Dư luận vẫn đang xôn xao trước thông tin bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo sử dụng bằng giả để thăng tiến.

Được biết, nữ trưởng phòng xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu, sau đó "mượn" bằng tốt nghiệp THPT của chị gái đi học lên kế toán. Sau một thời gian ở Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Sa giả này (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) đã được điều qua làm kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, rồi lên chức Trưởng phòng Quản trị.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Đắk Lắk: Nữ trưởng phòng dùng bằng cấp 3 của chị gái là người có chí, loại trừ khả năng nâng đỡ - Ảnh 1.

Nữ cán bộ dùng bằng của chị ruột để thăng tiến gây xôn xao dư luận.

Trước thông tin gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến cho rằng quy trình giới thệu, thẩm tra, xác minh kết nạp Đảng cho bà Thảo có vấn đề nên mới để xảy ra câu chuyện bất ngờ này. Đồng thời, dư luận bày tỏ các cơ quan liên quan cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Từ những ý kiến trên, chiều ngày 5/10 PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Y Khút Niê, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Thưa đại biểu, thông tin bà Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Quản Trị, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo sử dụng bằng giả để thăng tiến đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đại biểu nhìn nhận thế nào về sự việc này? 

Sáng nay tôi có gọi điện trao đổi với ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Trước đó ban Tỉnh uỷ cũng đã nắm được các đơn kiện, nặc danh về bà Thảo từ hồi tháng 8 và ông Hải đã chỉ đạo rà soát, xác minh. Ngày 3-4/10 vừa qua, sự việc mới rộ trên mạng xã hội nêu đích danh bà Thảo. Thật sự, từ trước đến nay cá nhân tôi không biết bà này tên Thảo, mà chỉ biết tên là Sa. Vì thường họp ở Tỉnh uỷ, nên đi họp là hay gặp nhau.

Công tác trong Tỉnh ủy, đại biểu có biết đến bà Trần Thị Ngọc Thảo? Quan hệ với đồng nghiệp trong quá trình công tác của bà Thảo như thế nào?

Bà Thảo có ngoại hình xinh xắn, có duyên, làm việc nhanh nhẹn, hoạt bát. Đồng thời, bà Thảo cũng chịu khó đi học.

Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không sự nâng đỡ không trong sáng đối với trường hợp của bà Thảo? Đại biểu nghĩ gì về câu hỏi này?

Tôi không dám nói về điều này, nhưng tôi loại trừ khả năng nâng đỡ. Bởi, bà Thảo có học thật, duy chỉ có lừa dối không có bằng cấp 3, nhưng bà Thảo có đi học trung cấp kế toán, đi học thêm vừa học vừa làm lên đại học, rồi học lên thạc sĩ… cũng là người có chí.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Đắk Lắk: Nữ trưởng phòng dùng bằng cấp 3 của chị gái là người có chí, loại trừ khả năng nâng đỡ - Ảnh 2.

ĐBQH Y Khút Niê trao đổi với PV báo Người Đưa Tin chiều ngày 5/10.

Nếu không có vấn đề gì thì việc đề bạt làm việc của bà Thảo tương đối tốt. Nhưng, ở đây lại có một sự gian dối từ tâm. Trong lời khai ở tờ đơn tường trình, bà Thảo có khai năm 1999 bà bắt đầu vào Đắk Lắk xin việc làm, lúc đầu làm việc ở Xí nghiệp Chế biến cà phê của công ty Xuất nhập khẩu 2 tháng 9.

Lúc này, bà Thảo chỉ có bằng cấp 2, nhưng quá trình xét tuyển phía công ty này đòi hỏi phải có bằng cấp 3. Do đó, bà Thảo đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa để xin vào làm việc. Sau này, bà Thảo tiếp tục sử dụng bằng cấp 3 của chị gái đi học kế toán. Từ năm 2005 – 2009, bà Thảo làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Quá trình công tác thấy bà Thảo cũng có ý chí tiến thủ, chịu khó học. Nhưng, quả thật cả một thời gian dài không ai phát hiện ra bất thường.

Nghe audio: Phó trưởng đoàn ĐBQH Đắk Lắk thông tin về nữ trưởng phòng dùng bằng cấp 3 của chị gái

Để xảy ra sự việc hy hữu này, có ý kiến cho rằng quy trình bổ nhiệm, cũng như quy trình xác minh lý lịch Đảng có vấn đề. Vậy trách nhiệm cũng như việc xử lý phải được tiến hành thế nào thưa đại biểu?

Quan điểm của tôi cũng rất đồng tình với quan điểm của Tỉnh uỷ, rà soát, xét lại cho đúng tinh thần sai đến đâu xử lý đến đó. Phải xử lý thật nghiêm minh, trường hợp này không phải thuộc diện sơ suất mà là cố tình lừa dối, lừa dối cả bản thân và lừa dối tổ chức. Trong quá trình làm phải xử lý từng bước, đúng quy trình.

Về quan điểm xử lý vụ việc của tỉnh, chủ trương là sẽ kiểm tra từ người giới thiệu bà Thảo vào Đảng, cho đến nơi thẩm tra, xác minh lý lịch bà Thảo vào Đảng.

Đây là sự việc hy hữu và quá đáng tiếc, ngoài việc kiểm tra toàn bộ người giới thiệu vào Đảng, người xác minh lý lịch. Theo tôi, có thể ngay người chồng của bà Thảo cũng cần phải kiểm tra lại. Xem thử chồng có biết tên thật của bà Thảo hay không hay cũng chỉ biết tên là Sa, cần làm rõ chỗ này. Nếu chồng biết được sự thật thì chồng cũng cần có trách nhiệm khuyên vợ khai đúng tên tuổi. Bởi, khi phát hiện ra như thế này làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức.

Về quy trình bổ nhiệm, cũng như quy trình xác minh lý lịch Đảng thì đây là bài học sâu sắc, kinh nghiệm cho tổ chức Đảng khi đi thẩm tra lý lịch, phải đi trực tiếp chứ không thể gửi hồ sơ về địa phương là xong.

Tôi cho rằng nên xử lý ở mức cao nhất, không thể chỉ xử lý cho kiểm điểm, bởi việc này thể hiện sự gian dối, không trung thực và không thể chấp nhận được. Xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trưa ngày 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với báo chí. Theo đó, sau khi nhận được đơn tố cáo nặc danh về việc bà Thảo dùng bằng của chị để công tác, Ban tổ chức Tỉnh ủy đã giao cho phòng Bảo vệ chính trị nội bộ xác minh sự việc.

Quá trình xác minh, bà Thảo đã thừa nhận toàn bộ sai phạm của mình. Ngoài việc dùng bằng cấp của chị, trong lý lịch của mình bà Thảo khai gia đình chỉ có 11 anh chị em và không có ai tên Trần Thị Ngọc Thảo.

Cũng theo ông Hải, bà Thảo đã có đơn xin thôi việc gửi Văn phòng Tỉnh ủy. Trong đơn, bà Thảo cho rằng, do điều kiện khó khăn, tuổi đời còn trẻ nên nhận thức chưa đầy đủ. Việc dùng bằng cấp của chị chỉ nhằm mục đích kiếm một công việc để sinh sống. Bà Thảo đã nhận thấy việc làm trên là hoàn toàn sai trái và sẽ chấp nhận mọi hình thức kỷ luật.

Ông Hải thừa nhận quy trình xem xét kết nạp đảng đối với bà Thảo có sự sai sót và việc xử lý sai phạm của bà Thảo phải được thực hiện theo đúng quy định.