Từ sâu sắc, nhân văn hóa thành nông cạn, sến súa
Nhắc đến những bộ phim lấy đề tài gia đình của Việt Nam cách đây chừng 1-2 thập kỷ nhiều khán giả vẫn không khỏi bồi hồi: Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần của những năm đầu thế kỉ 21, sao những nhà làm phim thời ấy lại có thể sản xuất được những bộ phim chân thực và gần gũi đến vậy?
Những câu chuyện của 20-30 năm về trước, từ sự bất lực của những người làm cha làm mẹ trước khát vọng rời tổ của những đứa con của Mùa lá rụng trong vườn, sự trần trụi của làn sóng hội nhập phá nát những giá trị truyền thống gia đình trong Của để dành, những quan niệm mới mẻ về đồng tiền và xu hướng kiếm tiền đạp bằng mọi giá trị trong Chuyện phố phường… đến nay vẫn mang tính bức thiết và đáng suy ngẫm.
Trích đoạn xúc động kinh điển trong phim Của để dành.
Những chuyện tình không thành kiểu Hoài - Phong trong Xin hãy tin em, những gia đình tan vỡ kiểu Nam - Thảo trong Người Hà Nội… tuy éo le và phức tạp, nhưng lại thể hiện được xu hướng của cả một thời kim tiền lên ngôi khiến người xem dường như tìm thấy mình trong đó, được trải lòng với những tâm sự khó nói trong đời thực.
Rõ ràng, phim Việt xưa không phải không có phản bội, tranh chấp nhưng những oan trái đó thường được đưa vào để khiến người xem day dứt, từ đó tự soi lại cách hành xử của mình với những người thân yêu.
Ngược lại, phim Việt nay có khi nói về chuyện người phụ nữ rơi vào cuộc ngoại tình với một kẻ sặc mùi tiền lại quá sức nông cạn.
Cô Hoa của Tình khúc Bạch dương mới đây khiến những khán giả ngán ngẩm vì kiểu nhân vật được xây dựng có lối sống thiếu chung thủy.
Hoa vì cuộc sống khó khăn mà bỏ lại chồng con sang Nga lao động kiếm tiền. Trong thời gian đó, cô chấp nhận mối quan hệ sai trái với một người đàn ông giàu có để trang trải cuộc sống và giữ được việc làm.
Những trường đoạn dài có lấy nước mắt người xem như Hoa ngồi đan áo, nhớ về chồng con không át đi được sự sống sượng và thiếu nhân văn trong việc sắp đặt tình tiết bào chữa cho mối quan hệ này.
Việc Hoa phải năn nỉ người quen đừng tiết lộ mối quan hệ của mình với chồng ở Việt Nam không khiến người xem cảm động mà còn thêm khó chịu về sự mặt dày đến khó hiểu của nhân vật này.
Đây chính là sự khác biệt của một câu chuyện mang tính điển hình, một nhân vật được xây dựng với những bước phát triển tâm lý chân thực luôn khiến người xem thấu hiểu và đồng cảm chứ không cần bàn tay lộ liễu của biên kịch ra sức lấp liếm.
Hay cũng là câu chuyện về tranh chấp tài sản, nhưng câu chuyện về căn nhà nhỏ bé nơi phố cổ của bà Vi trong Của để dành khiến người xem ghi nhớ làm bài học suốt 20 năm.
Còn sóng gió gia tộc của Cả một đời ân oán chỉ khiến người xem thấy tốn thời gian vì 20 phút theo dõi những câu chuyện xa lạ và 20 phút còn lại dành cho quảng cáo.
Một bộ phim được mua lại kịch bản hot nhất Châu Á, dàn diễn viên đẹp và những công nghệ làm phim mới nhất, để lại khai thác vấn đề của các gia đình dưới khía cạnh kiểu mẫu với lối sống tài nam, mỹ nữ, trong những ngôi biệt thự, siêu xe, xuất thân không giám đốc nọ cũng chủ tịch kia… hoàn toàn không tạo được đồng cảm với khán giả ở một đất nước nông nghiệp đang phát triển, với đa số dân là người lao động bình dân.
Cả một đời ân oán gây nhiều bức xúc vì kịch bản xa lạ.
Đi sâu vào lối sống phức tạp và nhiều cám dỗ của những người đẹp, Những ngọn nến trong đêm khiến người xem thấy được sự bế tắc của cô Trúc khi tìm đến với ma túy, đồng thời thấy được sự nhân văn của bộ phim khi mở ra cho cả nhân vật chính diện và phản diện lối thoát làm lại cuộc đời.
Chi tiết cuối phim khi cô Tuyết nanh nọc bỗng trở nên dịu dàng bên đứa con trước phút hấp hối bởi căn bệnh AIDS có lẽ là trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất trong sự nghiệp của diễn viên Kim Oanh.
