Kinh doanh trên "nỗi sợ" của người bệnh
Tâm lý khi mắc các bệnh tế nhị, khó nói như bệnh phụ khoa hay nam khoa..., một số người sẽ thường lựa chọn tới các phòng khám tư để thăm khám, điều trị bởi họ cho rằng các cơ sở y tế ngoài công lập có tính bảo mật cao hơn, riêng tư hơn và nhanh chóng hơn ở các bệnh viện công. Lợi dụng tâm lý đó, một số nhân viên y tế tại các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn Hà Nội đã "vẽ bệnh", moi tiền với chi phí lên tới hàng chục triệu đồng.
Lời mời chào bắt đầu bằng sự hù dọa với đủ loại bệnh xã hội, tiếp đến sẽ chung một chiêu thức: Tất cả đều phải cắt bao quy đầu.
Mọi chiêu trò được đưa ra để lôi kéo người bệnh ở lại, kể cả là hạ thấp đối thủ. Mật ngọt chết ruồi, người bệnh lập tức "dính bẫy".
Giá công khai một đằng nhưng giá thực tế một nẻo. Chỉ khi nhìn bảng kê, người bệnh mới nhận ra tổng số tiền mình đóng cao hơn hẳn lời quảng cáo ban đầu.
Không dễ gì được tiếp cận bảng giá tại các phòng khám tư hoặc nếu có thì đặt ở những những chỗ chẳng ai hay dù theo quy định, giá phải công khai và để ở nơi dễ nhìn, dễ thấy.
Chấp nhận giá cao để được dịch vụ tốt thì đã đành. Đằng này chẳng có bệnh cũng bị phù phép với những kết quả xét nghiệm không tưởng. Chưa từng quan hệ tình dục nhưng một nam thanh niên nhanh chóng được bác sĩ tại phòng khám tư chẩn đoán bệnh lậu mãn tính. Kết quả khám lại ngay sau đó tại một bệnh viện tuyến trung ương thì hoàn toàn trái ngược.
Chấp nhận bỏ ra chi phí hơn 30 triệu đồng, một người đàn ông khác chọn gói cắt bao quy đầu chất lượng cao, kỹ thuật tốt nhưng thực tế chỉ là vết khâu thông thường. Sau 1 tháng điều trị, vết thương vẫn chưa lành.
Nhẹ dạ cả tin với những lời quảng cáo như rót mật vào tai để rồi bỗng chốc từ bệnh nhân trở thành nạn nhân.
Quy định về khám chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài công lập
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh và gia đình bệnh nhân được biết. Như vậy, giá dịch vụ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân do chính cơ sở khám chữa bệnh tư nhân quyết định và chịu sự quản lý, giám sát của Sở Y tế. Bên cạnh đó, các cơ sở này phải hoạt động đúng chức năng theo giấy phép hoạt động đã đăng ký, đồng thời công khai danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Với các trường hợp các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân không công khai bảng giá dịch vụ thăm khám, làm các xét nghiệm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Theo các chuyên gia, do chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên nhiều phòng khám tư sẵn sàng nộp phạt, để sau đó dễ dàng thu hồi tổn thất từ chính người bệnh thông qua các chiêu thức "vẽ" thêm bệnh và dịch vụ y tế.
Tiền mất, tật mang
Dù đã có nhiều cảnh báo về những mánh khóe "vẽ bệnh, moi tiền" của một số phòng khám tư nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Chiêu thức không mới nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, dẫn dụ bệnh nhân chốt giá ngay trên bàn mổ với những gói điều trị "nâng theo cấp độ". Không ít bệnh nhân phải chấp nhận bỏ ra số tiền cao gấp cả chục lần so với mốc tư vấn ban đầu.
Lỡ quan hệ với "đối tác" lạ nên một thanh niên bèn tìm đến phòng khám tư. Ngại đến bệnh viện vì chuyện tế nhị nhưng cái giá phải trả còn đáng ngại hơn.
May mắn là có tiền để chi trả chứ trót thiếu tiền thì lại phải xoay sở tìm "trợ giúp từ người thân", cũng bởi những thương vụ "hời" thường được nhân viên y tế "chốt" ngay trên bàn mổ. Đâm lao thì phải theo lao nên dù bất kể con số nào, người bệnh cũng phải chấp nhận.
Tiền mất thì có thể kiếm được nhưng có những thứ mất đi thì khó có cơ hội lấy lại mà chỉ còn sự hối hận muộn màng.
Lỗ hổng quản lý phòng khám tư nhân
Đúng là chẳng ai muốn rơi vào tình cảnh như vậy vừa mất tiền nhưng tật lại mang. Cũng chỉ vì muốn nhanh, gọn, lẹ nên nghĩ các phòng khám đa khoa là nơi riêng tư. Thực tế, những cơ sở y tế ngoài công lập đóng vai trò rất lớn trong việc chia sẻ gánh nặng quá tải với y tế công lập trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thế nhưng, nếu các phòng khám đa khoa không đầu tư vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thì bệnh nhân "sẽ một đi không trở lại", nhất là khi việc chịu trách nhiệm lại chính là cơ sở đó.
Chưa kể, công tác quản lý chất lượng khám chữa bệnh cũng là bài toán nan giải cho các địa phương. Do đó, người dân cẩn cẩn trọng tìm hiểu kỹ các dịch vụ y tế trước khi đến để tránh rủi ro.
Đi hết nơi này đến nơi khác nhưng một thanh niên vẫn phải vào viện để "chữa cháy" do bị nhiễm trùng toàn bộ vùng bao quy đầu khi điều trị tại một phòng khám tư. Với slogan in trên bao bì của phòng khám là "Sức khỏe của bạn - trách nhiệm của chúng tôi" nhưng khi gặp vẫn đề thì người bệnh vẫn bị bỏ lại phía sau.
Tại Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân đến khám các vấn đề về nam khoa, trong đó gần 50% là các ca biến chứng từ các phòng khám tư. Ắt cũng là dễ hiểu. Hà Nội có hơn 4.000 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, 165 phòng khám đa khoa. Khi các cơ sở y tế tư mọc lên như nấm thì cũng là lúc việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Dĩ nhiên, phải được cấp phép thì các cơ sở y tế ngoài công lập mới được hoạt động. Thế nhưng, làm thế nào để đánh giá được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chính xác, khách quan và liên tục thì không phải là dễ. Cần phải có những giải pháp kịp thời nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các phòng khám đa khoa để hạn chế tối đa những " rủi ro" cho người bệnh, cũng là cách để tránh hậu quả câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng".