Phòng phản vệ nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, chuyên gia kiến nghị tiêm giảm liều - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Hai học sinh tử vong sau tiêm vắc xin phòng Covid-19

Tối 28/11, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) Nguyễn Viết Bình xác nhận thông tin trên địa bàn có một học sinh tử vong sau tiêm vắc xin Covid- 19 một ngày.

Học sinh này được tiêm theo kế hoạch vào lúc 8h14 ngày 27/11 với loại vắc xin Pfize, quá trình tiêm được thực hiện theo đúng quy trình. Đến sáng 28/11, cháu có biểu hiện sốt, gia đình đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, sau đó cháu được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Cháu mất lúc 10h sáng nay.

Theo ông Bình, hiện cơ quan chức năng đang điều tra và sẽ có kết luận nguyên nhân tử vong.

Bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết đã trao đổi với Hà Nội về vụ việc này và phía Hà Nội cho biết đang điều tra nguyên nhân.

"Dự kiến ngày mai Hà Nội họp hội đồng chuyên môn để xem xét vụ việc này", bà Hồng cho biết thêm.

Trước đó, vào chiều 28/11, 1 trong 4 em học sinh ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) bị sốc phản vệ khi tiêm vắc xin Pfizer đã tử vong sau ba ngày cấp cứu.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang nguyên nhân tử vong của nam sinh 16 tuổi bước đầu được xác định là "cơ thể phản ứng quá mức với vắc xin". Trước đó, em được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cùng với một nữ sinh bằng tuổi, cũng bị phản vệ nặng sau khi tiêm vắc xin Pfizer hôm 24/11 tại huyện Sơn Động. Hai em còn lại gặp tình trạng ít nguy hiểm hơn được điều trị ở địa phương.

Các em là những trường hợp bị phản vệ khi 700 học sinh được tiêm vắc xin Pfizer tại điểm tiêm chủng lưu động trường THPT Sơn Động số 2 và trường Phổ thông dân tộc nội trú, huyện Sơn Động.

Sau khi tiêm 15-30 phút, 4 em có triệu chứng phản vệ. Trong đó 2 em bị nặng: choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái, nhịp tim chậm, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy máu) dưới 90%. Ngay khi tiếp nhận 2 em, Bệnh viện Bạch Mai đã can thiệp ECMO (thiết bị hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp), tập trung cứu chữa nhằm cải thiện chức năng tim phổi...

Đến nay, gần 30 tỉnh thành đã tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ 12-17 tuổi, với hơn 2 triệu liều, hơn 23,1% trẻ đã tiêm ít nhất một liều. Bộ Y tế đánh giá công tác tiêm chủng ở các nơi khác diễn ra an toàn. Phản ứng thường gặp nhất ở trẻ sau tiêm là sốt nhẹ, đau vết tiêm, đau cơ, đau cánh tay...

Kiến nghị tiêm giảm liều

Trước những ca sốc phản vệ liên tiếp với trẻ sau tiêm, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng. Không phản đối việc tiêm chủng nhưng tất cả các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình được an toàn sau khi tiêm.

Trao đổi với phóng viên, TS. Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, Bộ Y tế cần đánh giá kỹ các trường hợp gặp biến cố nặng vừa xảy ra, nghiên cứu giảm liều vắc xin, cung cấp thêm lựa chọn vắc xin ngoài loại mRNA cho phụ huynh được lựa chọn tiêm cho trẻ.

Bởi theo TS Bùi Lê Minh, liều lượng là yếu tố quan trọng để cân bằng giữa tác dụng chính của thuốc và các tác dụng phụ nếu có.

Liều thường được quy ra theo lượng thuốc trên đơn vị trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, vắc xin có phần khác với thuốc điều trị là người ta quan tâm tới hiệu quả đáp ứng miễn dịch hơn chỉ với một lượng vắc xin rất nhỏ, nên tác dụng của vắc xin hầu như không phụ thuộc gì vào trọng lượng cơ thể.

“Đối với trẻ em cũng vậy, thông thường thì liều người lớn hay trẻ em cũng có thể dùng chung. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, là khi các nguy cơ dẫn tới các tác dụng phụ do đáp ứng miễn dịch không mong muốn như phản ứng dị ứng thái quá hay viêm cơ tim thì việc giảm liều khi tiêm cho trẻ lại nhằm mục đích chính là giảm các nguy cơ biến cố không mong muốn sau tiêm. Đây là lý do ở Mỹ CDC đã khuyến nghị chỉ tiêm liều 1/3 cho trẻ 5-11 tuổi”, TS. Bùi Lê Minh cho hay.

Theo TS Minh, việc đánh giá lâm sàng với Pfizer khi tiêm cho trẻ em được thực hiện ở Mỹ với các đặc điểm thể trạng khác trẻ em châu Á hay Việt Nam nên nếu cẩn trọng thì nên cân nhắc giảm liều vì chúng ta cũng không có đầy đủ dữ liệu về tính đáp ứng sinh miễn dịch và an toàn với nhóm trẻ ở Việt Nam.

“Với các phản ứng dị ứng, việc giảm liều chắc chắn sẽ giúp hạn chế nguy cơ sốc phản vệ quá nhanh không kịp chữa trị, vì phản ứng dị ứng có tương quan với lượng dị nguyên cơ thể tiếp xúc. Đây cũng là cơ sở của phương pháp tiêm vắc xin giải mẫn cảm bằng cách chia nhỏ liều và vừa tiêm vừa theo dõi phản ứng trước khi tăng liều, giúp tiêm an toàn người có nguy cơ sốc phản vệ. Vì thế, tôi đề xuất xem xét phương án tiêm liều 1/2 vắc xin Pfizer cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi”, TS Minh kiến nghị.

Với phụ huynh, TS Lê Minh khuyến cáo nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định tiêm vắc xin Covid-19 cho con, hiểu rõ các lợi ích và các rủi ro có thể có.

Các trường hợp trẻ có vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh suy giảm miễn dịch... thì cần phải tiêm như người lớn, còn các trường hợp trẻ có sức khỏe tốt thì ngoài vắc xin Covid-19 cũng có những lựa chọn khác an toàn mà giúp trẻ được bảo vệ tốt hơn như tiêm phòng vắc xin cúm mùa, phế cầu với tác dụng bảo vệ chéo và tránh nhầm lẫn triệu chứng hay nguy cơ tăng nặng do đồng nhiễm với SARS-CoV-2.

Ngoài ra việc bổ sung thường xuyên các loại vitamin như A và D cũng có những tác dụng nhất định giúp giảm các nguy cơ bệnh nặng.