Còn bộ phim Mộng phù hoa từ chỗ một bi kịch gia đình và con người ngày một lún sâu vào chuyện ăn chơi đàng điếm của gái làng chơi và hội công tử nửa mùa.
Không thấy nhân vật nữ chính thông minh và vươn lên ở đâu, chỉ thấy cô chơi bạc ngày một hăng và giường chiếu ngày một điệu nghệ.
Rõ ràng, các bộ phim Việt hiện nay đang quên đi những vấn đề nhức nhối căn bản của gia đình và xã hội, mà chỉ thiên đề cập đến những câu chuyện quá riêng tư và cá biệt, khiến khán giả cảm thấy không thể đồng cảm nổi với những vấn đề không liên quan gì đến mình.
Vì đâu nên nỗi….
Thiếu sự đầu tư bài bản vẫn là luôn là trở ngại lớn nhất khiến các nhà sản xuất khó có thể làm nên những tác phẩm chất lượng.
Những bộ phim Việt xưa do Nhà nước sản xuất thường đều đặn khoảng 1 năm mới có một 1 bộ phim thật chỉn chu về nội dung để ra mắt khán giả.
Khi có sự tham gia của các nhà sản xuất tư nhân, nhu cầu làm phim tăng, nhưng kịch bản chất lượng và biên kịch chắc tay thì vẫn chỉ nhiêu đó những tên tuổi.
Đó là lý do vì sao những kịch bản rập khuôn thiếu chiều sâu được tái sử dụng đi sử dụng lại. Tình khúc Bạch dương chỉ khác biết về tình tiết các mối quan hệ tay ba tay tư, còn việc tái hiện cuộc sống ở nước Nga thì không hơn Matxcova mùa thay lá là mấy.
Cả một đời ân oán xét ở một số khía cạnh có thể coi là phiên bản khác của Sống chung với mẹ chồng mà thôi.
Ngay cả bản thân những diễn viên có tay nghề, nếu cứ bắt họ diễn đi diễn lại một màu qua nhiều phim, cũng sẽ đẩy họ vào lối diễn xuất vô hồn và nhạt nhẽo.
Cứ nhìn hình tượng soái ca của Hồng Đăng và Mạnh Trường trải dài từ hết phim này đến phim khác là đủ hiểu.
Các vai soái ca của Hồng Đăng và Mạnh Trương gần như luôn tự lặp lại chính mình.
Thiếu kịch bản, nhiều đơn vị tìm đến việc mua lại kịch bản những bộ phim truyền hình đình đám nước ngoài.
Việc các nhà làm phim sinh ngoại, tiếp nhận văn hóa một chiều, chăm chăm remake kịch bản hot nước ngoài kiểu vậy, về lâu dài, chắc chắn sẽ mang đến những bất lợi cho truyền hình Việt Nam cũng như thị hiếu khán giả.
Nhìn lại khoảng thời gian những năm 2008, khi làn sóng phim sitcom ngắn, ít kinh phí đổ bộ vào Việt Nam, những bộ phim truyền hình truyền thống đã buộc phải nhường giờ Vàng phát sóng lại cho những bộ phim được mua lại concept nước ngoài Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ.
Đó là giai đoạn bắt đầu có sự ghẻ lạnh với phim truyền hình truyền thống. Những bộ phim giàu tính nhân văn và đậm văn hóa Việt như Ma làng, Bỗng dưng muốn khóc lại chỉ được chiếu 1 khung giờ cố định là 22 giờ mà thôi.
Ba khung giờ Vàng còn lại 12 giờ 30, 20 giờ, 22 giờ 30 hầu hết được phát phim sitcom Camera công sở, Cô gái bất đắc dĩ…
Những tác phẩm "đỉnh cao" của truyền hình Việt như Ma làng rồi cũng phải chào thua làn sóng ngoại nhập.
Ngay sau đó, các bộ phim gia đình Việt lại tiếp tục hứng chịu cuộc đổ bộ của những bộ phim nhập khẩu Ần Độ, Thái Lan, Phillippin cũng trở thành một món ăn lạ nhưng dễ gây nghiện bên cạnh phim Hàn Quốc, Đài Loan… tiếp tục thống trị khung giờ đẹp trên các nhà đài.
Khán giả vốn yêu thích những gì mới mẻ, hấp dẫn, trong khi đề tài gia đình trong phim Việt Nam vẫn ngàn năm như một, dần đi theo lối mòn và nhàm chán.
Vẫn biết còn nhiều khó khăn để làm hồi sinh một một không khí phim truyền hình Việt ấm tình gia đình như thuở nào.
Nhưng hi vọng những người làm phim của nước nhà hôm nay hãy đi bằng đôi chân của chính mình và những cảm xúc chân thật nhất để làm mới khung giờ vàng phim Việt, hơn là đi loanh quanh để rồi lạc lối trong những xu hướng làm phim lạc quẻ, nửa mùa và xa lạ với chính khán giả của mình.