Cuộc họp của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 27/3 ngoài những thông tin về tình hình dịch, những chỉ đạo điều hành, báo giới còn chú ý đến một chia sẻ bên lề của ông Vũ Đức Đam. Ông cho biết đã có y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai email, nhắn tin cho ông.
Ông bảo "khổ tâm lắm" vì có anh chị em không dám về chung cư vì tâm lý mọi người e ngại.
Sự e ngại ấy là có thật. Thậm chí xa lánh, kỳ thị cũng có thật, nhiều hay ít mà thôi. Sự thật đó là điều chúng ta cần đối mặt và thẳng thắn nói với dư luận lúc này để những ai đã hiểu thì tường tận hơn, ai chưa biết thì nay biết để vững tin niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ – những người lính ở tuyến đầu chống lại COVID-19, để chúng ta không làm tổn thương nhau một cách vô nghĩa.
Sự thật ấy là gì? Theo các thành viên BCĐ, dư luận đang gọi tên "ổ dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng thực chất là các ca xâm nhập từ bên ngoài, không phải lây nhiễm tại chỗ và chưa xảy ra lây nhiễm bệnh nhân – bác sĩ và ngược lại.
Việc ngăn chặn lây nhiễm ra nhân viên y tế đã được thực hiện ngay, gấp và thành công, cho đến lúc này. Hàng nghìn mẫu xét nghiệm đã được lấy và chưa phát hiện nhân viên y tế nào nhiễm virus. Bạch Mai ra thông báo khẩn để rà soát tất cả những ai từng đến thăm khám, điều trị ở đây từ 10/3. Chưa hề có sự rối loạn. Mọi thứ vẫn trong sự kiểm soát. Bác sĩ bình tĩnh.
TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì bảo rằng, nơi ông đang làm việc không ai bỡ ngỡ tí nào trước diễn biến được coi là phức tạp của dịch bệnh. Ngay từ đầu, từ trước Tết, Bạch Mai đã xây dựng nhiều kịch bản đối phó với dịch từ mức độ thấp cho đến những mức độ xấu nhất. Và họ xác định rõ khi mà dịch tễ đã lây từ cộng đồng ra thì y tế sẽ là đơn vị tổn thương đầu tiên:
"Tôi đã nhìn thấy bạn bè của tôi, đồng nghiệp của tôi, nhân viên của tôi, chưa một ai tỏ ra lo lắng sợ cái việc lây nhiễm truyền sang cho mình".
Nhưng bình tĩnh với công việc và sẵn sàng đối đầu với mọi khó khăn khác hẳn với cảm xúc ẩn sâu trong mỗi con người.
Một sự thật khác. Có bác sĩ làm việc ở khu riêng biệt, không thuộc diện cách ly bắt buộc, cũng không muốn về nhà. Những lời xầm xì cản trở họ về nấu bữa tối cho con. Và từ hôm phát hiện BN133, cộng đồng hẳn không ít người e ngại trước "người làm ở Bạch Mai". Và có người đã nhắn tin cho Phó Thủ tướng, nhưng không phải để kêu khổ.
Chị Tr. là nhân viên y tế của Khoa Thần kinh, là 1 trong 573 trường hợp phải cách ly ngay tại viện. Hôm 21/3 chị dẫn một bài thơ "Nếu một ngày mẹ phải cách ly". Và hôm 24/3, bệnh nhân thứ 133 ở Khoa Thần kinh được công bố. Chúng tôi hỏi thì chị bảo không lo lắng thiếu thốn gì cả, mọi thứ được chu cấp đầy đủ. Nhưng chị Tr. cảm nhận rõ cảm xúc, tâm lý con người qua những cuộc điện thoại, những gì hiện lên trên Facebook.
Tình hình Bệnh viện Bạch Mai giữa thời điểm này cho thấy một vấn đề mà ông Vũ Đức Đam và Ban Chỉ đạo đã sớm quan tâm ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Ấy là phải bảo vệ đội ngũ y bác sĩ – những chiến sĩ tiền tuyến. Phải làm mọi cách để bác sĩ không bị mắc bệnh, hoặc hạn chế mức thấp nhất có thể, để những trải nghiệm đau thương ở Bệnh viện Việt – Pháp thời đại dịch SARS không lặp lại. Vì thật đơn giản là: Bác sĩ mắc bệnh thì lấy ai cứu người?
Nhưng sự tổn thương ở tuyến đầu không chỉ là mắc bệnh hay không. Cách một số người nhìn vào Bạch Mai bây giờ cũng là một dạng tổn thương. Thậm chí, cách chúng ta gọi "ổ dịch Bạch Mai" cũng là một dạng tổn thương.
Bữa trưa của một tình nguyện viên chống dịch. Tranh phác họa: Châu Thị Ngọc Anh (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.
Bác sĩ Lê Tuấn Thành của Bạch Mai đã phải thốt lên rằng: "Bệnh viện nếu có ca bệnh trong mùa dịch, nên coi đó là CHIẾN TRƯỜNG, không nên là Ổ DỊCH. Nhân viên y tế chúng tôi sẵn sàng mọi tình huống xảy ra ở CHIẾN TRƯỜNG. Người dân không nên có thái độ kỳ thị nhân viên Y tế, chúng tôi là những người đang phải gồng gánh và căng thẳng chống dịch nhất.
Thậm chí ngay cả khi được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, chúng tôi vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong những tình huống khó tránh khỏi khi thăm khám, cấp cứu. Vô cùng nhiều kịch bản có thể xảy ra". Bác sĩ Thành cho rằng, bệnh viện lớn thì không thể tránh khỏi những F0 mất dấu khi đại dịch diễn ra.
Bảo vệ cho y bác sĩ và cho những người làm công tác chống dịch như quân đội, công an đến các cán bộ phường, an ninh sân bay, tài xế chở người cách ly… phải là nhiệm vụ được ưu tiên nhất. Khẩu trang, thiết bị bảo hộ phải đầy đủ cho nhân viên y tế, phải ưu tiên trước hết. Và chúng tôi tin rằng, sẽ không có sự so bì nào ở đây.
"Chăm lo, tử tế với các y bác sĩ không chỉ là nghĩa tình đâu các đồng chí ạ, đó còn là trách nhiệm của chúng ta", Phó Thủ tướng tâm sự giữa cuộc họp.
Giấc ngủ của một bác sĩ tham gia chống dịch. Tranh phác họa: Châu Thị Ngọc Anh
Ông Vũ Đức Đam cũng là người đưa ra ý tưởng sử dụng khách sạn làm nơi cách ly riêng cho đội ngũ nhân viên y tế, tương tự như việc dùng khách sạn làm nơi cách ly riêng cho các tổ bay. Với các khu cách ly tập trung dân sự cũng phải dành chỗ tốt nhất cho các lực lượng chống dịch chẳng may thuộc diện phải cách ly.
Tư duy rất đơn giản là "phải lo tốt cho anh em" minh họa sự coi trọng đặc biệt của tất cả các thành viên Ban Chỉ đạo với đội ngũ y bác sĩ nói riêng và các cán bộ chống dịch nói chung.
Họ - những chiến sĩ ở tuyến đầu cuộc chiến – chẳng may "bị thương" là những người cần được chữa khỏi sớm nhất, hồi phục nhanh nhất và với tinh thần tốt nhất để trở lại chiến trường.