Trong khi các kiến thức ngày nay dựa trên sự hiểu biết khoa học mới thì trong lịch sử, niềm tin bị ảnh hưởng bởi những biến động trong nền kinh tế và xã hội.
Vào những năm 1850, sau cách mạng công nghiệp với sự tập trung vào sử dụng máy móc thay vì bàn tay con người, các nhà máy đã ra đời và một người tên là Luther Emmet Holt cũng xuất hiện.
Holt là một bác sĩ nhi người Mỹ, người đã xuất bản cuốn sách The Care and Feeding of Children (Tạm dịch: Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ) năm 1984. Holt chủ trương tất cả trẻ sơ sinh cần phải được đối xử như nhau, cho ăn vào thời điểm cụ thể, cho ngủ vào thời điểm cụ thể và không được ôm ấp gần gũi cha mẹ. Holt tin rằng cách tiếp cận nghiêm khắc này là tốt nhất cho tính cách tương lai của trẻ. Các lý thuyết của Holt vẫn phổ biến trong nhiều năm.
Năm 1928, 10 năm sau kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, nhà tâm lý học người Mỹ John B Watson đã xuất hiện và trở thành một trong những chuyên gia chăm sóc trẻ em lỗi lạc nhất thời bấy giờ. Watson đã tham gia vào quân đội và đưa ra các chiến lược đối phó trong chiến tranh để giúp chính phủ kiểm soát kẻ thù thông qua sức mạnh tâm lý. Công việc của ông trong chiến tranh đã ảnh hưởng rất nhiều tới lý thuyết nuôi dạy con cái. Và cuốn sách Psychological Care of Infant and Child (Tạm dịch: Chăm sóc tâm lý cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) tập trung nhiều vào việc kiểm soát trẻ em.
Các bà mẹ được cho là nên rũ bỏ bản năng ôm ấp con mà chỉ nên bắt tay. Ông rất nổi tiếng với một câu trích dẫn của mình là: "Nếu phải thể hiện tình cảm, hãy hôn lên trán con một lần rồi chúc con ngủ ngon. Bạn sẽ sớm phải xấu hổ hoặc nuối tiếc nếu quá tình cảm với con mình".
Holt thì chủ trương nên để trẻ nhỏ khóc hơn là phản hồi để chúng không học cách thao túng cha mẹ. Còn Watson thì tham gia và việc khiến cha mẹ giảm bớt thời gian dành cho con cái mình, thay vào đó làm việc chăm chỉ hơn để xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Chiến tranh thế giới thứ 2 chứng kiến sự thay đổi lớn tiếp theo trong hệ tư tưởng chăm sóc trẻ nhỏ. Nhà tâm lý học người Anh John Bowlby là một trong những người quan tâm tới những đứa trẻ mồ côi, nhập viện hoặc gặp chấn thương trong chiến tranh. Vào thời điểm đó, những đứa trẻ nằm viện bị cấm không được có người đến thăm, kể cả cha mẹ ruột.
Bowlby nhận thấy rằng những đứa trẻ phải chịu đựng một cách khắc nghiệt những gì mà ông gọi là "tình trạng thiếu thốn tình cảm của mẹ". Điều này đã thúc đẩy công trình nghiên cứu của ông về Lý thuyết gắn bó, với ý tưởng rằng trẻ em cần được tiếp cận một cách tự do với người chăm sóc chính (thường là mẹ).
Ý tưởng này của Bowlby còn được phát triển thêm bởi cả Harry Harlow, người đã chỉ ra không chỉ con người cần tình cảm và sự gần gũi để tồn tại và phát triển mà cả các con vật, trong đó có khỉ. Lúc đó, Mary Ainswrorth là người đã phát triển một phương pháp để kiểm tra sự gắn bó vẫn còn được sử dụng tới ngày nay và Donald Winnicott, một bác sĩ nhi khoa người Anh cũng đã nỗ lực truyền thông rộng rãi về tầm quan trọng của tình yêu thương và tình cảm của một người mẹ trong những năm đầu đời.
Tình thế đã thay đổi
Những lý thuyết lấy trẻ em làm trung tâm này đã va chạm với những niềm tin cũ của những người mẹ thập niên 1950, những người phụ nữ ở nhà, chăm sóc con cái và quán xuyến mọi thứ để chồng ra ngoài đi làm.
