Đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền được "nâng cấp" thành phố ẩm thực
Tối ngày 21/12/2022, trước thềm Giáng sinh và đầu năm mới, người dân TP.HCM háo hức chào đón một con phố ẩm thực mới khai trương - địa bàn ăn uống, vui chơi giải trí mới cho dịp lễ dày đặc cận kề.
Đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền tại Quận 3 chính thức chuyển thành con phố ẩm thực vào buổi tối từ 19h - 23h. Phố ẩm thực này kéo dài từ đoạn đường Điện Biên Phủ cắt ngang đến đoạn Nguyễn Đình Chiểu cắt ngang, có tổng chiều dài 368 mét với 143 cơ sở kinh doanh, trong đó 92 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (bún bò, hủ tíu, bánh tráng trộn, các món ăn vặt, trà sữa...).
Vốn dĩ trước khi trở thành phố ẩm thực, con đường này đã luôn trong tình trạng trở ngại giao thông vì nằm gần trung tâm tiện đi lại, có rất nhiều hàng quán san sát nhau, và đa số quán nào cũng đắt khách. Ai ở TP.HCM, "sành" ăn uống đều ngầm hiểu đây là thiên đường ẩm thực, nơi tề tựu các món ăn vặt đường phố đặc trưng. Kể từ khi trở thành "phố ẩm thực", diện mạo của con đường này "chỉn chu" hơn rất nhiều. Các hàng quán đều được sửa sang khang trang, trang trí cho bắt mắt, đặc biệt là có thêm bộ nhận diện chung là các biển hiệu phụ mini treo trên cao. Các biển hiệu này giúp khách dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn dịch vụ ăn uống, vui chơi hơn khi ban đêm phố hoạt động tấp nập. Có 3 loại biển bao gồm: màu đỏ dành cho các quán bán món ăn chính, màu cam là các quán bán đồ ăn vặt và màu xanh là nước uống.
Lòng đường được kẻ vạch tạo khoảng rộng 1,5 mét cho phép các hộ buôn bán đặt bàn ghế để khách ngồi lại, ngoài ra tiện cho các xe đẩy vỉa hè tự do kinh doanh dưới lòng đường để tạo nên đặc trưng ẩm thực đường phố.
Phố ẩm thực tối Nguyễn Thượng Hiền ra sao vào giờ nghỉ trưa?
Mặc dù chỉ hoạt động vào khung giờ 19h - 23h mỗi ngày thế nhưng vào ban trưa, nơi này cũng vô cùng huyên náo. Một phần vì các chủ kinh doanh đều thuê mặt bằng hoặc bán ngay tại nhà mình, không phải lưu động bán dọc lòng lề đường nên dù chưa đến giờ phố hoạt động, các cửa hàng đều mở cửa đón khách. Phần khác, đây là tuyến đường thuộc khu vực trung tâm, và gần như đóng vai trò "đầu bếp" cho những thực khách ở phạm vi Quận 3, nên mọi người đều tìm đến mua đồ ăn thức uống.
Anh Phát Đạt - nhân viên văn phòng tại một công ty trên đường Võ Văn Tần chia sẻ: "Dù biết phố ẩm thực chiều tối mới mở nhưng mình vẫn đến đây vào ban trưa, vì nếu không có nhu cầu tham quan, tản bộ vui chơi cùng bạn bè thì không nhất thiết phải đến vào ban tối mới có đồ ăn ngon. Mình làm việc gần đây, trưa nào cũng đi bộ sang mua đồ về văn phòng ăn, các hàng quán luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ chẳng khác gì lúc phố ẩm thực hoạt động cả. Vẫn nấu đủ món trong menu lại còn không phải chờ đợi quá lâu."
Duy một điểm khác biệt - nếu như vào ban tối, kể từ khi chính thức trở thành phố ẩm thực, đoạn đường này đông đúc người đi bộ hoặc ngồi tại chỗ ăn uống ngay lòng lề đường, thì ban trưa các vị khách ghé thăm đa phần lại là shipper và người mua mang đi.
Chị B. - chủ một quán ăn vặt trên đường Nguyễn Thượng Hiền lí giải: "Đa phần khách ghé đến đây vào buổi trưa sẽ là người mua mang đi và shipper. Cả ngày mình đều bán cho những người giao hàng, chắc phải 80% người ghé là shipper. Tại vì ở đây có nhiều quán không có chỗ cho khách ngồi hoặc là mặt bằng nhỏ nên chỗ ngồi ít, ban đêm được bày ghế ra lòng lề đường thì mới ngồi lại được. Thứ hai là đoạn đường này ban ngày nắng lắm, hẹp lại đông xe, nên chắc mọi người cũng lười di chuyển đến đây để ăn uống, đặt giao về cho tiện."
Địa bàn ăn uống lý tưởng dành cho dân văn phòng
Trở thành phố ẩm thực mới, Nguyễn Thượng Hiền được "tu sửa" trở nên tốt hơn để phục vụ thực khách chu đáo. Ngoài mang lại không khí náo nhiệt vào chiều tối, nơi này cũng là một chốn lý tưởng để dân văn phòng nghỉ trưa.
Về các món ăn chính cho bữa trưa, khỏi phải nói vì Nguyễn Thượng Hiền từ lâu đã nổi danh là nơi triệu tập quán ăn ngon. Ở đây có đầy đủ các món cho hội công sở lựa chọn như cơm tấm, cơm phần, bún bò, hủ tíu, bánh canh, cháo lòng, bún thịt nướng, bánh mì... nằm sát nhau trong một con đường ngắn, món chay hay mặn đủ cả. So với vị trí trung tâm, giá các món nơi này khá vừa phải, bình quân dao động từ 30.000 - 50.000VNĐ. Và các quán bán món ăn chính đều cố gắng sắp xếp bàn ghế để khách có thể ngồi lại, dọn dẹp sạch sẽ, vệ sinh.
Ngoài ra, sau bữa trưa, nếu muốn trốn cái ngột ngạt văn phòng, ngồi lại con phố này trò chuyện cùng đồng nghiệp cũng thuận tiện. Ở đây có rất nhiều quầy nước uống, đa dạng giá thành. Các loại nước ép trái cây, rau má, trà sữa đến cà phê... chỉ từ 10.000 - 15.000VNĐ/ly. Dù mặt bằng chật nhưng nhiều quán nước cũng niềm nở chuẩn bị các ghế xếp để khách nào muốn nán lại trò chuyện, nghỉ chân.
Đặc biệt, phố Nguyễn Thượng Hiền là thiên đường ăn vặt cho dân văn phòng khu Quận 3 không chỉ vào ban trưa mà còn là khung giờ xế chiều. Ở đây có bánh tiêu, nấm chiên giòn, há cảo, gỏi cuốn, các món Trung món Hàn... nhưng bán nhiều nhất là bánh tráng trộn và món "vua" là tré trộn. Nói đến tré trộn, dân TP.HCM tự biết đến đâu mua tré là ngon, chất lượng, trên con đường dài hơn 300 mét, mà đếm phải có khoảng hai mươi tủ bán tré. Dù một phần ăn vặt có giá đến 50.000VNĐ, nhưng các xe bán tré lúc nào cũng có khách trước quầy.
Một nơi quy tụ các quán ăn ngon từ món chính đến món phụ, từ cà phê đến các loại nước giải khát, dễ hiểu tại sao lại được "thăng cấp" thành phố ẩm thực. Và dù hoạt động vào khung giờ tối đi chăng nữa, ban trưa phố vẫn là nơi ưu tiên của dân văn phòng vì những điều kiện thuận lợi ăn uống, xả hơi nói trên.