"Thanh minh thượng hà đồ" có chiều rộng 24,8cm và chiều dài 528,7cm, là một bức tranh vô cùng đồ sộ miêu tả cảnh giao thương nhộn nhịp ở cố đô Biện Kinh của họa sĩ nổi tiếng thời Bắc Tống - Trương Trạch Đoan (1085 - 1145). Bức hoạ này được xem là báu vật trong nhiều triều đại quân chủ Trung Hoa.
"Thanh minh thượng hà đồ". Hình ảnh: Baidu
Sau này, danh tiếng ở Châu Á của "Thanh Minh Thượng Hà Đồ" đã khiến nó được ví von với bức "Nàng Mona Lisa" ở Châu Âu. Bức tranh mô tả tỉ mỉ và chi tiết cảnh sinh hoạt thường nhật quanh bờ sông của người dân thời Tống với tổng cộng 814 nhân vật, 20 phương tiện đi lại, 60 con vật và 170 loại cây cối.
Chính bởi quá nhiều chi tiết, quá nhiều hoạt động nên mỗi lần phóng to bức tranh cổ này, hậu thế luôn có những phát hiện thú vị về cuộc sống của người xưa. Chẳng hạn như nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã phóng to 10 lần bức tranh và soi ra loạt công việc, ngành nghề từng phổ biến trong quá khứ.
Quầy khám chữa của Triệu thái y. Hình ảnh: Baijiahao
Một vị thầy thuốc bình dân trải chiếu ngồi bắt bệnh. Hình ảnh: Baijiahao
Y sĩ hẳn là công việc quan trọng ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào. "Thanh minh thượng hà đồ" đã mô tả ngành nghề này thông qua hai quầy khám chữa bệnh ở cố đô - một bên đề tên Triệu thái y, bên còn lại là một vị thầy thuốc không tên tuổi.
Có thể hiểu Triệu thái y là một vị ngự y chữa bệnh cho hoàng thất, quần thần trong triều, đến khi nghỉ hưu thì rời cung mở quầy khám chữa. Tuy nhiên, cửa tiệm mà vị thái y họ Triệu mở có chút vắng vẻ, khác với những "lang trung giang hồ" chỉ cần trải tấm chiếu bên lề đường là thu hút được không ít bệnh nhân. Dường như những vị thầy thuốc bình dân thời kỳ này gần gũi và được lòng dân chúng hơn hẳn!
Nghề 900 năm vẫn hot
Bên cạnh khám chữa bệnh, bói toán cũng là một "ngành nghề" phát triển rực rỡ dưới thời Bắc Tống. Bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" đã mô tả công việc này trong một góc tranh, thông qua gian hàng chật kín khách.
Cửa gian hàng treo một chữ "Giải" rất lớn. Đây chính là nơi người xưa xem bói, bốc quẻ và hỏi han về tương lai. Nhìn phong cách ăn mặc của đám đông, có thể thấy hầu hết họ là sĩ tử sắp đến kỳ thi cử còn vị thầy bói này chuyên xem về con đường quan lộ và sự nghiệp học hành.
Gian hàng xem bói sôi động dành cho các sĩ tử. Hình ảnh: Baijiahao
Gian hàng của một vị thầy bói khác có vẻ đìu hiu hơn. Hình ảnh: Baijiahao
Cách đó chưa đến 100m, dưới tán cây cổ thụ là một gian hàng có phần đơn sơ, treo ba tấm biển bắt mắt "Xem vận mệnh". Gian hàng này có vẻ dân dã và dành cho nhiều đối tượng ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính.
Đã gần một thiên niên kỷ trôi qua kể từ khi Trương Trạch Đoan vẽ bức "Thanh minh thượng hà đồ", sự tò mò của con người về vận mệnh, tương lai vẫn không thay đổi. Nhiều người hiện đại vẫn tìm tới bói toán, thậm chí là bói toán online, để giải tỏa cảm giác chán nản, khắc phục những khó khăn trong công việc hay áp lực trước những vấn đề trong cuộc sống.
Thế nhưng dù là 900 năm trước hay ngày nay, những lời thầy bói phán chỉ nên là "bản phác thảo" tương lai mang tính chất tham khảo, mọi người không nên đặt nặng niềm tin để rồi mất đi khả năng làm chủ cuộc sống của mình.