Một bác sĩ nổi tiếng khác, Tiến sĩ Benjamin Spock cũng ủng hộ cho ý tưởng phụ nữ nên ở nhà với con cái của họ. Cuốn sách Baby and Childcare (Tạm dịch: Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) năm 1946 mà ông viết là cuốn sách chăm sóc trẻ em bán chạy nhất mọi thời đại.
Phụ nữ được mong đợi là phải tuân theo các nguyên tắc và ít được làm việc bên ngoài và trong thực tế trong những năm 1940 và 50, chỉ có 34% phụ nữ đi làm bên ngoài. Nam giới là người giám sát tài khoản ngân hàng, các giấy tờ pháp lý và chi tiêu trong nhà trong khi phụ nữ nấu cơm, dọn dẹp và chăm sóc con cái.
Vào những năm 1970, 52% phụ nữ đã quay trở lại nơi làm việc, một phần là do sự tập trung mạnh mẽ vào quyền của phụ nữ. Công việc của Spock trở nên không hợp thời khi gia đình đã trở nên đa dạng hơn.
Đến năm 1980, phụ nữ đi làm chiếm 75%, cũng là thập kỷ nổi tiếng của Thatcher, chủ nghĩa thương mại… Cuối những năm 1980, gần 65% phụ nữ đi làm và xu hướng này tiếp tục kéo dài tới những năm 1990. Cùng với nó, cách nuôi dạy trẻ độc đoán, áp đặt quay lại.
Năm 1999, cô bảo mẫu không con Gina Ford đã xuất bản cuốn sách The Contented Little Baby Book (Tạm dịch: Kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ) bán chạy với doanh thu hàng triệu USD. Ford ủng hộ các thói quen chặt chẽ, khắc nghiệt, thậm chí để trẻ khóc để tự ngủ suốt đêm. Không khó hiểu, có một sự giao thoa lớn giữa lời khuyên của Ford và nhu cầu bớt bận tâm tới trẻ để cha mẹ ra ngoài làm việc. Mặc dù vậy, những ý tưởng của Ford đã bị các cơ quan chuyên môn tấn công phần lớn vì không đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
Bước sang thế kỷ XXI và cụ thể là trong 10 năm qua, mô hình gia đình lại chứng kiến sự thay đổi. Một lần nữa, các bậc cha mẹ đang chuyển sang nuôi dạy trẻ nhân ái hơn, tương tự như những năm 1940 và 50. Động lực đằng sau điều này không còn là vì những biến động của xã hội và kinh tế, mà vì sự phát triển của khoa học và khả năng chứng minh tác động của việc chăm sóc, thông qua chụp quét thần kinh và các thí nghiệm tâm lý phức tạp hơn bao giờ hết. Ví dụ năm 2012, nghiên cứu đã chỉ ra phương pháp Khóc có kiểm soát của Gina Ford không khiến trẻ thoả mãn hài lòng mà ngược lại, khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ, nhưng lại không thể thông báo nỗi đau khổ này với cha mẹ bằng cách nào khác, ngoài khóc.
Giờ đây, khoảng 70% phụ nữ đang ra ngoài làm việc và cần phải có sự cân bằng. Quyền chăm sóc trẻ em cũng như các quyền gia đình đang được cải thiện với sự ra đời của chế độ nghỉ phép cho người cha và chia sẻ giữa cha và mẹ. Chẳng hạn như ở Bắc Âu và ở Nauy (nơi mình đang sống), cha và mẹ có thể đổi vai cho nhau, mẹ đi làm thì chồng nghỉ thai sản ở nhà trông con và ngược lại.
Chúng ta ngày nay đã biết rằng kinh tế là quan trọng, cũng như khả năng làm việc của nam giới và phụ nữ là ngang nhau. Chúng ta biết rằng làm cha mẹ là quan trọng và nuôi dạy con cái lại càng quan trọng hơn. Còn rất nhiều việc khác phải làm nữa nhưng hi vọng ở thời đại này, chúng ta sẽ đạt được điểm cân bằng về nhu cầu của tất cả mọi đối tượng và có thể duy trì ở đó.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".
Theo Linh Phan, làm cha mẹ là quá trình bố mẹ trưởng thành và thay đổi để hoàn thiện hơn. Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.