Tử vong có thể do hội chứng trào ngược
Theo thông tin từ khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, sáng ngày 17/3 một bé gái 10 tháng tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội), được đưa vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim. Dù đội ngũ y bác sĩ của khoa đã đặt nội khí quản, nỗ lực cấp cứu nhưng không kịp. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên là do mẹ không cho bé bú bình đúng cách.
Theo BS Nguyễn Thành Nam, nhiều khả năng bé gái này bị trào ngược trong khi nằm ngủ. Đây là bệnh lý có thể gặp ở trẻ nhỏ. Bé được mẹ cho ăn no, khi đó hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện có thể gây trào ngược sữa gây ngạt thở nhưng không được phát hiện kịp thời. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trước đây đã gặp những trường hợp trẻ nhỏ bị hội chứng trào ngược nhưng chưa có ca nào tử vong.
Theo lời kể người nhà trước đó bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ. Sáng 17/3 bé được mẹ cho nằm bú bình (vừa bú, vừa ngủ). Sau đó, mẹ bé dậy đi làm việc vặt trong nhà. Vài giờ sau, mẹ bé đi nấu cháo cho con ăn rồi đi đánh thức con dậy thì thấy toàn thân con tím tái. Chị vội vàng đưa con đi cấp cứu nhưng không kịp.
ThS. Bs Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện Thanh Nhàn, phân tích thêm: trào ngược dạ dày thực quản sinh lý xảy ra do trẻ ăn quá no, nuốt hơi nhiều trong khi bú. Trong trường hợp này, trẻ sẽ trớ ngay sau bữa ăn hoặc lúc đang bú, số lần bị rất ít, thoáng qua hoặc mỗi ngày một lần.
Bản thân chứng trào ngược sinh lý không nguy hiểm nhưng có thể gây sặc và dẫn đến tử vong do tắc đường thở, cần được cấp cứu nhanh.
Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày thực quản có thể lại gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu trẻ không được điều trị sớm. Dịch dạ dày có axít nên lâu ngày sẽ gây loét niêm mạc thực quản, dẫn đến hẹp thực quản. Từ đó, trẻ sẽ bú khó, nuốt đau và ngày càng nôn nhiều hơn. Đến lúc trẻ ọc sữa hoặc thức ăn qua đường mũi thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Nếu trào ngược xảy ra trong lúc trẻ ngủ nằm đầu thấp, không được phát hiện kịp thời cũng dẫn đến tử vong do tắc thở.
Vì vậy, trẻ bị trào ngược cần được đi khám sớm. Nếu được điều trị trước 12 tháng tuổi, cơ vòng thực quản sẽ co bóp trở lại như trẻ bình thường. Sau thời điểm này, khả năng khỏi bệnh rất thấp, trẻ dinh dưỡng không đủ nên chậm phát triển, đề kháng kém và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Một số cách chăm trẻ để tránh trào ngược thực quản dạ dày
Bs Huệ lưu ý, để tránh các trường hợp trào ngược thực quản dạ dày các mẹ không nên ép trẻ ăn nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết, thậm chí ngay cả khi cho con bú bình cũng phải đúng cách. Đối với trẻ nhỏ chưa ăn to được chúng ta phải xay nhiễm cho trẻ ăn.
Tư thế lúc bú cho trẻ bú bên vú trái trước, sau đó là vú phải. Không để trẻ khóc khi bú để tránh nuốt hơi gây căng dạ dày.
Cho con bú bình đúng cách là phải để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú.
Lưu ý các bà mẹ không nên để trẻ nằm bú vì tư thế này khiến trẻ rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa giỡn, tâng bồng lên xuống.
Nếu trẻ quấy khóc thì ngừng cho trẻ ăn hoặc bú vì trẻ rất có thể bị sặc.
Tuyệt đối không để bé bú bình một mình và bỏ đi để chúng tự xoay xở. Sữa chảy quá nhanh sẽ khiến trẻ sặc sữa và hít dung dịch này vào phổi và có thể gây ngạt.
Đối với các mẹ nhất là những mẹ lần đầu tiên làm mẹ cần lưu ý không nên nằm cho con ngậm đầu vú, vừa bú vừa ngủ. Vì như vậy ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, hình thành thói quen xấu cho con khi bú.
Nguy hiểm hơn là lúc mẹ nằm, bầu vú ép lên mũi con dễ làm trẻ ngạt thở gây tử vong. Hoặc nếu sữa mẹ nhiều khi vì mệt mỏi các mẹ có thể ngủ quên sẽ dẫn đến sữa về nhiều dẫn đến trẻ bị sặc và nguy hiểm đến tính mạng .
Trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên chăm sóc, theo dõi trẻ chu đáo không nên để trẻ ngủ một mình, cho trẻ nằm tư thế đầu cao hơn người 30 độ.