Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cả 3 trường hợp được xác định dương tính với test nhanh tại Hà Nội trong ngày 31/1, sau khi được xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR đã có kết quả âm tính - không mắc Covid-19.

Lý giải về trường hợp 3 bệnh nhân dương tính sau đó lại âm tính ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay: "Đây là điều rất bình thường vì xét nghiệm nhanh và Realtime RT-PCR là hai xét nghiệm khác nhau. Test nhanh là xét nghiệm tìm kháng thể dùng để sàng lọc nhanh các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao.

Tôi khẳng định test nhanh không phải là xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19. Xét nghiệm khẳng định phải được làm trong Labo (Realtime RT-PCR)".

Bộ kít xét nghiệm nhanh Hà Nội đang sử dụng được thực hiện nhằm mục đích sàng lọc nhanh đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Nếu kết quả test nhanh bệnh nhân dương tính sẽ được làm thêm xét nghiệm Realtime RT-PCR để khẳng định. Trường hợp bệnh nhân âm tính vẫn tiếp tục được theo dõi và cách ly.

PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Nguyên trưởng khoa Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, để chuẩn đoán các trường hợp mắc bệnh Covid-19 bằng cách sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR với bệnh phẩm đường hô hấp hoặc huyết thanh.

Đối với bộ kít xét nghiệm nhanh phát hiện Covid-19 hiện Hà Nội đang thực hiện, đây là xét nghiệm tìm kháng thể. Kháng thể được sinh ra khi con người nhiễm virus, nếu kháng thể trong cơ thể cao kết quả sẽ dương tính. Đối với các bệnh nhân dùng test nhanh có kết quả dương tính sẽ được làm thêm xét nghiệm Realtime RT-PCR để khẳng định.

Phó giám đốc CDC Hà Nội: 3 người test nhanh dương tính, xét nghiệm lại âm tính là chuyện bình thường - Ảnh 1.

Xét nghiệm test nhanh covid-19 không dùng để khẳng định mắc bệnh.

Xét nghiệm test nhanh kháng thể có thể xảy ra hiện tượng âm tính giả, nếu xét nghiệm thực hiện sớm khi kháng thể chưa đủ thì xét nghiệm sẽ âm tính. Hoặc dương tính giả khi nhiễm chéo virus hoặc bệnh nhân đã khỏi bệnh có kháng thể IgG.

"Kháng thể IgM sẽ sinh ra khi nhiễm virus ở đoạn sớm 3-5 ngày sau khi có triệu chứng và sau khi bị nhiễm virus 7 ngày sẽ xuất hiện kháng thể IgG", PGS. Luật nói.

Vị chuyên gia Hóa sinh này cũng cho biết thêm, xét nghiệm test nhanh kháng thể chỉ dùng để sàng lọc bệnh đối với nhóm có nguy cơ cao.

PGS. Luật cho hay: "Những nhóm nguy cơ cao mắc bệnh cần sàng lọc hiện nay là người từng tới khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai hoặc nhóm người thuộc F1,F2,F3. Test nhanh này sẽ không có giá trị khi thực hiện cho cả một cộng đồng rộng hơn 90 triệu dân".

Lý giả thêm về vấn đề xét nghiệm Realtime RT-PCR lại có sự chính xác để khẳng định mắc bệnh Covid-19, PGS Luật cho hay, xét nghiệm này là tìm kháng nguyên, kháng nguyên là một phần protein của con virus. Vì vậy dùng xét nghiệm này sẽ tìm ngay được virus khi bệnh nhân chưa có triệu chứng.

     

 - Ảnh 1.