“Bình sinh đồ” và “Tiểu khoa ứng thí đồ”
Vào giai đoạn hậu kỳ Joseon (1392 - 1910), giới hội họa Hàn Quốc xuất hiện 1 dòng tranh có tên gọi là “Bình sinh đồ”. Nguồn gốc chính xác của loại tranh này hiện vẫn chưa được xác định, tuy nhiên nó từng rất thịnh hành trong giới quan lại cấp cao vào thời điểm đó.
“Bình sinh đồ” được vẽ trên 1 tấm bình phong, thường gồm 8 đến 10 bức họa tái hiện lại những dấu mốc quan trọng trong đời người của chủ nhân, chẳng hạn như tiệc thôi nôi, lễ thành hôn, cảnh vinh quy bái tổ hay đại thọ 60 tuổi.
Trong số các “Bình sinh đồ” còn lưu giữ lại đến ngày nay, nổi bật nhất là tấm đang được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, tác giả khuyết danh, cũng chưa rõ nhân vật chính của nó là ai.
10 bức họa của tấm “Bình sinh đồ” đang được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Ảnh: Haksunje
Điểm đặc biệt của tấm bình phong này nằm ở bức tranh số 3. Bức tranh số 3 có tên là “Tiểu khoa ứng thí đồ”, họa lại cảnh tượng tại nơi diễn ra kỳ thi Tiểu khoa trong hệ thống khoa cử của triều đại Joseon. Gần như không thể tìm thấy tấm “Bình sinh đồ” nào khác có tái hiện lại cảnh tượng này.
Thông qua kỳ thi Tiểu khoa diễn ra 3 năm 1 lần, triều đình sẽ chọn ra 200 người xuất sắc nhất từ khắp nơi trong vương quốc. Họ sẽ được bổ nhiệm làm quan văn cấp thấp, có tư cách tham gia ứng thí lên chức quan tầm trung và được nhập học trường Sungkyunkwan - cơ quan giáo dục cao nhất thời bấy giờ.
Bức tranh số 3 có tên là "Tiểu khoa ứng thí đồ”. Ảnh: News Quest
Nhìn vào bức tranh, có thể thấy cổng trường thi đã đóng, đề thi đã được treo lên, điều này chứng tỏ thời gian làm bài đã bắt đầu.
Tuy nhiên đáng nói là ở bên dưới, các thí sinh lại ngồi túm tụm, thuê người vào làm bài giúp, ngang nhiên lấy dù che lại để thực hiện hành vi gian lận. Chưa hết, vị quan coi thi lẫn các giám thị khác cũng đều làm ngơ trước khung cảnh đó.
Vấn nạn gian lận trong các kỳ thi vào thời Joseon là có thật, thậm chí nó còn được ghi chép lại trong “Triều Tiên vương triều thực lục” - bộ sách hợp tuyển các văn bản ghi chép hàng năm của nhà Joseon từ năm 1413 đến năm 1865.
Các thí sinh đang làm bài thi với sự trợ giúp của người được thuê. Ảnh: News Quest
Thế nhưng theo các chuyên gia, những hành vi lộ liễu như trong tranh chỉ có thể xảy ra ở các kỳ thi cấp địa phương. Đối với Tiểu khoa - 1 kỳ thi được tổ chức ở kinh đô thì đây là điều gần như không thể. Các thí sinh sẽ được bố trí ngồi ngay hàng thẳng lối, tách nhau ra để làm bài thi nhằm tránh triệt để các hành vi tiêu cực.
Như vậy, cảnh gian lận trong kỳ thi Tiểu khoa này chỉ là khung cảnh được tạo dựng, dường như không hề có thật. Câu hỏi đặt ra là, tại sao chủ nhân của tấm bình phong lại cho họa 1 cảnh nhuốm màu giả dối như vậy vào loạt tranh kể về cuộc đời mình?
Sự thật đằng sau
Theo suy đoán của các chuyên gia, chủ nhân của bức tranh cho vẽ cảnh gian lận không có thật này chủ yếu để làm nổi bật lên sự trong sạch của bản thân.
Có lẽ nhân vật chính muốn nói rằng ông là người duy nhất tham dự kỳ thi một cách minh bạch. Rằng nếu ông có hành vi gian dối, hẳn ông đã không cho vẽ lại 1 cảnh tượng đáng xấu hổ như vậy.
Bằng cách này, vẻ khiết bạch của bản thân nhân vật chính sẽ được khắc họa nổi bật, tương phản với sự lộn xộn, náo nhiệt và gian dối tràn lan khắp trường thi.
Tranh tái hiện lại cuộc đời nhân vật thì chắc hẳn phải có sự xuất hiện của nhân vật trong đó. Vậy rốt cuộc chủ nhân của bức tranh đang ngồi ở đâu?
Với những suy đoán trên, chuyên gia cho rằng nhân vật chính, cũng là chủ nhân của bức tranh chính là người đang ngồi tách biệt 1 mình dưới tán cây, trông ông thư thái như thể đã hoàn thành xong bài thi và mang đi nộp rồi vậy.
Thí sinh duy nhất ngồi 1 mình - người được cho rằng chính là chủ nhân của tấm bình phong “Bình sinh đồ”. Ảnh: News Quest
“Tiểu khoa ứng thí đồ” là 1 tài liệu quý giá giúp hậu thế có cái nhìn rõ nét hơn về kỳ thi Tiểu khoa vào thời Joseon, tuy nhiên nó cũng có vài phần không thật. Nếu không được chuyên gia mách cho, có lẽ chúng ta đều đã bị tiền nhân “đánh lừa” mất rồi!