Hình ảnh một số học sinh ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang (một trong những bản xa và khó khăn nhất của huyện Mường Chà, Điện Biên) phải chui vào túi nylon vượt suối đến trường đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Chiều 5/9, trao đổi với PV, ông Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, chiều cùng ngày, lãnh đạo huyện Mường Chà đã báo cáo về việc này. Theo ông, do đặc thù ở các tỉnh miền núi vào mùa nước cạn, con suối trên nhỏ nên bà con dựng chiếc cầu tạm để qua lại.
Tuy nhiên, khi nước lũ đổ về, suối trở nên hung dữ, gây ra lũ lụt. Và năm nay, nước lớn đã cuốn trôi cầu tạm cũng như bè của người dân ở bản Huổi Hạ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thông tin, do bị chia cắt, không có cách khác qua suối nên người dân mới cho các cháu học sinh vào túi nylon rồi nhờ người lớn đưa qua.
"Việc cho học sinh vào túi nylon rồi người lớn đưa cho qua suối như vậy phản cảm quá, nhưng cũng là một giải pháp để đảm bảo an toàn cho các cháu bởi đặc thù của các tỉnh miền núi, nhất là vùng sâu, xa người dân sống phân tán, địa hình hiểm trở, ngăn cách bởi sông suối.
Như với bản Huổi Hạ và một số bản vùng sâu vùng xa khác chưa làm được đường ôtô, vì vậy tại các suối chưa có cầu cứng mà chỉ có cầu tạm hoặc bè mảng.
Vào mùa lũ, do nước lớn phải dỡ cầu hoặc mất cầu tạm, bè mảng khiến các nơi này bị chia cắt, biệt lập. Khó khăn ở đây rất lớn nhưng để giải quyết không hề đơn giản bởi kinh phí của Nhà nước còn rất hạn hẹp", ông Quý nói.
Ảnh: VOV
Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên nêu rõ, do vấn đề kinh phí eo hẹp, không giải quyết được ngay nên tỉnh đã chỉ đạo huyện cần tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp đỡ cho các cháu học sinh tới trường và đảm bảo an toàn cho các em.
Ông Vàng A Pó - Chủ tịch xã Na Sang cho biết thêm, nhiều học sinh trong bản Huổi Hạ phải chui vào túi nylon đến trường là tình trạng có thật tại địa phương.
Theo ông A Pó, địa phương có khoảng 40 học sinh lớp 4, 5 và cấp 2 đến trường trên con đường ra trung tâm xã Na Sang dài khoảng hơn 20km.
Các em học nội trú nên cuối tuần sẽ về nhà một lần. Con đường này có thể đi bằng xe máy, nhưng vào mùa mưa lối đi bằng đất chỉ rộng 1m khiến việc di chuyển rất khó khăn. Vì vậy, các em mất ít nhất khoảng 5 giờ để đi bộ về nhà qua những con dốc bùn trơn trượt.
Để đến trung tâm xã, học sinh phải đi qua con suối Nậm Chim rộng hơn 20 mét. Vào mùa khô, có một cây cầu tạm được xây dựng bằng gỗ, đá giúp đường đi thuận lợi hơn. Nhưng đến mùa mưa (từ tháng 6 -10), cây cầu tạm không thể trụ nổi khiến học sinh phải đi bằng bè hoặc chui túi nylon.
Chủ tịch UBND xã Na Sang nhấn mạnh, địa phương đã tuyên truyền nhiều về sự nguy hiểm khi qua suối bằng túi nylon "nhưng không còn cách nào khác vì các em nhỏ chưa biết bơi".
"Từ 6 năm trước, chúng tôi đã mơ ước một cây cầu được xây vững chắc nối liền bản và trung tâm xã và trong các buổi tiếp xúc cử tri, Đại biểu Quốc hội của tỉnh, huyện đều nói về vấn đề này nhưng chưa hề có tín hiệu cầu sẽ được xây.
Chúng tôi cũng dự định thi công một con đường mới nối bản vào trung tâm xã và các cấp chính quyền đã khảo sát nhưng thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất lớn vào kinh phí", ông A Phó nêu rõ.
Lãnh đạo UBND huyện Mường Chà cho biết thêm, việc làm cầu qua suối xã Na Sang sẽ mất khoảng 6 tỉ đồng nhưng muốn làm được cầu phải mất khoảng vài chục tỷ đồng để làm đoạn đường khoảng 20km, bởi không thể đưa vật liệu vào điểm này do chỉ đi được xe máy.