Câu chuyện bắt đầu từ bài đăng trên mạng xã hội của chủ một phòng gym tại Incheon (Hàn Quốc), thu hút sự chú ý của chương trình 'Sự kiện Ban ngày' của đài JTBC. Người xem chương trình đã gửi về chương trình câu chuyện này với nội dung "Có thể hiểu được phần nào khó khăn của chủ phòng gym khi phải đăng tải những dòng như vậy, nhưng việc phân biệt đối xử với khách hàng dựa trên giới tính và độ tuổi là điều không thể chấp nhận được".
Tâm điểm của sự việc là tấm biển thông báo được dán tại phòng tập với nội dung "cấm cửa ajuma (các bà thím)" một cách thẳng thừng. Bên dưới dòng chữ “cấm cửa” in đậm là 8 tiêu chí để phân biệt "các bà thím" với những người phụ nữ khác.
Chủ phòng gym cho biết 8 tiêu chí này bao gồm: (1) lúc nào cũng đòi phải miễn phí; (2) luôn bị người khác phàn nàn mà không hiểu lý do; (3) chiếm ghế ưu tiên trên các phương tiện giao thông công cộng; (4) đến quán cà phê chỉ gọi một cốc rồi xin thêm cốc khác; (5) vứt rác bừa bãi trong nhà vệ sinh công cộng; (6) tiết kiệm tiền của mình nhưng lại phung phí của người khác; (7) trí nhớ và khả năng phán đoán kém nên thường xuyên lặp đi lặp lại một câu chuyện; và cuối cùng là (8) khi bị ngã thì chỉ có thần linh mới giúp họ.
Giải thích về quyết định gây tranh cãi, chủ phòng gym cho biết anh phải làm vậy vì các "bà thím" đã gây ra quá nhiều phiền toái. "Họ thường mang theo cả giỏ quần áo đến phòng tập, dùng nước nóng để giặt giũ trong 1-2 tiếng đồng hồ khiến hóa đơn tiền nước tăng gấp đôi. Họ còn có những lời lẽ khiếm nhã mang tính quấy rối tình dục với các hội viên nữ trẻ tuổi như 'Trông cô thế này chắc mắn đẻ lắm đó'", vị chủ phòng gym phân trần.
Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là trên kênh YouTube 'JTBC News', nơi đăng tải chương trình 'Sự kiện Ban ngày'. Đáng ngạc nhiên là rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng tình với hành động của chủ phòng gym. "Tôi hoàn toàn hiểu cho chủ phòng gym. Chuyện khăn tắm bị mất là thường ngày ở huyện. Các lớp học như GX hay Spinning bị hủy bỏ là vì đâu? Vì chúng không mang lại lợi nhuận, trong khi đó các bà thím lại thường xuyên tranh giành chỗ tập, cãi vã, khiếu nại. Đến phòng tập là để rèn luyện sức khỏe chứ không phải để buôn chuyện”.
Một người dùng mạng xã hội khác chia sẻ: "Tôi hiểu 100%, thậm chí là 200%. Họ đặt đồ lên máy chạy bộ để giữ chỗ rồi bỏ đi nói chuyện ở nơi khác. Khi người khác muốn sử dụng thiết bị thì họ sẽ hét lên. Họ bật nhạc phim truyền hình hoặc nhạc trữ tình trên điện thoại với âm lượng lớn khi đang đạp xe, rồi túm năm tụm ba trên thảm tập để ăn uống, nhuộm tóc, giặt giũ, sấy tóc, thậm chí là cả... làm móng. Tôi cho rằng chủ phòng gym và quản lý làm như vậy là đúng lắm”.
Bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến phản đối cách hành xử của chủ phòng tập. "Thay vì cấm cửa 'các bà thím', tại sao họ không ghi là 'cấm cửa khách hàng thiếu ý thức'? Khách hàng thiếu ý thức nào mà chẳng có, đâu phải chỉ có 'các bà thím'".