Học sinh, phụ huynh chia sẻ, kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT hằng năm gây áp lực rất lớn, thậm chí áp lực hơn thi tuyển ĐH. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Hằng năm, số học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS của Hà Nội rất lớn (năm học 2023-2024 dự kiến thành phố có 129.210 học sinh). Hiện tại, Hà Nội có 118 trường THPT công lập đáp ứng được khoảng 72.000 em, 119 trường tư thục và trường công lập tự chủ đáp ứng được khoảng 30.000 em, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) và các trường nghề đáp ứng khoảng 30.000 em ở mỗi cấp học.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Không nên cho học thêm, dạy thêm quá nhiều - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang ôn tập nước rút, chuẩn bị tham gia kỳ thi đầu tháng 6 tới

Hà Nội lựa chọn tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường tư thục, công lập tự chủ và giáo dục thường xuyên theo phương thức xét tuyển và tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường công lập theo phương thức thi tuyển. Trong thực tế, đã là kỳ thi hay xét tuyển thì phải đảm bảo tính công bằng, tin cậy. Nếu cho đó là áp lực thì dù thi hay xét tuyển cũng khó thay đổi, cũng không hề giảm.

Năm nay, Hà Nội dự kiến chỉ tuyển 55,7% học sinh vào lớp 10 THPT công lập. Nhiều ý kiến cho rằng, cánh cửa vào trường công lập đang bị thu hẹp. Sở GD&ĐT lý giải về điều này ra sao?

Đề thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới được xây dựng trên cơ sở bám sát điều chỉnh tinh giản kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT. Nội dung kiến thức kiểm tra thuộc chương trình THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản, không nằm ngoài những kiến thức đã học.

Trên thực tế, số học sinh tuyển vào trường THPT công lập hàng năm đều tăng. Năm 2023-2024 dự kiến tuyển 72.000 em (tăng 4.554 học sinh so với năm học 2021-2022 và tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023).

Ngành đã và đang tham mưu với thành phố có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, đồng thời thực hiện nghiêm túc kế hoạch phân luồng sau THCS. Khi theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có thể học song song cả chương trình THPT và học nghề. Đây cũng là hướng đi tốt cho các học sinh mong muốn học nghề để sớm gia nhập thị trường lao động hoặc sớm thành thạo một nghề bên cạnh học văn hóa mà cha mẹ nên tìm hiểu sớm. Những năm qua, số lượng học sinh tham gia học nghề tăng (năm 2020-2021 có 15.408 em; năm học 2022- 2023 tăng hơn 2.000 em và năm học 2023-2024 dự kiến tăng 10.000 em).

Hà Nội có kế hoạch, giải pháp gì nhằm giảm áp lực cho học sinh khi phải lách khe cửa hẹp để giành suất học ở trường công?

Di dân và tăng dân số cơ học tập trung khu vực 12 quận và các huyện ven nội thành dẫn đến một số đơn vị đông dân cư nhưng thiếu trường, thiếu lớp.

Về Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở đang tham mưu xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo 3-5 vạn dân có 1 trường THPT. Riêng khối THPT 5 năm gần đây xây mới thêm 10 trường công lập. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đầu tư trên 25.000 tỷ đồng để cải tạo và xây thêm nhiều trường học, trong đó có 10 trường THPT công lập và 7 trường phổ thông có nhiều cấp học.

Đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, ông khuyên học sinh và phụ huynh nên lưu ý điều gì trong học tập và đặt các nguyện vọng, giảm rủi ro?

Hà Nội tạo thuận lợi nhất cho học sinh trong việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển tại các khu vực tuyển sinh. Cụ thể là, mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng dự tuyển vào ba trường THPT và đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên tại các trường chuyên; trường công lập tự chủ và trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX và các trường nghề...

Cuối tháng 5, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập để học sinh xác định được tỉ lệ chọi.

Sở GD&ĐT cũng rất quan tâm làm sao nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, phổ biến kỹ yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tránh gây áp lực không cần thiết cho con em khi mới bắt đầu học lớp 6. Đề nghị phụ huynh phối hợp chặt chẽ với nhà trường, nhất là với giáo viên chủ nhiệm để động viên, nhắc nhở kịp thời học sinh trong quá trình học tập đảm bảo học đủ kiến thức, kỹ năng; không gây áp lực quá mức cần thiết cho học sinh; không nên cho con em mình học thêm quá nhiều.

Các nhà trường đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị tốt cho học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó quan tâm đến việc phân loại học sinh, tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo cho những em sau khi các môn không thi tốt nghiệp và các em đã hoàn thành chương trình, giáo viên sẽ dạy thêm giờ, thêm tiết, tổ chức dạy phụ đạo không thu tiền cho học sinh lớp 9.

Cảm ơn ông.