Mấy năm gần đây, điện ảnh Việt trở nên rộn ràng vì sự xuất hiện của các dự án phim hành động được đầu tư lớn.
Có phim quảng bá là mời ekip nước ngoài về sản xuất, có phim đưa ngôi sao Hoa ngữ vào tham gia dự án cùng. Đương nhiên, số tiền đầu tư cho loạt phim hành động này cũng không nhỏ, tiền bỏ vào dự án nhiều hơn các phim tình cảm, tâm lý hay hài thông thường rất nhiều. Câu hỏi đặt ra rằng có bao nhiêu phim hành động trụ được ở phòng vé và sinh lời? Hay những gì khán giả thấy chỉ là hàng loạt "cái chết" tức tưởi vì thua lỗ nặng nề rồi âm thầm rút khỏi rạp chiếu?
Đổ 23 tỷ đồng đầu tư nhưng lỗ nặng đến mức "kêu cứu"
Năm 2016, Trương Ngọc Ánh đầu tư sản xuất phim Truy sát. Với dự án này, Trương Ngọc Ánh mời Lâm Vissay, Vĩnh Thụy, Cường Seven đóng các vai hành động. Đặc biệt, phần hậu kì của Truy Sát được dựng hoàn toàn ở nước ngoài và đây cũng là phim Việt đầu tiên trình chiếu dưới định dạng 4DX. Mức đầu tư mà Trương Ngọc Ánh bỏ vào Truy sát là 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng).
Nhìn chung, khoản đầu tư lớn mà Trương Ngọc Ánh bỏ ra rõ ràng đã phát huy hiệu quả. Sự chắc tay của Cường Ngô và chỉ đạo võ thuật Trung Lý đã tạo ra nhiều pha hành động mãn nhãn. Tuy nhiên, vì kịch bản lỏng lẽo, hời hợt nên Truy sát không kéo được nhiều khán giả đến rạp xem phim. Bộ phim để lại nốt trầm buồn, là dấu mốc không có gì nổi bật trong sự nghiệp diễn xuất và làm nhà sản xuất của chính Trương Ngọc Ánh.
Nói về sự thất bại trong doanh thu của Truy sát, Trương Ngọc Ánh giải thích: "Làm phim hành động rất khó vì kinh phí cao mà lại không được quá bạo lực, thể loại này lại bị giới hạn độ tuổi người xem là 16+. Sau Truy sát, tôi đã phải nghĩ đến hướng sản xuất phim cho số đông khán giả, sắp tới tôi sẽ làm hai bộ phim sao để cả gia đình khán giả cũng xem được".
Không riêng gì Trương Ngọc Ánh, nhiều nhà sản xuất cũng rơi vào cảnh khốn đốn vì làm phim hành động khá tâm huyết nhưng đến lúc chiếu thì khán giả không xem. Võ sinh đại chiến của đạo diễn Bá Cường là minh chứng điển hình cho điều đáng tiếc này. Nhìn chung, Võ sinh đại chiến không phải là dự án quá xuất sắc nhưng so với mặt bằng chung phim Việt, Võ sinh đại chiến ở mức xem được. Vậy mà đến cuối cùng, Võ sinh đại chiến chỉ thu về gần 2 tỷ, lỗ đứt so với mức đầu tư ban đầu 23 tỷ.
Phim kén khán giả, không được nhiều người quan tâm, đạo diễn Bá Cường nhiều lần đăng đàn kêu cứu, đồng thời trách móc nhà phát hành chèn ép suất chiếu. Cuối cùng, phía nhà phát hành trả lời rằng vì Võ sinh đại chiến không bán được nhiều vé nên mới nhường suất chiếu cho các dự án ăn khách hơn. Để bảo vệ đứa con tinh thần, đạo diễn Bá Cường và ekip sản xuất Võ sinh đại chiến quyết định rút phim khỏi rạp.
Hay gần đây, các phim hành động như Đỉnh mù sương, Girls 2 - Những cô gái và găng tơ, Sám hối cũng chịu chung cảnh thất thu do nội dung kém hấp dẫn, hành động chưa tốt như những lời quảng bá. Girls 2 - Những cô gái và găng tơ của Trần Bảo Sơn thậm chí còn mời Mike Tyson, Trương Quân Ninh, Trần Y Hàm và Tiết Khải Kỳ tham gia nhưng cuối cùng rút êm khỏi rạp với số vé bán ra hết sức khiêm tốn.
