Hậu quả để lại của tổn thương do bỏng ở bàn tay rất nặng nề. Do đó, để hạn chế những tổn thương nghiêm trọng, di chứng bỏng gây sẹo thì việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, bệnh viện Quốc tế Pháp Việt đã từng điều trị cho bệnh nhân bị b nước sôi từ năm 4 tuổi, bị di chứng bỏng làm sẹo co rút 3 ngón bàn tay. Năm 19 tuổi, bệnh nhân mới quyết định tìm bác sĩ phẩu thuật cho bàn tay thẩm mỹ hơn và có chức năng tốt hơn để lập gia đình. Bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật xoay vạt da tại chỗ để giải phóng sẹo co rút ngón, kỹ thuật này không cần lấy da nơi khác ghép vào sẹo, sau 2 tuần 3 ngón tay đã duỗi thẳng được và trông thẩm mỹ hơn.
Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Xuân Anh về cách phòng tránh di chứng bỏng gây sẹo co rút bàn tay ở trẻ em.
Khi bị bỏng không nên dùng các loại thuốc lá đắp
Có rất nhiều trường hợp sau khi bị bỏng do các sơ cứu và săn sóc ban đầu không đúng nên đã để lại những di chứng năng nề, điển hình là di chứng bỏng gây sẹo co rút bàn tay.
Sự lành sẹo do bị bỏng phụ thuộc vào các nguyên bào sợi. Bình thường các nguyên bào sợi sẽ kéo các vết thương nhỏ lại, mau lành, nhưng trong trường hợp các nguyên bào sợi phát triển quá mức do cách điều trị không đúng, vết thương bị nhiễm trùng, thể trạng suy dinh dưỡng, có cơ địa sẹo lồi... thì sẽ làm sẹo co rút, các ngón tay có thể bị dính lại với nhau, hoặc sẹo phát triển to (sẹo lồi) ảnh hưởng đến chức năng vận động của bàn tay và mất thẩm mỹ. Thông thường thời gian ổn định sẹo là 6-24 tháng.
Nguyên nhân gây bỏng bàn tay, ngón tay ở trẻ thường do người lớn vô ý để những món ăn hay nước vừa nấu sôi ngay cạnh trẻ và trẻ chạm tay vào.
Khi thấy diện tích bỏng ở tay trẻ không lớn, các bậc cha mẹ thường can thiệp theo kiểu dân gian như bôi nước mắm, xoa các loại thuốc mỡ, kem đánh răng... vào vết bỏng, hoặc đưa đến một cơ sở y tế gần nhà để băng bó. Thậm chí sau đó thấy tay có những dấu hiệu bất thường như co rút, không cử động được... nhưng do bận rộn hoặc đang khó khăn về kinh tế nên nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua, sau nhiều năm mới đưa trẻ đi điều trị.
Lưu ý khi trẻ bị bỏng
Khi bị bỏng để giảm bớt ảnh hưởng các loại di chứng thì cần chăm sóc vết thương bỏng đúng cách ngay từ đầu.
- Cần nhanh chóng để vùng bị bỏng ngâm vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút, việc làm này sẽ giúp vết bỏng được dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch vùng bị bỏng tránh các viêm nhiễm.
- Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng lại, tránh bụi bẩn vào vết bỏng.
- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì sau một thời gian chăm sóc tại nhà da vùng bỏng có thể tự liền lại nhưng nếu vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
- Rất nhiều người cho rằng khi bị bỏng thì nhanh chóng bôi kem đánh răng vào vết bỏng để làm dịu và trị bỏng nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, tuyệt đối không được bôi bất cứ thứ gì vào vết bỏng như muối, mỡ trăn, kem đánh răng … điều này sẽ khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, dễ bị viêm nhiễm nặng hơn.
Không dùng đá để làm mát vết bỏng, điều này khiết vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, vùng da vừa bị bỏng thì bị lạnh đột ngột tế bào co lại khiến vết bỏng lâu khỏi và dễ bị loét hơn.
- Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.
- Nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề. Sau khi sơ cứu bỏng cần đưa trẻ đến nơi cơ sở y tế.
- Đối với sẹo bỏng, sau khi lành vết thương, phải tiếp tục theo dõi diễn tiến lành sẹo để đề phòng sẹo có thể phát triển theo chiều hướng co rút. Quá trình tập vật lý trị liệu sau khi lành sẹo rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng của các ngón tay, bàn tay của trẻ.