Từ 15/11, bộ phim Giải cứu anh "thầy" của Nguyễn Phi Phi Anh chính thức ra rạp.
Thống kê từ hệ thống phòng vé độc lập, tính đến 13h30 ngày 16/11, phim chỉ bán được có 20 vé (trong ngày). Số suất chiếu mà bộ phim có trong ngày 16/11 là 83.
Từ lúc mới chiếu những suất đầu tiên, Giải cứu anh "thầy" đã gây tranh cãi dữ dội. Nhiều khán giả cho rằng không thể hiểu nổi Nguyễn Phi Phi Anh muốn truyền tải điều gì, phần khác lại thích thú trước sự thể hiện độc đáo của vị đạo diễn trong bối cảnh thị trường phim nội địa tràn ngập những phim hài, kinh dị theo kiểu mì ăn liền.
Theo thể loại hài đen và được đánh giá là hiếm hoi của điện ảnh Việt hiện nay, Giải cứu anh "thầy" đề cập trực diện về xung đột thế hệ trong quan hệ gia đình Việt Nam hiện đại: Những đứa trẻ ích kỉ, tự tin thái quá, luôn đòi hỏi được thấu hiểu, và những người lớn cầu toàn, chẳng bao giờ tự chọn tin ngược lại với nỗi bất an.
Giải cứu anh "thầy" khắc hoạ hội chứng "hoàng tử bé" của người trẻ, cụ thể là nhân vật chính - một bậc thầy phong cách sống đang vật lộn đi tìm ý nghĩa cuộc đời, qua đó giúp bóc tách khủng hoảng và lạc lối bên trong của những người trẻ đang ở ngưỡng cửa trưởng thành, để người lớn có cái nhìn thấu cảm hơn, qua đó bồi đắp niềm tin vào sự tốt đẹp và tử tế thay vì những góc nhìn định kiến, âu lo, phán xét.
Bộ phim gồm 4 chương, mỗi chương là một dấu ấn phong cách kể chuyện độc đáo riêng biệt, kết nối thành một câu chuyện đơn giản, hài hước, nhưng dày đặc ý niệm, rẽ hướng liên tục, đòi hỏi sự tập trung xuyên suốt của khán giả.
Một số khán giả cho rằng phần hình ảnh của bộ phim thiếu chỉn chu, là điểm trừ khá lớn. Không ít người nhận xét kết phim có phần ngô nghê, cách giải quyết vấn đề còn hơi cũ. Bù lại, về mặt ý tứ và nội dung thì đây vẫn là bộ phim có ý tưởng lạ, hiếm thấy ở thị trường Việt Nam.
Nói về quyết định rẽ hướng từ nhạc kịch, phim hoạt hình và bước vào niềm đam mê điện ảnh với bộ phim đầu tay, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh chia sẻ: "Tôi còn nhớ, cách đây 12 năm, khi còn là sinh viên, tôi có ước muốn làm một vở nhạc kịch ở Hà Nội. Những lời khuyên tôi nhận được khi đó là: Đừng làm vì thành công là không thể. May mắn thế nào, lại có hàng chục bạn trẻ khác mà tôi vẫn hay gọi là đồng bọn tự nhiên xuất hiện và cùng tôi theo đuổi ước mơ. Chúng tôi không khao khát gì hơn là được nghe thấy thật nhiều tiếng cười, tiếng vỗ tay của khán giả, được mang lại cho họ những trải nghiệm rực rỡ cảm xúc - và hóa ra, đó là một mộng ước không hề xa vời.
Đến bây giờ, khi muốn làm một bộ phim điện ảnh, tôi vẫn nhận được lời khuyên: Đừng làm. Vì rất khó để khán giả của ngày nay còn cảm thấy ấn tượng với những gì nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Ý tưởng có hấp dẫn tới đâu, giàu ý nghĩa cỡ nào, thì chắc hẳn cũng đã có người khác làm và làm tốt hơn rồi. Và quả thực, trong suốt cả quá trình làm phim, ngày nào chúng tôi cũng ngậm ngùi thừa nhận: Nỗ lực tốt nhất ngày hôm nay của mình có lẽ trông vẫn thật thô sơ - so với chuẩn mực đã được những người giỏi hơn và có nguồn lực tốt hơn định hình. Thậm chí, có ý kiến cho rằng tôi nên mang câu chuyện này lên sân khấu, nơi mà đòi hỏi của khán giả sẽ dễ thỏa mãn hơn nhiều.
Nhưng cuối cùng, tôi vẫn bấm máy, đơn giản vì đây là câu chuyện mà tôi thấy cần phải kể và phải kể bằng điện ảnh. Câu chuyện này không phải một tiểu phẩm. Bản thân tôi cũng cần làm - để còn giỏi lên, vì còn nhiều câu chuyện khác nữa tôi muốn kể bằng ngôn ngữ và công cụ của điện ảnh. Một mặt, tôi vẫn luôn luôn muốn làm khán giả vui, thích thú. Mặt khác, điện ảnh phải tái hiện được đời sống, với sứ mệnh sau cùng là để con người chúng ta trở nên thông cảm cho nhau hơn. Mà nếu vậy, sẽ không nên và không thể quá dễ dàng, cho cả người làm và người xem".