Phim Đỉnh mù sương do Phan Anh làm đạo diễn, có sự góp mặt của dàn võ sĩ thực thụ nhưng đến khi bán vé chỉ thu về 1 tỷ doanh thu. Sau khi xem Đỉnh mù sương, nhiều khán giả nhận xét rằng phim quá khô khan, kém hấp dẫn, ngoài chuyện đánh đấm ổn thì chẳng có gì để khen nhiều hơn. Riêng phần kịch bản và diễn xuất còn quá nhiều lỗ hỏng, vậy nên dù có muốn "cứu phim" đến đâu thì khán giả vẫn lực bất tòng tâm.
Ngô Thanh Vân - Lý Hải - Thu Trang lướt qua khe cửa hẹp
Làm phim hành động ở Việt Nam không dễ, nhất là trong hoàn cảnh khán giả đã quá quen với việc xem thể loại hài tình cảm thông thường khi bỏ vốn làm phim hành động, các nhà sản xuất cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Thực tế, mấy năm gần đây vẫn có một số tác phẩm hành động vượt qua được khe cửa hẹp doanh thu. Những dự án này có nội dung tốt, sản xuất tốt và khâu quảng bá tiếp thị cho sản phẩm cũng tốt luôn. Những cái tên nổi bật như thế gồm Hai Phượng của Ngô Thanh Vân, Lật mặt: 48h của Lý Hải, Chị Mười Ba - 3 ngày sinh tử và Nghề siêu dễ của Thu Trang.
Hai Phượng được Ngô Thanh Vân sản xuất vào năm 2019 và có doanh thu vượt mốc 200 tỷ đồng. Hai Phượng kể về cô gái con nhà võ tên Hai Phượng (Ngô Thanh Vân đóng) - có quá khứ tăm tối nhưng quyết định rời bỏ giang hồ, về miền Tây cùng bào thai trong bụng. Hai Phượng chọn nghề đòi nợ mướn để mưu sinh, chăm lo cho con gái tên Mai (Cát Vy diễn) - nguồn sống và tia sáng duy nhất trong đời cô. Rồi đến ngày nọ, Mai bị bọn buôn người, lấy nội tạng bắt cóc. Để cứu con, Hai Phượng đã vượt hành trình rất dài, bao gồm cả việc đeo bám đường dây tội phạm và tìm kiếm manh mối trong vô vọng.
Hai Phượng gây tiếng vang bởi loạt cảnh đánh đấm đẹp mắt, dù kịch bản phim dễ đoán và còn nhiều điều phi lý nhưng khán giả vẫn ùn ùn kéo nhau ra rạp. Hai Phượng thành công kéo theo hiệu ứng tốt cho Lật mặt: 48h của Lý Hải. Tuy cảnh đánh nhau trong phim Lý Hải không tốt bằng phim của Ngô Thanh Vân nhưng bù lại, sự chỉn chu và nghiêm túc trong quá trình sản xuất lẫn quảng bá dự án đã giúp Lý Hải nhận được mức doanh thu lên đến 150 tỷ đồng.
Hay như với Thu Trang, nữ diễn viên sản xuất liên tục 2 phim hài - hành động là Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử và Nghề Siêu Dễ trong các năm 2020 và 2022, điều đặc biệt là cả 2 dự án đều có doanh thu tốt. Phim Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử thu hơn 120 tỷ đồng, còn Nghề Siêu Dễ dù còn đang chiếu nhưng đã dễ dàng vượt mốc 70 tỷ - con số có lời cho nhà sản xuất.
Để vượt qua khe cửa hẹp của thể loại hành động, ngoài việc tập trung vào phần đánh đấm, các nhà sản xuất cũng nên chú trọng khâu làm kịch bản, tuyển chọn diễn viên và quảng bá tiếp thị dự án. Phim hành động vốn dĩ đã ngốn rất nhiều chi phí, thể loại này lại không được ưa chuộng bằng phim hài - tình cảm thông thường nên con đường đến với khán giả sẽ khó khăn hơn.
Việc mạo hiểm, đầu tư cho điện ảnh là điều rất đáng hoan nghênh nhưng dù thế nào đi nữa vẫn phải tính toán kỹ lưỡng để ít nhất là phim làm ra đến được với khán giả và chạm ở mức huề vốn. Có như vậy thì các nhà sản xuất mới còn động lực để tiếp tục làm phim và cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà.