Fanti - bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn cùng các nhà sản xuất của bom tấn trăm tỷ Tiệc Trăng Máu chống lưng - là tác phẩm điện ảnh đầu tiên ra rạp tại Việt Nam tính từ Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh hồi cuối tháng 4. Dự án cũng quy tụ dàn diễn viên trẻ trung, xinh đẹp với những cái tên Thảo Tâm (Mắt Biếc), Hồ Thu Anh (Sài Gòn Trong Mưa) hay các “cây đa, cây đề” như NSND Lê Khanh, Hoàng Sơn, Huỳnh Kiến An.
Tuy nhiên, hy vọng duy nhất của phim Việt tại rạp trong mùa hè có vẻ không “chạm” được cảm xúc của khán giả. Tác phẩm chỉ kiếm về hơn 1,1 tỷ trong 3 ngày cuối tuần - là phim nội có doanh thu mở màn thấp nhất kể từ đầu năm (số liệu từ Box Office Vietnam), dù được công chiếu trong giai đoạn thị trường không có quá nhiều đối thủ đáng gờm cạnh tranh.
Câu chuyện của Fanti lộn xộn, tạo cảm giác bị chắp vá và còn quá nhiều lỗ hổng. Khác với cái tên Fanti, bộ phim thiên về câu chuyện mối quan hệ gia đình nhiều hơn là đề tài mặt trái không gian mạng xã hội, thế giới người nổi tiếng. Nếu nửa đầu gây tò mò và hồi hộp vì những phân cảnh stalker (kẻ theo dõi), tác phẩm càng về cuối càng hụt hơi với hàng loạt tình tiết rối rắm, không được xây dựng cũng như phát triển hợp lý. Thêm vào đó, các nhân vật trong phim đều có những hành động rất khó hiểu, trước sau bất nhất với những động cơ khá thiếu thuyết phục.
Những bộ phim tham vọng nhưng không ai xem
Xét cho thấu đáo, Fanti là một dự án tham vọng với đề tài phù hợp thị hiếu của khán giả trẻ - đối tượng chiếm tỷ lệ lớn khách ra rạp tại Việt Nam. Ý tưởng này nhen nhóm cho nhiều khán giả hy vọng về một “món ăn mới” trong bối cảnh thị trường tràn ngập những tác phẩm mang màu sắc hài, hành động đơn thuần; xuất hiện dưới hình hài các bản web-drama được nâng cấp thành phim chiếu rạp.
Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt yếu tố dẫn đến sự thất bại của Fanti khi ra rạp. Dự án thiếu vắng ngôi sao phòng vé thực thụ; nội dung mới lạ so với làng phim nội những đã được nhào đi nặn lại bởi các đạo diễn quốc tế... Tuy nhiên, điều nhiều người dễ dàng nhìn thấy là Andy Nguyễn còn khá non tay khi lần đầu tiên ngồi ghế đạo diễn phim dài. Điều này cộng thêm tham vọng quá lớn, vượt ngoài khả năng của ekip dẫn đến việc đứa con tinh thần của anh không thể tới với người xem một cách trọn vẹn.
Kịch bản Fanti chứa nhiều ý tưởng tốt nhưng ekip thất bại trong việc hiện thực hóa chúng trên màn ảnh. Lấy đề tài thế giới người nổi tiếng, bộ phim không đem đến cảm giác xa hoa, hào nhoáng cho khán giả. Khâu bối cảnh, phục trang khá xuề xòa, khó tạo điểm nhấn với người xem. Các phân đoạn phim trong quán bar, tiệc riêng của giới thượng lưu cũng hiện lên một cách rất giản dị, thiếu đầu tư. Món đồ mang tính “flexing” nhất phim có lẽ là chiếc xe hơi thể thao do nhân vật Đức Thành (Võ Điền Gia Huy đóng) sở hữu.
Đối với phim, có thể nói hình ảnh chính là nội dung. Một nhà văn có thể dùng ngôn từ có cánh để khơi gợi người ta tưởng tượng ra đủ thứ trên đời. Còn với đạo diễn, họ không thể chiếu hình căn nhà cấp 4 để minh họa cho biệt thự; hay đem ra chiếc đồng hồ Casio và gọi nó với cái tên Rolex. Ekip Fanti có vẻ như đã tự rơi vào cái bẫy tham vọng của chính mình, dẫn đến kết quả là một tác phẩm nửa vời, không chinh phục được người xem.
Cái bẫy tham vọng là câu chuyện không mới trong ngành làm phim. Nhiều dự án rất hứa hẹn trên giấy tờ nhưng khi ra mắt lại trở thành thảm họa. Không phải cứ có ý tưởng tốt phim sẽ hay. Điều đó còn phụ thuộc nhiều vào tay nghề của ekip, quy mô đầu tư của dự án.
Tiêu biểu nhất gần đây là trường hợp của Cù Lao Xác Sống (2022) của đạo diễn Nguyễn Thành Nam. Chọn đề tài zombie từng rất thành công tại Hollywood và Hàn Quốc, phim gây thất vọng toàn tập khi phát hành. Từ nội dung phi lý đến khâu hình ảnh “không thể tin nổi”, tác phẩm trở thành chủ đề cư dân mạng chế giễu trong thời gian dài. Đến nay, trên một số diễn đàn điện ảnh, người ta còn lấy tên bộ phim này làm mức điểm thấp nhất có thể chấm cho một dự án điện ảnh.
Điểm chung của Fanti và Cù Lao Xác Sống là không đem đến được điều mình đã hứa hẹn với khán giả. Hai bộ phim đều là những dự án đầu điện ảnh đầu tay của các đạo diễn tham vọng nhưng làm chưa tới. Một tác phẩm nói về giới thượng lưu nhưng xây dựng bối cảnh quá sơ sài, thiếu đầu tư. Một dự án tiên phong trong đề tài zombie nhưng mang đến những xác sống không thể “giả trân” hơn.
Phim không hướng tới khán giả thì đừng hỏi sao không ai xem
Một dự án điện ảnh thương mại, về cơ bản, cần hướng đến việc chạm được cảm xúc của khán giả. Phim hài thì phải khiến người xem cười, kinh dị phải làm người ta sợ. Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật tổng hợp đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, công nghệ cũng như tiền bạc. Đặc biệt, với những tác phẩm nặng về tính thể loại như khoa học - viễn tưởng, kinh dị hay giật gân, các yếu tố đó lại càng là nền tảng cốt yếu quyết định thành công.
Thị trường phim rạp nội địa đang cho thấy nhiều tiềm năng và thách thức. Một tác phẩm có thể lãi cả chục lần nhưng nguy cơ trắng tay cũng luôn ở đó. Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt như vậy, các đạo diễn cũng nên tỉnh táo, tránh rơi vào những mộng tưởng màu hồng về đứa con tinh thần của mình.
Tham vọng là điều cần có nhưng đôi khi nó là nguyên nhân khiến người ta vẽ ra những điều quá xa vời. Tất nhiên, thất bại vì mong muốn làm điều ngoài khả năng của mình không phải điều xấu. Những tác phẩm như Fanti không có gì đáng chê trách dù chất lượng chưa ổn. Chẳng qua, ở thời điểm đó, ekip chưa có đủ các yếu tố để thành công mà thôi.
Phòng vé nội địa vừa trải qua một giai đoạn rực rỡ. Doanh thu các tác phẩm điện ảnh Việt tính riêng nửa đầu năm nay đã vượt mốc nghìn tỷ, thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử từ trước đến nay. Trong đó, đã có 4 tác phẩm nắm tay nhau vượt mốc trăm tỷ gồm Nhà Bà Nữ (khoảng 475 tỷ), Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh (270 tỷ), Chị Chị Em Em 2 và Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy ( cùng khoảng 121 tỷ).
Nhìn từ những “người thắng cuộc” này, chưa bàn đến chuyện chất lượng hay tay nghề, cả bốn tác phẩm đều có nội dung phần nào trùng với đúng kỳ vọng của người xem khi quyết định bỏ tiền đến rạp. Nhà Bà Nữ là câu chuyện đầy “drama”, tràn ngập những lời đạo lý của một gia đình Việt Nam. Lật Mặt 6 là hành trình hài hước, tréo ngoe của hội bạn may mắn trúng vé số độc đắc… Những bộ phim đó không hề cao siêu nhưng chạm đúng cảm xúc của nhóm khán giả ekip hướng đến. Đường dây câu chuyện đều mạch lạc dù nhiều đoạn còn chuệch choạc, thiếu hợp lý.
Đạo diễn Steven Spielberg - người khai sinh ra khái niệm bom tấn hè ở Hollywood với bộ phim Jaws - từng có một lời khuyên với các đạo diễn trẻ khi chập chững vào nghề: “Đừng quá lo lắng về kỹ thuật, về việc đặt máy ở đâu, set ánh sáng thế nào. Hãy làm sao để kể được một câu chuyện thực sự thú vị, để có thể khiến ai đó ngồi lại khi bạn kể những lần tiếp. Hãy tìm một cách thật hấp dẫn thể hiện quan điểm nghệ thuật của bạn thông qua cách kể chuyện. Khi có được điều đó rồi, rất nhiều người trên thế giới này sẽ vây quanh bạn và chỉ cho bạn những sợi dây kết nối”.
Về phần khán giả, họ sẽ chỉ đánh giá tác phẩm hay dở một cách rất đơn thuần thay vì quan tâm đến những câu chuyện như hoàn cảnh ngành điện ảnh trong nước ra sao, nhà làm phim đã cố gắng như thế nào. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - người giữ vai trò nhà sản xuất của Fanti - cũng từng nói: “Điều chúng ta có thể làm tốt nhất là làm ra những bộ phim thật hay. Đừng nói với khán giả việc làm phim khổ như thế nào vì làm phim còn sướng hơn nhiều ngành khác. Đừng xem phim ảnh như dưa hấu để phải giải cứu”.