâm, tàn ác sao tránh khỏi con cái bất hiếu.

Trẻ con khi sinh ra vốn chẳng có khái niệm giàu nghèo. Thế nên chúng chẳng thể vì nghèo mà buồn, vì giàu mà vui. Đầu trần chân đất chạy nhông nhông dưới trời nắng chang chang chúng đâu thấy khổ. Giữa trời mưa trắng xoá, lang thang khắp cánh đồng đuổi bắt châu chấu, đỉa bấu đầy chân chúng vẫn thấy thế là vui. Cơm trộn muối vừng ăn liền 3 bát, bụng căng mắt chùng, đặt lưng là ngủ khì khì đâu cần phải chăn êm đệm ấm... 

Chẳng có đứa trẻ nào chê cha mẹ nghèo cả. Chỉ có những người lớn mang trái tim trống rỗng do nghèo tình yêu thương và sự dạy dỗ của cha mẹ thôi.

"Bố già" tưởng nghèo mà rất giàu và câu hỏi: Những đứa con bất hiếu với bố mẹ, bạn nghĩ rằng đó là do bản thân trẻ hay là do cách giáo dục của gia đình? - Ảnh 4.

Chẳng có đứa trẻ nào chê cha mẹ nghèo cả. (Ảnh minh họa)

Trong cuộc đời mình, ai cũng muốn được sinh ra trong hoàn cảnh gia đình giàu cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng không phải ai cũng có thể may mắn như thế.

Nếu không may sinh con ra trong hoàn cảnh nghèo túng thì ít nhất hãy để con là một tỷ phú tình yêu thương của cha mẹ. Nghèo cả vật chất và nghèo cả tình thương, đứa trẻ đó thực sự tội nghiệp lắm. 

Trao cho con tình yêu, dành thời gian nuôi dạy con nên người cũng chính là bạn đang sống vì mình đó. Chỉ có điều, thành quả đầu tiên của quá trình ấy cần phải rất lâu mới có thể nhìn thấy, rồi lại rất lâu nữa mới cho ra quả ngọt.

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm đầu sách viết về đề tài "làm cha mẹ", nhưng lại không có mấy cuốn dạy ai đó cách "làm con". Bởi vì, chỉ cần bạn có thể trở thành những ông bố bà mẹ tốt, bạn sẽ có những đứa con tốt.