Resort World Sentosa (RWS) trị giá gần 5 tỉ USD do Tập đoàn kinh doanh sòng bạc Genting của Malaysia xây dựng trên đảo Sentosa và Universal Studios là cấu phần được khai trương muộn nhất, sau khi các khách sạn bắt đầu mở cửa từ 20.1 và sòng bạc đỏ đèn từ mùng 1 Tết (14.2). Người ngoài cuộc không cần biết ngày tháng đó, giờ khắc đó ứng với cung mệnh gì trong ngũ hành trời đất, nhưng ai cũng biết rằng con số 8 giờ 28 phút ngày 18.3 là phán truyền của một “thầy” phong thủy.

Tổ hợp sòng bạc Resort World Sentosa

Sau công bố của RWS, đối thủ Marina Bay Sands (MBS) thuộc Tập đoàn kinh doanh sòng bạc đình đám Las Vegas Sands của tỉ phú người Mỹ - ông Sheldon Adelson, còn đưa ra một thông cáo báo chí… đầy màu sắc tâm linh: “Ngay sau khi đồng hồ điểm 9 giờ sáng hôm nay (8.3) toán nhân viên đầu tiên của MBS đã đồng loạt đặt chân vào tòa nhà điều hành của công trình. Đó là một thời khắc mầu nhiệm theo phán bảo của nhà phong thủy lừng danh Louisa Ong-Lee”. Việc di chuyển nhân viên vào tòa nhà điều hành là khâu chuẩn bị cho việc khai trương một phần công trình trị giá hơn 5 tỉ USD trên vịnh Marina của Singapore vào ngày 27.4 tới, và tổng khai trương sẽ diễn ra vào ngày 23.6.

Bên trong sòng bạc


Trong thông cáo báo chí nói rõ bà Louisa Ong-Lee là “cố vấn phong thủy” cho MBS. Trang web fengshui-usa.com liệt kê hàng chục nhà phong thủy đang hành nghề tại Mỹ, tại Canada, giới thiệu: “Bà Louisa Ong-Lee sống phần lớn cuộc đời mình tại Singapore, nơi phong thủy cổ điển là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Hoa và cả người nước ngoài tạm cư… Hiện nay, bà ấy sống ở Rochester, New York, tiếp tục cung cấp những lời khuyên phong thủy đầy hiệu năng cho khách hàng ở châu Á, Anh và Mỹ”…

Niềm tin

Xung quanh mỗi công trình, mỗi sự vật ở Singapore là một câu chuyện phong thủy khá lý thú. Đình đám nhất hẳn là Trung tâm thương mại Suntec City. Theo tài liệu của Thư viện quốc gia Singapore, Suntec xuất phát từ chữ tiếng Hoa "xin da", có nghĩa là “thành tựu mới”, được xây dựng từ năm 1989, khánh thành tháng 8.1995. Suntec City là một khối bao gồm 4 tòa nhà 45 tầng và một tòa 18 tầng bao quanh Đài nước Thịnh Vượng, nối tiếp bởi một dãy nhà thấp. Nhìn từ trên cao, Suntec City giống như một bàn tay trái khum khum, giữ trong lòng một chiếc nhẫn vàng cực lớn, còn dãy nhà thấp là cổ tay.

Đài nước Thịnh Vượng - Ảnh: flickr

Bàn tay trái, theo quan niệm của người Hoa, là bàn tay nắm quyền lực, cả tổng thể Suntec City thể hiện khao khát “một tay nắm giữ của cải toàn thế giới”. Đài nước Thịnh Vượng được làm bằng đồng với niềm tin rằng sự kết hợp kim-thủy (đặc biệt là kim loại đồng) là biểu tượng cho sự thành công. Đài nước hình tròn đường kính 21m, có 4 chân cao 13,8m biểu tượng cho 4 sắc tộc và tôn giáo ở đảo quốc sư tử. Điều đặc biệt nhất ở đây là thay vì phun nước lên cao, đài nước Suntec phun nước xuống thấp và tụ vào trong với ý nghĩa của cải tụ hội về nơi này.

Khách du lịch đến xứ sư tử thường được khuyên đến đài nước này vào những giờ khắc mầu nhiệm, chạm tay 3 lần vào giếng nước giữa trung tâm để nhận được sự may mắn.

Một câu chuyện ly kỳ khác là sự ra đời của đồng xu mệnh giá 1 đô la bằng đồng mang hình bát quái. Chuyện kể, khi xây dựng hệ thống tàu điện ngầm vào thập niên 1980, một nhà phong thủy đã nói với Thủ tướng Lý Quang Diệu khi ấy, rằng việc đặt quá nhiều sắt thép vào lòng đất là chạm “long mạch” và không tốt cho đất nước. Để “giải hạn”, vị thầy bảo mỗi gia đình Singapore phải treo một hình bát quái trước cửa. Điều này dĩ nhiên là bất khả thi ở một đất nước đa sắc tộc và tôn giáo như Singapore. Ông Lý Quang Diệu vì thế đã nghĩ ra đồng xu mang hình bát quái mà hầu hết người dân đều mang theo trong mình.

Sai sách
 
Ngày 15.4.2008, Singapore khánh thành chiếc đu quay lớn nhất thế giới bên bờ vịnh Marina, gọi là Singapore Flyer. Không hiểu có phải vì giá vé quá cao - 29,5 SGD (hơn 400 ngàn đồng)/người lớn và 20,65 SGD/trẻ em - mà việc kinh doanh có vẻ chật vật, chưa kể một vài trục trặc kỹ thuật gây tai tiếng.

Flyer có đường kính 150m, cao 165m, có 28 cabin, mỗi cabin có sức chứa 28 người. Một vòng quay của nó mất 30 phút và cho phép khách tham quan nhìn toàn cảnh phần phía nam của đảo quốc có hình dạng một con cua.

Sau hơn 3 tháng vận hành, ngày 28.7, ban quản lý đu quay ra một thông cáo báo chí khiến nhiều người sửng sốt: Singapore Flyer quay trái chiều phong thủy (!?) “Chiều quay ban đầu - cho phép du khách ngắm nhìn trung tâm tài chính khi đu quay lên cao, và hướng về phần phía đông hoang vu khi xuống thấp - đã thu hút sự chú ý của các nhà phong thủy. Theo họ, quay như thế là lấy đi năng lượng của đất nước và quay lưng với của cải vốn đã có sẵn ở trung tâm tài chính”, bản thông cáo viết.

Nghe lời các thầy phong thủy, người ta đã đổi hướng quay của Flyer. “Mitsubishi Heavy Industries - công ty thiết kế và xây dựng công trình này - tiến hành các thực nghiệm và tái cấu hình trục quay cùng các cabin, đảm bảo an toàn và thoải mái cho khách tham quan”, thông cáo cho biết. Theo báo Straits Times, chi phí cho việc trở chiều quay của Flyer lên đến 6 chữ số (1 đô la Singapore - SGD - đổi được gần 14.000 đồng).

Không rõ việc đổi hướng công trình biểu tượng quốc gia này có linh nghiệm hay không, chỉ biết rằng tháng 12 năm ấy, một sự cố điện khiến đu quay đứng yên, treo lơ lửng 173 du khách trong 6 tiếng đồng hồ giữa không trung. Giờ đây, từ cửa sổ văn phòng Báo Thanh Niên nhìn ra, phần lớn thời gian trong ngày, Singapore Flyer nằm yên nghỉ ngơi.
Thục Minh - VP Singapore
Theo Thanh Niên tuần san